Nếu Ban Hướng Dẫn GĐPT Việt Nam-Hải Ngoại không sớm hình thành thì quý anh chị nghĩ GĐPT tại các Quốc Gia ngoài Việt Nam sẽ hoạt động theo kiểu gì? Chừng đó mỗi người mỗi phách, tiếng là Gia Đình Phật Tử nhưng hoạt động theo các biểu cảm chủ quan, người cho là đúng, kẻ bảo rằng sai mãi không giải quyết được. Thời gian 20 năm, rồi 30 năm, đến nay đã 37 năm, sự tùy duyên-tùy thuận của tổ chức Gia Đình Phật Tử tại các quốc gia, tại các Châu đã thành tập quán trên tinh thần Liên Thuộc để thuận thảo, hỗ tương hơn là sự phân quyền của Cấp trên hay Cấp dưới. Từ ngữ ban đầu “Ban Hướng Dẫn” đã nói lên điều đó – một tinh thần Hòa hợp trong ân cần, khuyến tấn để hướng dẫn các đơn vị Trực thuộc; các quốc gia Liên thuộc. Từ ngữ “Thống thuộc” chỉ trong một giới hạn nào thôi.
Tất cả đều hướng về Quê mẹ, nơi đất nước có muôn vàn khó khăn như là một Cộng báo chung cho cả Dân tộc chứ không riêng gì Phật Giáo hay Gia Đình Phật Tử. Trong một chừng mực, đã chia sẻ ý kiến, hỗ trợ nhau khi nguy khó, khổ nàn chứ không có sử dụng quyền – lệnh vì trong thực tế Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Quê nhà không có “sanh” ra Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hải Ngoại. Giả sử Gia Đình Phật Tử tại Việt Nam không tuân thủ Nội Quy GĐPT mà lại ngã nghiêng theo hướng thế quyền chỉ đạo thì GĐPT Việt Nam-Hải Ngoại có chịu liên thuộc hay không? Do không có “sanh” ra GĐPT tại Hải Ngoại, và cũng không có chủ trương phát triển GĐPT ra ngoài Việt Nam nên không thể gọi là “Cấp trên” hay quản lý điều hành GĐPT Hải Ngoại được. Từ đó Ý tưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới hình thành.
Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới là một cấu trúc thượng tầng hội tập những thành viên lãnh đạo của các Huynh Trưởng thâm niên hoặc được tín nhiệm tại các Quốc Gia trên Thế Giới qua hệ thống Ban Hướng Dẫn GĐPT Việt Nam tại Hải Ngoại và Ban Hướng Dẫn GĐPT Việt Nam tại Quốc Nội. Trên hình thức đó là sự cân phân quân bình nhưng thực tế vẫn là sự Liên thuộc như “Nối vòng tay lớn yêu thương”. Cũng vậy, các hệ thống cơ cấu BHD tại các Quốc Gia, nhất là Việt Nam không những chẳng hề mất đi tính tự chủ, độc lập mà còn điều hòa được nhịp sống, mức hoạt động và chung một tinh thần đoàn kết đại gia đình Lam trên toàn thế giới.
Tinh thần thống hợp của Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã thành truyền thống từ rất sớm, lại được các vị huynh trưởng cao niên ứng dụng thành công trong đương đại. Đại hội I tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ tháng 11-2004 đã thể hiện đầy đủ tính Pháp quy (Giáo Hội), tính Dung Hợp theo hệ thống ngang dọc (Hải Ngoại – Quốc Nội) để hình thành. Tuy nhiên sự vắng mặt của 15 đại biểu chính thức tại Quốc Nội do bị ngăn cấm vẫn là một trở ngại cho sự tiếp cận của Việt Nam ra thế giới. Đại Hội II tại Bang kok, Thailand tháng 10-2008 mới thật sự dung hợp không ngăn ngại tình áo Lam trong vòng tay Thế Giới đã khích lệ, thúc đẩy, sách tấn nhau hơn trong mọi hoạt động mặc dù vẫn có điều không trọn vẹn về mặt Giáo Hội PGVNTN đương thời.
Tuy nhiên, nếu tầm nhìn chúng ta còn hạn hẹp sau “lũy tre làng – Cây đa, bến cũ” thì chúng ta sẽ không thể biết đến có một vòng tay Gia Đình Phật Tử đang kết nối khắp trên bề mặt địa cầu. Chúng ta sẽ không thể nối vòng tay cùng thế giới bởi tính cố chấp, hẹp hòi, còn phân biệt không thoát ra được từ mỗi đơn vị gia đình, mỗi Ban Hướng Dẫn địa phương. Như người chèo ghe trong sông lạch không thể điều khiển con tàu ra biển lớn – Tâm không có dung lượng lớn, không tu chí rèn luyện bản thân thì sẽ quay về trạng thái bảo thủ tự mình.
Tinh thần GĐPT không phải như vậy, chưa bao giờ cảm thấy đầy đủ vẹn toàn trên đường tu học, huấn luyện và phụng sự. Chỉ cần khát khao và cầu học chừng ấy chúng ta sẽ mau chóng hòa hợp, đi cùng Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới ngay lúc này, hôm nay hoặc một ngày không xa.
Nguyên Hoàng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét