Chân An Nghiêm. (BBT Chuyển ngữ từ tiếng Anh)
Trong chuyến hoằng pháp tại Bắc Mỹ của Tăng thân Làng Mai năm vừa qua, một nhóm các thầy, các sư cô Làng Mai cùng một số vị cư sĩ có cơ hội đến thăm trụ sở chính của Facebook tại Menlo Park, California.
Vừa nhìn thấy tấm biển có dòng chữ “Hacker Way”, chúng tôi biết là mình đã đến “đại bản doanh” của Facebook. Tính bảo mật là ưu tiên hàng đầu trong kinh doanh của tập đoàn này, vì vậy mà không có gì đáng ngạc nhiên khi vấn đề kiểm tra an ninh tại trụ sở của Facebook được thực hiện nghiêm ngặt đến vậy.
Tại cửa ra vào, chúng tôi phải ký vào bản cam kết không tiết lộ bất kỳ thông tin nào mà chúng tôi vô tình biết được khi vào nơi đây (non-disclosure agreement), sau đó mỗi người được phát bảng tên để đi vào bên trong. Nếu là nhân viên của Facebook thì còn phải đăng ký việc sử dụng iPad khi vào sở làm. Chúng tôi được dặn dò hết sức kỹ lưỡng là phải đi cùng với những nhân viên có trách nhiệm đón tiếp chúng tôi hôm đó, nếu không thì có thể bị yêu cầu rời khỏi trụ sở Facebook bất cứ lúc nào.
Facebook đã thu hút những đầu bếp hàng đầu trên khắp nước Mỹ và nhiều quốc gia khác để phục vụ các món ăn đa dạng, phong phú, phù hợp với khẩu vị của đội ngũ nhân viên quốc tế của mình. Các đầu bếp này cũng phục vụ thức ăn chay tại hầu hết các quầy cafeteria và điều tuyệt vời hơn cả là các nhân viên có thể ăn uống miễn phí tại các nơi này.
Khi đi tham quan vòng quanh khuôn viên của trụ sở Facebook (có người hướng dẫn), chúng tôi đi ngang qua văn phòng của Mark Zukerberg – người sáng lập ra Facebook. Qua những bức tường bằng kính, chúng tôi có thể thấy vị giám đốc trẻ tuổi này đang điều hành một cuộc họp với các nhân viên. Điều này làm cho chúng tôi cảm nhận được tính cởi mở, minh bạch ở một nơi đầy áp lực về tính bảo mật của thông tin.
Một trong những “dịch vụ đãi ngộ” thú vị trong trụ sở của Facebook là “các máy bán hàng tự động”, nơi mà bạn có thể quẹt thẻ công ty và nhận các linh kiện điện tử như sạc điện, tai nghe, chuột máy tính, v.v. Điều này thật hay, vì trong khi một nhân viên của Facebook đang thuyết trình với chúng tôi về những hoạt động của Facebook thì máy tính của cô bị hết pin. Một đồng nghiệp của cô đã kịp thời đến máy bán hàng tự động để lấy một cái xạc pin mới, nhờ vậy mà máy tính không bị tắt và làm gián đoạn buổi thuyết trình.
Sau giờ ăn trưa, chúng tôi được nghỉ ngơi trong căn phòng nhỏ được sử dụng làm phòng thiền. Căn phòng này thật yên tĩnh, được dành riêng cho một nhóm nhân viên chuyên về lĩnh vực chánh niệm và đa tôn giáo.
Buổi chiều hôm đó, chúng tôi có một cuộc gặp gỡ và trao đổi với nhân viên của Facebook. Thật là thú vị khi biết Facebook đang tiến hành những công việc rất sáng tạo với mục đích giúp cho mọi người thực tập ngôn ngữ từ ái (ái ngữ). Facebook đã thuê một nhóm chuyên gia nghiên cứu về những cách thức mà con người sử dụng để có thể hiểu nhau, cũng như tìm ra những cách thức truyền thông hiệu quả hơn giúp con người đối xử và liên hệ với nhau theo hướng tích cực hơn.
Những thông điệp chánh niệm
Các chuyên gia của Facebook đã tìm cách giúp những người đang liên hệ với nhau thông qua Facebook có cơ hội dừng lại và ý thức hơn về những cảm xúc của mình, để có thể hành xử một cách chánh niệm và có nhiều thương yêu hơn.
Với mục đích cung cấp những công cụ nhằm diễn đạt một cách chính xác các trạng thái tình cảm, Facebook còn đưa ra một số lựa chọn để giúp bạn nhìn rõ và chia sẻ một cách chính xác những cảm xúc của mình, đặc biệt là khi bạn cảm thấy bị tổn thương vì một điều gì đó. Thí dụ:
Nếu bạn không thích một bức hình mà một ai đó để lên Facebook và bạn muốn lấy bức hình đó xuống, bạn sẽ nhận được câu hỏi vì sao từ Facebook. Nếu bạn bấm vào sự lựa chọn: “Có tôi trong bức ảnh này và tôi không thích chút nào”, bạn sẽ nhận được câu hỏi: “Bạn không thích vì lý do gì?”.
Và bạn có thể chọn một trong các lý do sau:
Trong ảnh nhìn tôi xấu
Bức ảnh không phù hợp
Bức ảnh làm tôi buồn.
Xác định được lý do xong, việc hay nhất mà bạn có thể làm là gởi một tin nhắn trực tiếp tới người đã đăng bức ảnh ấy, trình bày thật rõ ràng và lịch sự cảm nghĩ của bạn, thí dụ như: “Chào bạn, tôi thực sự cảm thấy buồn vì bức ảnh mà bạn để lên facebook, nếu bạn đem nó xuống thì hay quá. Bạn có thể làm điều đó được không?”
Các khảo sát cho thấy hầu hết các trường hợp đều đáp ứng lại một cách tích cực khi nhận được một tin nhắn như thế. Họ đã tự học hỏi qua kinh nghiệm ấy mà không cần đến sự can thiệp của Facebook. Facebook chỉ đơn thuần tạo cơ hội để những người đang có nhiều cảm xúc có thể truyền thông với nhau.
Họ muốn khuyến khích người sử dụng tự mình suy ngẫm, và hy vọng rằng ngay cả những người tạo ra nội dung các tin bài trên Facebook cũng có những phút nhìn lại để thấy rằng: “à, bây giờ thì mình hiểu được phần nào những gì mình đăng lên Facebook có ảnh hưởng đến người khác như thế nào.”
Facebook đã làm một điều hơi đi ngược lại với xu hướng thông thường, vì họ làm cho quá trình xử lý những điều khách hàng không hài lòng trên Facebook diễn ra lâu hơn. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các quy trình xử lý càng đơn giản, càng nhanh thì càng được ưa chuộng. Các cuộc thăm dò của Facebook cho thấy khi các công ty sử dụng những “ứng dụng về chánh niệm” cho iPhone và làm cho tốc độ xử lý trở nên chậm hơn thì người sử dụng lại không coi đó là cơ hội để thực tập chánh niệm, mà họ nghĩ rằng máy bị hư hoặc có chất lượng không tốt. Vì vậy thay vì làm cho tốc độ xử lý chậm lại, các kỹ sư của Facebook nghĩ ra cách tạo thêm nhiều bước hơn trong quy trình xử lý. Kết quả thăm dò cho thấy phương án này tỏ ra hiệu quả hơn và giúp cho nhiều người trở về với chính mình, cũng như ý thức hơn về những cảm xúc của mình.
Facebook và câu thần chú thứ nhất của Làng Mai
Khi nhìn thấy một nội dung gì đó trên Facebook khiến cho bạn lo ngại về trạng thái tinh thần của một người mà bạn quen, bạn có thể biểu lộ điều này bằng cách làm theo một loạt hướng dẫn trên “Cập nhật trạng thái” (Status Updates).
Thí dụ như có ai đó bỏ lên một mẩu tin nói rằng họ muốn tự tử hoặc muốn tự gây thương tích cho mình, bạn có thể bấm vào chọn lựa “Tôi không thích đọc tin này”. Khi được hỏi tại sao, bạn có thể bấm chọn lựa “Tôi không nghĩ tin này nên để lên Facebook vì nó có hại.” Bạn sẽ được hỏi tiếp là vì sao bạn nghĩ như vậy, khi đó bạn có thể bấm vào “Tôi nghĩ người này có nguy cơ tự làm hại mình.” Nếu bạn bấm chọn lựa này thì sẽ có những đề nghị giúp đỡ hoặc hỗ trợ hiện lên.
Và nếu bạn chọn hỗ trợ này thì sẽ có một tin nhắn soạn sẵn hiện lên trên màn hình và bạn có thể gởi tin này trực tiếp đến người bạn đó: “Chào bạn, mình hơi lo cho bạn đó, bạn có ổn không vậy? Nếu bạn cần sự yểm trợ thì mình luôn sẵn sàng có mặt cho bạn. Bạn cũng có thể liên lạc với đường dây nóng qua số … để nhận được sự giúp đỡ”.
Mẩu tin này được soạn sẵn bởi vì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu không được soạn sẵn thì thường người ta sẽ không tự viết ra. Tôi nghĩ tính năng này thật tuyệt vời bởi vì Facebook đang giúp những người sử dụng thực tập câu thần chú thứ nhất của Làng Mai: “Bạn ơi, tôi đang có mặt cho bạn đây!” (I am here for you).
Chúng tôi cũng lo ngại về tình trạng các em thiếu niên bị bắt nạt, ức hiếp rất tàn nhẫn trên các trang mạng xã hội (Social media sites) như Facebook, có em sợ hãi đến độ muốn tự tử như những trường hợp gần đây mà báo chí đã đưa tin.
Các nhân viên của Facebook cho chúng tôi biết rằng những thông điệp chánh niệm như đã kể trên chỉ dành cho những người từ 18 tuổi trở lên mà thôi. May mắn là hiện giờ họ đang có một nhóm nghiên cứu để tạo ra một ứng dụng tương tự, phù hợp cho thiếu niên từ 13 tuổi trở lên.
Các biểu tượng cảm xúc (Stickers) thể hiện 51 tâm hành?
Một dự án khác mà Facebook hiện đang tiến hành là tạo nên các “Stickers” (các biểu tượng cảm xúc – một vòng tròn màu vàng với các khuôn mặt đủ trạng thái cười, nhíu mày …). Facebook làm việc chung với nhóm Pixar (những họa sĩ hoạt họa nổi tiếng đã làm các phim như Câu chuyện đồ chơi – Toy Story, Đi tìm Nemo – Finding Nemo, Vương quốc xe hơi - Cars, Thế giới côn trùng - A bug’s life, Người máy biết yêu - WALL-E) để sáng tác hình vẽ các khuôn mặt biểu tượng cho sự đa dạng trong cảm xúc của con người.
Những “Stickers” này là những bức hình nho nhỏ mà bạn có thể thêm vào các tin nhắn để nói chuyện qua lại trên mạng; và mục đích của nó là để làm cho người ta nhận diện được cảm giác thật sự mà họ đang có và truyền đạt cho nhau biết. Dĩ nhiên Sticker số 1 là để thể hiện tình yêu. Rất nhiều cảm xúc khác hiện đã có Stickers tương ứng, thí dụ như cảm xúc bối rối, xấu hổ, chán ghét, cảm thông, biết ơn (biểu tượng là hình ảnh chắp tay xá).
Ý tưởng tạo ra các biểu tượng cảm xúc này bắt nguồn từ những tác phẩm khoa học của Charles Darwin về các cảm xúc căn bản của con người và về tầm quan trọng của việc nhận diện, lắng nghe các cảm xúc mà không đè nén hoặc xử lý một cách tiêu cực. Những Stickers này hiện đã có sẵn trên Facebook. Tất cả lợi nhuận thu được từ việc phát hành các stickers này sẽ được hiến tặng cho các tổ chức phi lợi nhuận như UNICEF. Với sự tiến bộ vượt bực trong khoa học kỹ thuật như hiện nay, hy vọng trong một ngày không xa, chúng ta sẽ có thể chọn lựa các biểu tượng cảm xúc phản ánh 51 tâm hành! Tại sao không?
Một điều rất hay nữa mà tôi muốn chia sẻ là hiện Facebook đang tạo một chức năng mới trên Facebook Thích Nhất Hạnh, đó là tạo một nút âm thanh (audio button) để khi bấm nút này, ta có thể nghe được một đoạn pháp thoại của Thầy hoặc có thể nghe ba tiếng chuông được thỉnh lên. Hy vọng chúng ta sẽ sớm được sử dụng chức năng mới này.
Cuối buổi gặp gỡ, Facebook bày tỏ ý muốn được hợp tác với chúng tôi trong việc tổ chức một sự kiện trong chuyến hoằng pháp kế tiếp của Thầy tại Mỹ, chẳng hạn như một ngày tu chánh niệm! Chúng tôi cũng chia sẻ rằng chúng tôi luôn sẵn sàng yểm trợ trong việc giúp người sử dụng của Facebook chuyển hóa các cảm xúc hoặc xử lý các khó khăn của mình theo một chiều hướng tích cực hơn.
Nhiều nhân viên của Facebook đã đến dự pháp thoại của Thầy vào buổi tối cùng ngày tại Trung tâm nghiên cứu về Lòng Từ Bi của trường Đại Học Stanford. Họ đã có cơ hội được chào hỏi, cảm ơn và chụp hình với Thầy. Nhìn vẻ mặt hào hứng và hạnh phúc của họ, tôi tin chắc rằng họ sẽ chấp nhận lời mời đến Lộc Uyển để cùng học hỏi và thực tập với Tăng thân Làng Mai.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét