Đưa đạo vào đời .
. .
Anh chị em Lam
viên thân mến
Đưa đạo vào đời
hay đưa đời vào đạo ?
Vừa qua trong kỳ
trại 26 tháng 3, tại một trường Trung học cơ sở ở Diên khánh (tỉnh Khánh hòa) có
hai học sinh, cũng chỉ vì cãi cọ nhau về việc căng dây trại thôi, thế mà cuối
cùng một học sinh nổi sân hận đâm chết bạn mình. Đau xót thay !
Khi đươc tin đó,
chúng tôi vội nhấc điện thoại gọi một Huynh trưởng ở Diên khánh hỏi xem hai em
đó có sinh hoạt Gia Đình Phật Tử không? Được biết cả hai không phải là đoàn
sinh Gia Đình Phật Tử. Tôi thở phào nhẹ nhỏm.
Vậy thì, chỉ là
đoàn sinh Gia Đình Phật Tử mình mới đau xót, còn không thì “ai chết mặc ai”sao?
Không phải thế, đau xót lắm chứ! Đau xót một học sinh đang tuổi hồn nhiên vô cớ
bị chết oan uổng đã đành, đau xót cho một thiếu niên – chỉ là tuổi thiếu niên
thôi - mà sân hận đến mức độ nộ khí trổi lên, hung ác nổi dậy, bạo tàn chiếm cả
lương tri, nhẫn tâm đâm chết bạn mình.
Còn đau xót hơn,
xã hội Việt nam, bây giờ là thế đó ! Bạo lực học đường thường xẩy ra. Trước đây
khá lâu chúng tôi đã có dịp thưa chuyện với anh chị em trong một “Lá thư đầu
tuần”. Không những chỉ đâm chém bạn bè mà cón đâm luôn cả thầy cô giáo !
Nhưng nếu thủ phạm
là một đoàn sinh Gia Đình Phật Tử thì chắc chắn ai trong chúng ta cũng đau đớn
lắm, phải không ?
Chúng tôi thì tin
rằng đã là đoàn sinh Gia Đình Phật Tử không thể nào như thế. Rồi tự hỏi lại mình, chắc 100% không? Nếu
tin chắc 100%, đâu cần nhấc điện thoại hỏi lại.
Thưa anh chị em,
mục đích của tổ chức chúng ta là giáo dục thanh thiếu nhi và góp phần xây dựng
xã hội, nhưng đứng trước “bạo lực học đường như thế đó, chúng ta cũng chỉ là kẻ
bàng quan, đứng nhìn mà đau xót thôi. Chúng ta luôn luôn chủ trương đưa “đời
vào đạo” chứ chưa có khả năng “đưa đạo vào đời”.
Tôi nhớ hồi chấn
hưng Phật giáo, phong trào truyền bá giáo pháp lan rộng từ thành thị đến thôn
quê. Đâu đâu cũng có thành lập khuôn hội. Có đoàn “Sứ giả Như lai” đi giảng
Pháp khắp nơi và kêu gọi chấm dứt tình trạng mê tín. Thế mà lúc đó, một ngôi
chùa ở vùng quê xa của Thừa thiên, vào ngày Rằm mỗi tháng đổng bào Phật tử đến
lễ khá đông nhưng cốt yếu là xin xăm bói quẻ. Thầy Trụ trì ở đây có vẻ đạo mạo,
nghiêm nghị và thông thái. Có người hỏi thầy: “bạch thầy, Phật giao lúc nầy đã
chấn hưng, quý thầy trong đoàn “Sứ giả Như lai” đi giảng Pháp đó đây và kêu gọi
trừ bỏ mê tín mà chùa mình Phật tử đến bốc xăm dỡ quẻ còn khá nhiều thầy nhỉ.
Thầy mĩm cười rồi
ôn tồn đáp: “quý thầy đó đưa Đạo vào đời” còn nơi thâm sơn cùng cốc nầy, bần
tăng tôi lại “Đưa đời vào Đạo”.
Lúc đó chúng tôi
không hiểu ý thầy muốn nói gì?
Vài phút sau thầy
mới tâm sự tiếp: “Sau khi qua khóa Học Tăng ở Bảo quốc, tôi trở về ngôi chùa
của Thầy tôi ngày trước (chúng tôi thầm hiểu là chùa của thân phụ thầy ngày
trước dựng lên) Sinh thời Thầy tôi cũng tinh thông Âm dương ngũ hành, nghiên
cứu kinh dịch khá sâu. Tôi không được thuận duyên như quý Thầy trong đoàn Phú
lâu Na, xa xôi cách trở, phương tiện khó khăn, trình độ giáo pháp thì chưa thâm
sâu lắm. Đồng bào Phật tử ở đây lại rất mộ đạo nhưng mộ đạo theo kiểu như vậy
đó. Hình như từ lâu đời, họ có tư tưởng: đến chùa là cốt để nhờ Phật phò hộ cho
có đươc sự may mắn, tai qua nạn khỏi, hanh thông trong cuộc sống, nên chỉ biết
xin xăm, bói quẽ. Gặp việc gì họ cũng xin xăm. Nhưng cũng nhờ vậy họ mới có duyên đến chùa. Lúc
có thì giờ thong thả, tôi mời họ ngồi lại uống trà mươi lăm phút, nói qua đôi
điều tu tập, trao đổi đôi điều giáo lý căn bản. Nhưng nắng hạn lâu ngày mà chỉ
có đôi cơn mưa nhỏ thì có thấm vào đâu? Nhưng tôi tin rằng cũng có ngày sẽ thấm
ướt. Khi họ đã hiểu được nhân quả, nghiệp báo, tự nhiên họ cảm thấy viêc xin
xăm bói quẽ đâu cần thiết nữa. Lúc đó chẳng cần nói gì mê tín hay không mê
tín”. Chúng tôi nhận thấy Thầy nói cũng có lý nhưng chưa có tính tích cực.
Nhưng, thưa anh
chị em, ngay bây giờ đây, trong thành phố Sài gòn nầy vẫn có chùa còn lệ đốt
vàng mả, tuy nhiên chỉ đốt ở góc am Âm hồn phía sau chùa. Mà lúc nầy đồ mả cũng
“xịnh” lắm đấy, có cả nhà lầu ba bốn tầng rất đẹp honda đời mới, ti vi, lap
tốp, đồ giả mà cũng nhiều tiền lắm đấy, khổ nỗi ở đây có một đơn vị Gia Đình Phật
Tử sinh hoạt. Có lần một chị Trưởng nói với chúng tôi: “Em dạy các em về chánh
tín, mà như thế, phải nói với các em như thế nào?” Một hôm chúng tôi đánh bạo
vào đãnh lễ Hòa thượng Trú trì một cách cung kính và bạch vấn đề nầy, Hòa
thượng cười rất tươi, ôn tồn dạy: “Các anh chị thấy nghịch lý lắm phải không? Đúng là nghịch lý. Nhưng đạo Phật là đạo đem
an vui đến cho mọi người, những người đến cúng đó (họ tự ý đem đến cúng) lâu
nay chưa bước chân đến chùa, chưa hiểu gì đao Phật. Hôm nay họ đến chùa, chẳng
qua vừa rồi có thân nhân qua đời, họ đến nhờ quý Thầy cầu siêu, tụng kinh thế
thôi. Sự thật thì họ cũng chẳng biết cầu siêu là cầu như thế nào.
Tục lệ đốt vàng mả đã ăn sâu trong tâm thức của họ, đến nỗi đã đi vào tiềm
thức, họ luôn luôn bất an, luôn luôn bị ám ảnh, trở thành mộng mị, họ cứ dằn
vặt, thấp thỏi. Nhiều người bộc bạch: nằm mơ thấy thân nhân quá cố của họ hiện
tại rất khổ sở, thiếu thứ nầy, thiếu thứ nọ… vậy mình làm sao đây! Thôi thì cứ
để cho họ thỏa mãn, cho họ an tâm. Giảng giáo phap cho những người nầy trong
mươi lăm phút làm sao chuyển hóa được, cứ phương tiện để làm cho họ an tâm đi
đã, cho họ khỏi dằn vặt đau khổ đi đã. Rồi chúng tôi tặng kinh sách, băng đĩa
cho họ về đọc, về nghe, khuyên họ thường xuyên đi chùa nghe giảng pháp. Cũng
chính ở đây, những vị sơ cơ ngày trước bây giờ lại siêng năng đi chùa nghe pháp
thoại, làm công quả, tham gia công tác từ thiện của chùa rất tích cực.
Trở lại Gia Đình Phật Tử
mình, chúng ta thường nhắc nhở nhau lo công việc giáo dục đoàn sinh cho tốt là
thực hiện mục đích thư hai của Gia Đình Phật Tử rồi đấy, các em mình lớn
lên sẽ là người có đạo đức, phục vụ tốt cho đất nước, cho xã hội, cho đạo pháp.
Góp phần xây dựng xã hội là chỗ đó. Trước mắt phải đưa các em thanh thiếu đồng
niên đến với Đoàn cho nên có những bộ
môn hoạt động vui chơi hợp với tâm sinh lý trẻ. Từ đó chung ta dần dần
giáo dục các em. Chúng ta cũng đang làm
công việc đưa đời vào đạo đấy.
Nhưng
nhìn vào thực tế hiện thời thì sao? Chúng tôi chưa đề cập đến Hải ngoại, chỉ
nhìn trên bình diện Quốc nội, theo báo cáo cuối năm 2013 thì đang trên đà sút
giảm cũng do nhiều chướng duyên, ngoại tại và nội tại. Ngoại tại thì anh chị em
biết quá nhiều rồi, khỏi nói. Về nội tại, bình tâm mà xét thì nhiều nguyên nhân:
Một
số Huynh trưởng chưa gây được uy tín với phụ huynh qua thân giáo. Nguy hại hơn,
một đôi nơi trong hàng ngũ huynh trưởng manh nha có sự phân hóa, cũng chỉ vì tư
duy không đồng nhất hoặc có sự hiểu lầm nhau nhưng chưa có dịp “kiến hòa đồng
giải”. Mà có chịu ngồi lại với nhau đâu, để “kiến hòa đồng giải”. Đoàn sinh thì
phong trào học thêm, học ngoài giờ chiếm luôn cả ngày Chủ nhật. Những em kiên
trì lắm, vững chãi lắm thì khi đến tuổi làm Huynh trưởng lại vào đại học hoặc
đi làm xa. Viễn ảnh Gia Đình Phật Tử sẽ như thế nảo?!
Mỗi
Huynh trưởng chúng ta đều có trách nhiệm trong vấn đề nầy, nhất là cấp Tín trở
lên. (đọc kỹ lại Nội quy). Đừng nghĩ rằng đây là trách nhiệm của Ban Hương dẫn nầy,
Ban Hướng kia, của cấp nầy, của cấp khác.
Chúng ta cần tư duy thật sâu, trao đổi thật rộng rãi, bàn bạc thật kỹ
càng, thảo luận thật rốt ráo (nhất là trong các buổi sinh hoạt Hội đồng cấp) để
có thể tìm được một phương án tốt.
Đừng
để quá muộn !
Thân ái
0 nhận xét:
Đăng nhận xét