Thưa Anh Chị Em Áo Lam, Ở Mỹ, tháng 11 này có ngày lễ Tạ Ơn (Thanks-giving Day) năm nay rơi vào thứ Năm 25/11 còn ở VN thì hằng năm có ngày Nhà giáo 20/11 tức là ngày nhắc nhở chúng ta nhớ ơn Thầy Cô giáo. Có người hỏi rằng: sao VN không có ngày Mẹ ngày Cha như Mother’s Day và Father’s Day (chắc là vì đã có ngày Rằm Tháng Bảy với lễ hội Vu Lan rồi chăng?). Tuy nhiên, việc “tri ân và báo ân” (biết ơn và báo đáp) là việc mà chúng ta đều đã “thuộc lòng” nhưng nếu muốn bàn đến thì nói mấy cũng không hết, vì sống là nhất định phải có chịu ơn và ban ơn. Thật vậy, nhà thơ ngụ ngôn của Pháp Lafontaine có bài “Giấc mộng” kể rằng một người kia nằm mơ thấy người nông phu lại bảo: “bạn hãy tự trồng lúa mà ăn đi nha, tôi đi đây”; rồi người thợ dệt bảo anh ta hãy tự dệt vải mà mặc, còn người thợ nề thì bảo hãy tự xây nhà mà ở v.v.. anh ta cảm thấy bơ vơ lạc lõng hết sức, ai cũng bỏ rơi anh, anh chạy đi khắp nơi để tìm người giúp đỡ nhưng thấy 1 con sư tử xuất hiện, phóng về phía mình… anh ta hoảng hồn la hét và thức dậy, thì ra chỉ là một giấc mơ, anh ta cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì mình đang được nằm trên giường, ở trong một căn phòng nhỏ ấm áp và có mền để đắp v.v.. anh ta chợt cảm thấy mình mang ơn mọi người nhiều quá… Không ai có thể tự hào rằng mình có thể sống mà không cần ai! Nói cách khác dù muốn hay không, sống là một quá trình “CHO” và NHẬN” liên tục. Khi mình nhận của ai một món quà, một ân huệ... mình biết ơn và cảm ơn đã đành, nhưng ngay cả khi mình “cho” mình cũng phải cảm ơn người nhận nữa. Tại sao? Vì chúng ta phải cảm ơn những người cho ta cơ hội để thực hành sự quan tâm chia sẻ với đồng loại, để làm việc từ thiện. Thật vậy, mỗi mùa lễ Thanks-giving, ở đây có những hội đoàn, những cộng đồng tổ chức phát quà, phát thực phẩm... cho những gia đình khó khăn, không đủ ăn, mặc không đủ ấm. Chúng ta biết ơn những hội đoàn, những tổ chức gồm những tấm lòng vàng, đã nghĩ đến những người không có gia đình để sum họp trong ngày Lễ tạ Ơn, những người nghèo đói không nhà cửa (homeless) để chia sẻ, để đem đến cho họ một tấm lòng, một tình thương… Ai trong chúng ta mà không thấy được rằng: có những niềm vui tự nhiên đến khi ta được phụng sự người khác. Và làm dịu nỗi đau của người khác cũng là một thứ hạnh phúc mà chúng ta đã từng thể nghiệm. Trở về với ngày 20 tháng 11, ở quê nhà thì đây là ngày Nhà Giáo Việt nam (Ở Mỹ thì có “Tuần lễ vinh danh Teachers” vào cuối Hè). Vào thời xa xưa khi mà quan niệm “Quân Sư Phụ” còn được xã hội xiển dương, địa vị người Thầy còn hơn người Cha nữa. Dần dần, khi chế độ quân chủ cáo chung thì cả quân, sư và phụ đều “lui về quá khứ” và không biết tự bao giờ cả trong nước lẫn ngoài nước - nơi có người Việt nam cư ngụ, câu cách ngôn “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” đã trở thành “Con đặt đâu cha mẹ ngồi đó” rồi! Ấy thế mà ở Việt Nam mình, vẫn còn duy trì được “ngày nhà giáo VN 20/11” cũng tốt! Đặc biệt là ngày này không “im lìm”, âm thầm trôi qua mà còn rất ồn ào, náo nhiệt trong nhà trường; các tiệm hoa - nhất là hoa hồng, thật là bận bịu với đám học sinh mua hoa tặng Thầy Cô giáo. Nhiều người cho rằng biết ơn Thầy Cô giáo đâu chỉ một ngày trong năm hay biết ơn Thầy Cô giáo thì lo chăm chỉ học hành, chứ đâu phải mua hoa hồng tặng v.v.. thôi thì “9 người 10 ý”, ai muốn nói sao cũng được. Tuy nhiên, cái cốt lõi vẫn là giáo dục các em lòng biết ơn và báo ơn. Nếu sự tham lam ích kỷ làm hại người hại mình thì tình thương, sự chia sẻ, lòng biết ơn làm cho con người trở nên cao thượng. Do đó, chúng ta vẫn phải giáo dục các em biết ơn cha mẹ, ông bà tổ tiên, Thầy Cô giáo v.v.. Chúng ta dạy học sinh của mình, đoàn sinh của mình, con cháu của mình biết ơn Thầy Cô giáo và thể hiện lòng biết ơn ấy v.v.. nhưng ngoài ra, trong mấy năm gần đây có phải “có một chút gì đó” để chúng ta cùng suy gẫm hay không? Thầy Cô giáo và cả học sinh, nhất là nữ sinh, đã có những “vấn đề” khiến cho những nhà giáo dục trong nước phải nhăn mặt nhíu mày. Điển hình là những vụ về các Cô giáo mẫu giáo, những cô nuôi dạy, giữ trẻ, không những thiếu tình thương đối với các em mà còn đối xử với các em thật dã man, tàn bạo! Mong rằng đây chỉ là những trường hợp quá cá biệt do những người e rằng đã mắc bệnh tâm thần hay bị stress trầm trọng…Và các nữ sinh Trung học đánh nhau giữa đường, xé rách áo quần của bạn, đánh đập bạn tàn nhẫn và còn kêu các bạn nam sinh đến chứng kiến và chụp hình. Thật là không thể tưởng tượng nỗi! Ở Mỹ thì học sinh xách súng vào trường bắn vào cả thầy cô giáo lẫn các bạn học! Người ta kết luận “giáo dục đã bị xuống dốc” không biết có đúng không, nhưng dù sao đây cũng là 1 tiếng chuông báo động đáng cho chúng ta suy gẫm. Chúng ta phải dạy học sinh của chúng ta, con cháu chúng ta biết thương yêu đồng lọai, đừng làm tổn thương người khác dù là về vật chất hay tinh thần, vì khi hại người chính là đã tự hại mình đó! Cũng còn một chút an ủi là đoàn sinh GĐPT hay các đoàn thể các tôn giáo, Hướng Đạo… còn được giáo dục về đạo đức, về tâm Từ Bi, tâm Bác ái rất tốt không bị sự tàn bạo của cuộc đời làm ô nhiễm. Thưa Anh Chị Em, Người Phật Tử ngoài những ân nhân như ngoài đời, còn có Ân Tam Bảo, điều này ngay các em Oanh Vũ cũng biết rồi, nên không bàn nhiều ở đây, chỉ nhấn mạnh về hạnh bố thí và cúng dường của người Phật tử; Bố thí mang ý nghĩa cao nhất là bố thí Ba La Mật; CHO với tâm Không: Không thấy có người cho, người nhận hay vật đem cho và CHO với tâm bình đẳng. Nhiều người lầm tưởng rằng phải cho nhiều mới quí nên người nghèo không thể thực hành bố thí được vì cơm không đủ no áo không đủ ấm! Chúng ta có thể kể câu chuyện “Bà Già Cúng đèn” cho họ nghe. Ngoài ra, có khi chỉ cần chia sẻ với người đang vui một nụ cười, với người đang lo lắng một lời khuyên chân tình, hay lắng nghe tâm sự của một người đang đau buồn v.v.. đó cũng là thực hành bố thí rồi. Triết lý về “Cho” và “Nhận” ngoài việc để chúng ta suy gẫm về biết ơn và đền ơn còn cho ta “kinh nghiệm” là “CHO” không làm ta nghèo đi và “NHẬN” không làm ta giàu thêm, có khi còn ngược lại. Chỉ có ham muốn mới làm chúng ta nghèo và biết đủ mới làm chúng ta giàu mà thôi, như nhà thơ Edward Dyer đã viết: Vài người có thật nhiều mà còn ham muốn, Tôi có ít nhưng tôi biết đủ Chính họ “nghèo” dù tiền rừng bạc biển Và chính tôi “giàu” tuy túi rỗng không. Thân kính chúc Anh Chị Em một Mùa Lễ Tạ Ơn sum họp, vui vẻ và hạnh phúc. HAPPY THANKS-GIVING ! Trân trọng, Nhóm Áo Lam |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét