Có Tinh Tấn hay không!
Tên gọi Gia Đình Phật Tử thật là thân thiết làm sao. Chúng ta gồm đủ mọi thành phần xã hội cùng về đây chung sống một nhà. Ngôi nhà chung của chúng ta là mái chùa thiêng liêng chứa chan hồn Dân tộc – đấng cha lành của chúng ta là đức Phật Thích Ca Mưu ni. Tuy đức Phật đã vào đại diệt độ nhưng còn phó chúc lại cho chư Tăng gìn giữ chánh Pháp đến muôn đời sau – lại di huấn cho các hàng Phật tử hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi….
Xem ra chúng ta chưa “văn minh” hơn 26 thế kỷ trước thời Phật còn tại thế, trong Tăng đoàn của đức Phật có đầy đủ các vị quí tộc cao sang như Vương, Hầu, Khanh Tướng, Trưởng giả… đến những hạng bình dân cùng khổ như người thợ cạo, người gánh phân, kẻ hung thần, ác quỷ…. Tất cả khi thọ đại giới đều khoác lên người tấm y cà sa màu hoại sắc thì các giai cấp xã hội tự động buông rơi theo những lọn tóc xuất trần.
Còn cái học, cái sở học và những bằng cấp cao quí mà các vị đã cặm cụi cả đời để dùi mài kinh sử làm những kẻ thành công trên đỉnh cao danh vọng thì sao? Thái tử Tất Đạt Đa khi xưa đã bỏ cả ngai vàng mà ngày nay còn những người vào chùa lại “ôm” theo mấy cái thứ đó! Có thể chúng ích lợi tiện cho việc phục vụ tha nhân nhưng nếu còn cố chấp vào chúng thì đó là một chướng ngại lớn lao trên đường cầu Đạo.
Kinh Lăng Nghiêm nói “Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn - Tri kiến vô kiến, tự tức Niết bàn”, cái Tri kiến – tri thức mà ta cho là sức mạnh của học vấn, của nền văn minh nhân loại lại trở thành một loại “sở tri chướng” trên đường tu hành, Phật cũng nói là tri là kiến, nhưng không có chấp cái tri ấy là thật, nên chẳng có lập tri, nên nói”. Nay do tập khí từ lâu đời, chúng ta việc gì cũng muốn tri, muốn kiến, Phật muốn thuyết pháp độ chúng sanh cũng phải tùy thuận chúng sanh, cũng phải nói tri, nói kiến, nhưng không chấp đó là thật; hễ chấp thật tức tự lập cái tri, là căn bản của vô minh, nếu không kiến lập tức Niết bàn.
Trong hàng Thanh Văn đệ tử Phật có những vị còn ở bậc Hữu học, nhiều vị đã chứng đạt bậc Vô học Quả vị A- La- Hán (Arahat- taphala (Pàli) là quả vị Thánh cao nhất trong bốn Thánh quả của Phật giáo Nguyên Thủy. Cũng có nghĩa là Vô sinh: Bậc không còn phải sinh tử luân hồi nữa. Cũng gọi là bậc Vô học (không còn gì để học hỏi thêm nữa). Vị đã đoạn trừ hoàn toàn Thập kiết sử, giải thoát rốt ráo, dứt vòng sinh tử nhập Niết Bàn. Vị đã “làm xong những điều đã làm” A- La- Hán là bậc Thánh đã đoạn tận tham ái, chấp thủ và vô minh.
Học Phật pháp là rất cần thiết cho các món hành trang, tư lương đi vào Phật độ nhưng điểm đặc biệt của Phật Pháp là phải ứng dụng thực hành trong tinh thần Bi Trí Dũng, nếu thiếu Tu, thiếu hạnh thì cái hiểu biết ấy chỉ là mớ lý thuyết suông, cả đời có khi chỉ mới đi lẩn quẩn ngoài cổng chùa mà thôi. Chúng ta biết có một Huyền Trang Pháp sư đi thỉnh kinh ở Tây Trúc về Đông Độ, phiên dịch Tam tạng thánh điển và lưu bố thiên hạ chứ không nghe ai nói Ngài Huyền Trang có chở kinh vào Niết Bàn! Có khi chúng ta hiểu biết rất nhiều về Phật Pháp nhưng lại thiếu Tinh Tấn, chuyên cần.
Muốn biết mình có Tinh Tấn như trong Tứ chánh Cần hay không, rất dễ! Chỉ cần tự xét lòng mình có bị tham lam trước danh lợi hay không; có thèm ăn khi gặp các món ngon hay không, có ganh tị trước sự thành công của bạn hữu hay không; có giận hờn khi bị người khác chê trách hay không?... Nếu còn thì phải tập Từ - Bi - Hỷ - Xả lần lần buông bớt. Nếu không chuyên cần tự mình soi sáng sửa đổi hàng ngày, hàng giờ, mỗi niệm thì cái chánh báo và y báo mình hiện có là: “Thân người khó được – Phật Pháp khó gặp” dù có duyên với Phật Pháp thì cũng như không.
Nguyên Hoàng
22/3/11
Câu Chuyện Lửa Tàn (88)
Posted by Unknown on 15:14
Không phải cho đến bây giờ chúng ta mới có lớp đàn em giỏi giang trên đường thế học, các huynh trưởng khai sáng và lãnh đạo tinh thần 60 năm trước đa số đều có vị trí xã hội, chức nghiệp rỡ ràng. Trong một chừng mực nào đó các anh chị tiền bối đương thời đều có thể “mượn” các phương tiện như cơ sở, máy quay phim, máy Slide, xe cộ, văn phòng phẩm… thậm chí cả máy bay để phục vụ cho Gia Đình Phật Tử nhưng khi tất cả mặc đồng phục bước vào chùa, vào trại trường thì tất cả đều là anh chị em chung một con đường, chung một lý tưởng màu Lam, đều bình đẳng vô phân biệt thành phần hay giai tầng xã hội, những cái mark, cái học vị, chức vụ đều phải bỏ lại ngoài cổng chùa. Cũng như trong buổi trại đêm nay tất cả đều trang nghiêm, thân ái trong chiếc áo màu Lam, vai ba lô tay cầm chặt gậy ai cũng như nhau, tôi đố các anh chị chỉ ra cho được ai là kỹ sư, ai là bác sĩ, luật sư, cử nhân, giám đốc; ai là nông dân, ai bác thợ rèn, ai nhà nhiếp ảnh danh tiếng…. Nếu còn phân biệt như thế thì chưa phải là huynh trưởng Gia Đình Phật Tử thứ thiệt.
Giới Thiệu Blog Tình Lam
Nơi đây giao lưu kết nối anh chị em áo lam khắp mọi nơi.
Nơi cảm nhận những cảm xúc vui buồn của dòng máu Lam.
Nơi mang đến những nét đẹp của tình lam, cùng đồng hành sát cánh với anh chị em áo lam Quốc Nội & Hải Ngoại.
Tình Lam mong càng ngày phong phú hơn với các bài viết sưu khảo từ các nơi.
Xin hãy cùng chung tay chia sẻ với Tình Lam cho vòng tay thân ái luôn mãi kết chặt tình lam.
"Mỗi người là một cành hoa bay về đây góp gió
Làm thành vườn hoa,vườn hoa Tình Lam chúng mình"
Tình Lam rộng khắp bốn phương
Kết tình huynh đệ thân thương một nhà
0 nhận xét:
Đăng nhận xét