Tháp Phổ Minh là công trình kiến trúc lâu đời còn giữ được tương đối toàn vẹn. Theo tính toán của các nhà khoa học, tháp nặng tới 700 tấn. Vậy mà hơn 7 thế kỷ qua vẫn đứng vững vàng giữa một nền đất không vững chắc. Thế cũng đủ thấy sự tài hoa khéo léo của cha ông ngày trước.
Tháp chùa Phổ Minh ẩn hiện tronh những tán cây xanh |
Năm 1308, Kim Phật Trần Nhân Tông băng hà ở am Ngọa Vân trên ngọn Tử Phong - Yên Tử (Đại Việt Sử Ký toàn thư, kỷ Anh Tông). Sau đó ít lâu, con ngài là vua Anh Tông đã đem 7 trong số 21 hạt xá lợi đặt trong cỗ kiệu bát cống bằng đá rồi xây tháp Phổ Minh lên trên. Tháp hình vuông, gồm 14 tầng, cao 19,5 m. Hai tầng dưới làm bằng đá mỗi chiều dài 5,2 m. Các tầng còn lại xây bằng gạch bắt mạch để trần. Mỗi đầu viên gạch có dòng chữ “Hưng - Long thập tam niên”(1305) và khắc họa con rồng nổi thời Trần. Sau đó, một thương nhân giàu có đã bỏ tiền trát vữa lên các mặt tháp.
Ngọn tháp này được các nhà khoa học ước tính nặng khoảng 700 tấn. |
Chùa Phổ Minh cũng từng là nơi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông tu hành khi mới xuất gia. Nói về Trần Nhân Tông, đây không chỉ là một vị vua hiền có công trong kháng chiến chống Nguyên Mông lần 2 và 3 mà còn là vị tổ đã sáng lập ra một dòng thiền của riêng Việt Nam, đó là thiền phái Trúc Lâm. Phái Trúc Lâm truyền được 3 đời tổ. Trần Nhân Tông truyền cho ngài Pháp Loa, Pháp Loa truyền cho Huyền Quang. Sau đó, nhà Trần suy yếu và bị mất thiên hạ vào tay họ Hồ.
Tượng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn ở chùa Phổ Minh. |
Hơn 20 năm bị giặc Minh đô hộ cộng với sau đó nhà Lê lên nắm chính quyền đưa Nho giáo lên vị trí độc tôn nên phái thiền Trúc Lâm không còn phát triển mạnh mẽ như trước. Từ đây, thày truyền cho trò chỉ còn lấy tâm ấn tâm, ngầm trao truyền y bát. Do vậy nên tuy không thấy nói đến các đời tổ về sau của phái Trúc Lâm mà tông môn cũng như cách thức tu tập của Trúc Lâm thì còn mãi đến tận bây giờ. Một dẫn chứng cụ thể là năm Lê Cảnh Hưng thứ 24 (1763), Ngài Huệ Nguyên đem khắc bản in cuốn Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục, trong phần giới thiệu về các tông phái Thiền ở đất Việt, ngài Huệ Nguyên đã tự nhận: “Tông Trúc Lâm của tôi, khắc trong bản đồ, khỏi phiền ghi đủ”.
Trong chùa hiện có thờ Trúc Lâm Tam Tổ ở hậu điện. Chính giữa là tượng Trần Nhân Tông viên tịch theo kiểu nằm giống như hình Thích Ca Nhập Diệt ta thường thấy trong các chùa. Bên phải là tổ Pháp Loa, bên trái là tượng Huyền Quang. Bức tượng Trần Nhân Tông nhập diệt được đánh giá là tác phẩm có giá trị cao cả về mỹ thuật, sử học lẫn tư tưởng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét