
Cùng các em thân mến.
Tuổi trẻ chúng ta, nói chung là tuổi trẻ các thế hệ ai mà không nuôi mộng “vá trời lấp biển”. Trung Hoa cổ đại có nhân vật Nữ Oa đã từng làm được việc này trong tưởng tượng và ngày nay con người đã ra tay lấn biển và đang tìm cách vá những lỗ hổng trên tầng Ô-zôn. Từ ý tưởng đến hành động tuy có thể rất xa nhưng đã làm diện mạo của nhân loại thay đổi tốt đẹp hoặc xấu xa hơn.
Thực tế, ai mà không mong muốn cải cách, phát triển cho Gia Đình Phật Tử phù hợp với thời đại hơn, để việc phát triển tổ chức hay hoằng pháp lợi sanh tốt hơn. Nhưng phù hợp trong lẽ tự nhiên chứ không phải là sự “phát minh quả đoán” Thí dụ như GĐPT tại Hải Ngoại ai cũng phải biết lái xe hơi là điều dường như bắt buộc của xã hội bên đó nên không cần hướng dẫn bài “lái xe hơi”, còn tại Việt Nam dẫu có dạy bài này nhưng không biết chừng nào đủ tiền để mua được xe hơi mà lái! Vì biết lái và lái được trên những con đường Việt Nam cũng rất viễn vông. Cũng vậy, vấn đề Informatic cũng rất phổ cập – Chúng ta có thể tưởng tượng thời đại hiện nay là thời đại thông tin của điện toán, dường như ai cũng phải biết và rêu rao lên rằng phải quản lý, quản trị GĐPT bằng các sotfware cho phù hợp – Nếu không cải tiến sẽ thành lạc hậu! Nhưng chúng ta đâu biết có rất nhiều trẻ em không được đến trường, lý do nhà nghèo không đủ cơm ăn; có nhiều đoàn sinh GĐPT bỏ học giữa chừng; và có nhiều sinh viên không mua nổi các bộ computer hay laptop. Có nhiều em khá giả có thể sắm được nhưng để “hưởng thụ” riêng tư qua chat net hay game online…. và hiểu biết một số kỹ thuật các chuyên đề sở thích. Ở một mức độ thực tế tương đối chúng ta đã nâng tầm liên lạc, ấn loát, đồ họa, kế toán, in ảnh, làm videoclip… qua máy computer tiện lợi trong các tính năng nhưng đừng quên những dòng chữ viết cho dù thô sơ, những chữ ký bằng tay vẫn còn nguyên giá trị của nó và không nên biểu lộ những thái độ ngôn giáo kém với những đoàn sinh và những người chưa biết tiện dụng computer.
Vì chúng ta là người điều khiển các công cụ hiện đại này chứ không phải chúng điều khiển chúng ta; cũng như thuật ngữ “Phật tử chuyển kinh Pháp Hoa chứ không phải để kinh Pháp Hoa chuyển”. Nhiều huynh trưởng trẻ quá “hãnh tiến” đã quên mất tâm điểm mà mình đang nhắm tới. Đêm nay ta hãy nhất tâm niệm Phật mươi lần trước khi ngủ và xem lại mình đã thật sự buông rơi những nhọc nhằn quá khứ lại cho hôm qua; hãy tập tắt mấy cái cellphone liên tục quấy rầy tâm tư trong những giây phút tĩnh tâm thư giãn; hãy điều chỉnh các melody trong chuông báo sao cho nghe khoan thai mà đừng thúc gấp để tinh thần chúng ta được thư thái an nhiên. Đừng để đến một ngày các phương tiện thân thiết chung quanh bị tê liệt vì cúp điện, mất sóng, hết pin… con cháu chúng ta thẩn thờ, ủ rủ trong vô công rỗi nghề, khổ sở như mất hướng đi.
Trại đêm nay chúng ta cùng trở về hồng hoang nguyên thủy sống với màn trời, chiếu đất; mồ hôi tuôn rơi ướt khô bao lần trên một chiếc áo lam, vai ba lô chống gậy lên rừng với những bữa cơm khi đói lòng còn ngon hơn các thức ăn cao lương mỹ vị. Hãy tập sống xả ly những điều sở tri đế thấy mình không khác với đất trời vạn loại; hãy tập bước đi trên chông gai, thử thách để rèn luyện bản tâm bền vững an nhiên. Có một câu chuyện, thầy bảo Đồng tử vào rừng căn dặn vị nào là thuốc thì hái về, đồng tử trở về trả lời vị nào cũng là thuốc cả! Phương tiện, phương tiện. Cái gì cũng là phương tiện cả từ bác tiều phu, người nông dân cho đến những giới doanh thương, kỹ nghệ… chúng ta đều tri ân nhau trong bình đẳng tánh trí là làm thật tốt công việc mỗi người. Nhà nông mất mùa thì chúng ta bị đói kém lây; kinh tế suy thái thì mọi người đều khó khăn chật vật…. Nên khi đội mũ Tứ Ân lên đầu mình hãy nhớ nghĩ đến sự tương quan của chúng sinh đồng loại là hoàn thành viên mãn công việc của mình.
Nguyên Hoàng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét