29/4/11
Nhân mùa Phật đản bàn về tích đản sanh
Posted by Unknown on 12:22
Có nhiều người, trong cũng như ngoài đạo Phật, thắc mắc không hiểu vì sao đạo Phật là đạo phá ngã chấp mà đức Phật lại nói chỉ có Ngài là tôn quý nhất, không những trong thiên hạ mà còn khắp các cõi trời và cõi người nữa.
Hàng năm cứ vào mỗi độ tháng tư âm lịch là hoa sen bắt đầu nở. Hoa sen nở báo hiệu mùa Phật Ðản trở về như để đón mừng Ðức Thế Tôn ra đời. Lịch sử kể rằng bà Ma Da, công chúa của một nước láng giềng, là phu nhân của vua Tịnh Phạn nước Ca Tỳ La Vệ, khi có thai, theo phong tục của xứ mình phải trở về quê mẹ để sinh nở. Trên đường về, trong lúc dừng chân nghỉ ngơi tại vườn Lâm Tỳ Ni, hoàng hậu Ma Da đã hạ sinh Thái tử. Khi Thái Tử sinh ra thì được chư Thiên đến nâng đón và tắm rửa. Sau đó, lúc để xuống đất, Ngài đã bước bảy bước và dưới mỗi bước chân là một bông sen nở. Thái Tử đưa tay lên trời mà nói: "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn".
Ðó là bảy bước chân và lời nói đầu tiên của Ngài. Ai là người Phật tử cũng biết lịch sử Phật Ðản Sanh cùng những lời giải thích khác nhau về ý nghĩa bảy bước đi và lời tuyên thuyết đầu tiên này. Có nhiều người, trong cũng như ngoài đạo Phật, thắc mắc không hiểu vì sao đạo Phật là đạo phá ngã chấp mà đức Phật lại nói chỉ có Ngài là tôn quý nhất, không những trong thiên hạ mà còn khắp các cõi trời và cõi người nữa. Có nhiều vị lại cho rằng tất cả hàng trời người đều tôn xưng Ngài là "Ðấng Thế Tôn" thì như thế câu nói trên cũng không phải sai và cũng không trái với giáo lý giải thoát... vân vân và vân vân. Thật ra trong kinh Phật, có giải thích sự kiện này. Hôm nay nhân mùa Phật Ðản, người viết xin được trình bầy thêm, y cứ vào kinh điển và ý nghĩa lời kinh, để làm sáng tỏ.
Về câu "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn" dịch ra tiếng Việt là: "Trên trời dưới trời, chỉ có ta là tôn quý". Câu này chỉ là một phần câu, được ghi trong Kinh Sơ-Ðại Bản-Duyên trong bộ Kinh Trường A hàm Quyển Một, một quyển kinh ngắn lược thuật nhân duyên giáng sanh, thành đạo và giáo hóa của bảy đức Phật trong thế giới Ta Bà. Nguyên văn câu đó được dịch như sau: "Trên trời dưới trời, duy ta là tôn quý, ta muốn cứu độ chúng sanh khỏi vòng sinh già bệnh chết" [1][2]. Ðó là lời Ðức Phật Thích Ca thuật lại khi Ðức Phật Tỳ Bà Thi, vị Phật thứ nhất bổ sanh trong thế giới Ta Bà, ra đời đã nói lên lời như vậy, cũng giống như Ngài (Phật Thích Ca) đã nói lên lời như vậy, và "ấy cũng là thông lệ của chư Phật" [3]
Xét về mặt ngôn ngữ, câu trên cho thấy rằng chỉ có Ngài là bậc tôn quý nhất trong loài người và trời, Ngài đã thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi và thị hiện cõi Ta Bà để cứu độ chúng sinh thoát khỏi vòng sinh tử như Ngài. Tuy nhiên, nếu xét về mặt ý nghĩa của câu nói, chúng ta nên hiểu chữ "Ta" trong câu "duy có ta là tôn quý" không phải là cái Ta của Thái Tử Tất Ðạt Ða, một cái Ngã sinh diệt như cái Ngã của trăm ngàn chúng sinh khác. Chữ Ta ở đây chính là Phật Tánh, là Chân Tâm, chẳng hề sanh chẳng hề diệt, hoàn toàn thanh tịnh, là cái xa lìa tất cả những cái gì gọi là đối đãi. Cái Ta đó hay cái Ngã đó chính là Chân Ngã, chính là Pháp Thân thường trụ, không bao giờ hoại, bao trùm khắp không gian và thời gian. Trong kinh Ðại Bát Niết Bàn, phẩm Như Lai Tánh, đức Phật dạy: "Ngã tức là nghĩa Như Lai tạng. Tất cả chúng sinh đều có Phật Tánh tức là nghĩa của ngã. Nghĩa của ngã như vậy từ nào tới giờ thường bị vô lượng phiền não che đậy, vì thế nên chúng sinh chẳng nhận thấy được." Cũng trong kinh này (Phẩm Tứ Tướng), Phật nói rõ "thân của Như Lai tức là Pháp Thân, chẳng phải thân thịt máu mạch gân xương tủy hợp thành. Vì tùy thuận thế gian mà thị hiện vào thai mẹ, vì tùy thuận cách sanh của chúng sinh mà thị hiện làm đứa trẻ...".
Thật ra, Phật Tánh hay Chân Tâm hay Chân Ngã hay Pháp Thân là một cái gì khó hiểu, khó nhận biết và khó trình bày vì thực chất của nó nằm ngoài ngôn ngữ, ngoài thế giới tương đối hiện tượng. Chúng ta chỉ có thể biết qua nhận thức, qua kinh điển rằng: Phật Tánh là một cái gì đó chỉ có người chứng ngộ mới biết được, là một cái gì đó "không sanh không diệt, không đi không đến, chẳng phải quá khứ, vị lai, hiện tại, chẳng phải do nhân làm ra, cũng chẳng phải không nhân, chẳng phải tự tác, chẳng phải tác giả, chẳng phải tướng, chẳng phải không tướng, chẳng phải có danh, chẳng phải không danh, chẳng phải danh sắc, chẳng phải dài ngắn, chẳng phải nhiếp trì trong ấm, giới, nhập...".
Khi nói về Phật Tánh, Ðức Phật thường dùng phương cách lìa tứ cú để dạy chúng ta, có nghĩa là lìa khỏi bốn kiến chấp hay bốn phạm trù thế gian tương đối: có, không, cũng có cũng không, chẳng có chẳng không. Ngoài ra Ngài cũng dùng tỷ dụ hay phương thức ngụ ngôn, hàm chứa những ý nghĩa thâm thúy, ám thị lý tuyệt đối mà chân lý tuyệt đối này không thể dùng lời trực tiếp mà giảng giải vì lời chỉ là khí cụ diễn đạt cái tư tưởng tương đối, cái có hình, có tướng trong thế giới nhị nguyên. Như khi nói về Chân Tâm Phật Tánh, ngài kể trong Kinh Ðại Bát Niết Bàn về một cô gái nghèo, trong nhà có kho vàng ròng mà không biết, đến khi có người khách khéo biết phương tiện chỉ cho chỗ cất giữ kho báu, cô trở nên giầu có. Người khách khéo biết phương tiện dụ cho Phật, cô gái nghèo dụ cho vô lượng chúng sinh hiện bị các phiền não che đậy và kho vàng ròng chỉ cho Phật Tánh Chân Tâm. Câu chuyện gã cùng tử hay viên ngọc châu trong đáy túi áo trong Kinh Pháp Hoa cũng tương tự.
Như vậy, khi nói câu "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn" Ðức Phật, lúc ấy là Thái Tử Tất Ðạt Ða, không nói về cá nhân ngài, về cái thân tứ đại ngũ uẩn sinh diệt, mà nói về cái Tâm Chân Thật, cái Ngã Chân Thật của chúng sinh. Chính cái Tâm đó mới là tôn quý, mới là tối thượng và cái Tâm Chân Thật đó chính là Tâm Phật mà ai ai cũng có, bất luận giầu nghèo sang hèn, bất luận mầu da ngôn ngữ, bất luận tôn giáo chính kiến.
***
Bây giờ nói về bảy bước chân trên bảy đóa sen nở của Phật. Tại sao không phải là ba bước, sáu bước hay tám bước. Có người giải thích theo tư tưởng kinh Hoa Nghiêm là toàn thể vũ trụ trên, dưới, trong, ngoài, phải, trái và chính giữa. Từ vật nhỏ như vi trần đến vật lớn như núi tu di tất cả không ngoài con số 7. Con số 7 là tổng số của 6+1, là biểu thị cho một tổng thể không gian và tổng thể thời gian. Đây là biểu tượng cho sáu hướng không gian và một trung tâm; 6 hướng ở đây là 4 phương (Đông Tây Nam Bắc) và hai hướng của trục vũ trụ thẳng đứng (thiên thượng: tay phải chỉ trời và thiên hạ: tay trái chỉ đất). Ngoài ra, bảy bước theo tư tưởng kinh Lăng Nghiêm thì thế giới nhân sinh và vũ trụ được hình thành từ con số 7, tức bảy đại: địa đại (đất), thủy đại (nước), phong đại (gió), hỏa đại (lửa), hư không đại, kiến đại (nhìn thấy), và thức đại (nhận biết). Lại có người giải thích Ngài bước bảy bước là vì "Ngài là vị Phật thứ bảy", tiếp nối sáu vị Phật đi trước, mà bắt đầu là Phật Tỳ Bà Thi.
Còn bảy đóa sen nở tượng trưng cho 7 quả vị Thánh (Tư đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, Ala hán, Duyên giác, Bồ Tát và Phật) là kết quả tu hành của bảy hàng để tử Phật gồm Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sa di, Sa di ni, Thức Xoa ma na, Ưu bà tắc, và Ưu bà di….vân vân và vân vân.
Thật ra, con số bảy trong Phật giáo có rất nhiều tiêu biểu. Ngoài thất đại còn có thất bồ đề phần tức bảy cấp bậc tiến đến giác ngộ, biểu tượng cho trình tự tu chứng. Thêm vào đó, còn có thất giác chi, tức bảy pháp của người Phật tử cần phải tu tập để tiến tới giải thoát (Niệm Giác chi, Trạch Pháp Giác chi, Tinh Tấn Giác chi, Hỷ Giác chi, Khinh An Giác chi, Ðịnh Giác Chi, Xả Giác chi). Trong Kinh Thập Thượng thuộc bộ Kinh Trường Bộ, Ðức Phật có nói tới mười thứ "bảy pháp" [4] tổng cộng là bảy mươi pháp đã đưa Như Lai giác ngộ, chánh đẳng chánh giác (bảy tài sản, bảy giác chi, bảy thức trí, bảy tùy miên, bảy phi diệu pháp, bảy diệu pháp, bảy thượng nhân pháp, bảy tưởng, bảy thù diệu sự, bảy lậu tận lực).
Con số bảy mang nhiều biểu tượng như trên và bảy bước chân đầu tiên của Phật cũng có thể mang hàm ý như thế, tuy nhiên, ai là người Phật tử thấm nhuần đạo Pháp cũng đều hiểu rằng, không phải Phật chỉ bước có bảy bước với bảy bông sen nở dưới chân mà là bước vô lượng bước trong khắp cõi Ta Bà, trong khắp không gian vô tận và thời gian vô cùng. Không một chỗ nào, không một sát na nào mà không có bước chân Phật, mà không có hoa sen nở.
***
Ngoài bảy bước chân trên bảy đóa sen nở với câu nói bất hủ “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” như đã được giải thích trên, còn sự kiện Thái tử Tất Đạt Đa ra đời bên hông phải của hoàng hậu Ma Da không giống như mọi trẻ khác làm sao giải thích được cho các thế hệ sinh ra và lớn lên tại các nước tân tiến ngày nay. Thật ra, sự kiện này là theo truyền thuyết Phật giáo Bắc truyền được truyền tải qua các kinh tạng chữ Hán, như các kinh: Tu Hành Bản Khởi, Phương Quảng Đại Trang Nghiêm, Phật Bản Hạnh Tập, Trường A Hàm. Họ giải thích những vị Bồ Tát thị hiện là những bậc thanh tịnh không thích sự xuất thai theo sản đạo phổ thông của mọi người thường. Ngoài ra một vị sư tu theo Thiền Tông giải thích sự kiện sanh bên hông phải là biểu trưng của Phật tánh, không phải là kết tinh do cha mẹ sinh ra, là tâm vô trụ siêu việt thiện ác đúng sai, vượt ngoài pháp đối đãi nhị nguyên. Đó là hai lối giải thích của những người tu theo Phật giáo Bắc truyền. Tuy nhiên, sau khi tra cứu một số kinh tạng Pali, chúng tôi không thấy kinh văn nào nói đến việc Thái tử sanh ra từ hông bên phải hoàng hậu Ma Gia mà chỉ nói từ bụng mẹ sinh ra. “Này các Tỳ-kheo, pháp nhĩ là như vậy. Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, chư thiên đỡ lấy Ngài trước, sau mới đến loài người. Pháp nhĩ là như vậy". (Trường Bộ Kinh Tập I Kinh Đại Bổn 14 - trang 451).
Nói tóm lại, sự đản sanh của Đức Thế Tôn, theo như kinh tạng Nguyên Thủy, là một con người bình thường, Hoàng hậu Ma Da cũng hoài thai như muôn ngàn thiếu phụ khác. Đúng ngày sinh nở, Thái tử Tất Đạt Đa cũng chào đời qua lòng mẹ như mọi trẻ khác. Điều này nhằm bác bỏ quan điểm truyền thống sai lầm đã ăn sâu trong tín ngưỡng người Ấn Độ bấy giờ là Ngài không phải do Phạm Thiên (đấng tạo hóa) sinh ra.
TÂM DIỆU
(Phật Đản 2011)
Giới Thiệu Blog Tình Lam
Nơi đây giao lưu kết nối anh chị em áo lam khắp mọi nơi.
Nơi cảm nhận những cảm xúc vui buồn của dòng máu Lam.
Nơi mang đến những nét đẹp của tình lam, cùng đồng hành sát cánh với anh chị em áo lam Quốc Nội & Hải Ngoại.
Tình Lam mong càng ngày phong phú hơn với các bài viết sưu khảo từ các nơi.
Xin hãy cùng chung tay chia sẻ với Tình Lam cho vòng tay thân ái luôn mãi kết chặt tình lam.
"Mỗi người là một cành hoa bay về đây góp gió
Làm thành vườn hoa,vườn hoa Tình Lam chúng mình"
Tình Lam rộng khắp bốn phương
Kết tình huynh đệ thân thương một nhà
0 nhận xét:
Đăng nhận xét