Ta lạy Phật mỗi ngày và mỗi ngày ta đều xin Đức Phật gia hộ cho ta đủ thứ. Nhưng tuyệt nhiên ta không hề nghe Ngài hứa hẹn gì với ta cả.Ta chỉ thấy Ngài nhìn ta mà mỉm cười thôi.
Tại sao Ngài chỉ nhìn ta mà mỉm cười thôi nhỉ, tại vì ta lạy Ngài để xin Ngài những điều mà Ngài không bao giờ nghĩ đến và có, thì làm sao Ngài có, để Ngài có thể cho chúng ta được
Điều Ngài có thì chúng ta lại không xin, điều Ngài không có thì chúng ta lạy Ngài để xin, làm sao mà Ngài không mỉm cười với chúng ta được !
Ngài thì không hề có tâm ích kỷ, không có tâm phân biệt, kỳ thị mà ta lạy Ngài với tâm ích kỷ, tâm phân biệt, kỳ thị và tâm nghĩ đến quyền lợi cho mình quá nhiều, thì làm sao Phật không nhìn ta mỉm cười được!
Ta lạy Phật với tâm cung kính vô cầu, thì ta sẽ có ở trong Phật và Phật sẽ có ở trong ta, giúp ta thấy rõ mọi giá trị đích thực của cuộc sống để thăng hoa. Nhưng ta lạy Phật với tâm thủ lợi, thì Phật sẽ không có ở trong ta và ta sẽ không có ở trong Phật, Phật bị ta bóc lột bởi cái lạy của ta, thì làm sao ta trở thành kẻ nhân nghĩa để tạo thành phước đức được!
Lạy Phật với tâm thủ lợi, là càng lạy Phật ta càng trở thành kẻ phi nhân nghĩa.
Vậy ta hãy cẩn thận, cẩn thận mỗi khi ta lạy Phật nhé!
Trích “Trong Con Mắt Thiền Quán”
HẠNH PHÚC CHÂN THẬT
Tài sản, sắc dục, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ là những thứ rất hấp dẫn đối với ta, chúng giúp ta cũng nhiều và làm cho ta đau khổ cũng lắm.
Bất cứ cái gì đã từng làm cho ta hạnh phúc, từng làm cho ta đau khổ, thì cái đó không phải là cái tạo ra hạnh phúc chân thật cho ta.
Ta chỉ có hạnh phúc chân thật khi nào “thân ta không tật bệnh và tâm ta không phiền não”.
Thân ta có nhiều tật bệnh, tâm ta có nhiều phiền não, thì cho dù ta có nhiều tài sản, sắc đẹp, quyền uy, lợi nhuận, và có nhiều tiện nghi vật chất để ăn uống, ngủ nghỉ, nhưng ta vẫn không thể nào có hạnh phúc và an lạc được.
Nên, ở trong đời, người nào có đời sống thân không tật bệnh, tâm không phiền não, thì người đó mới có hạnh phúc chân thật ngay trong kiếp sống nầy.
Muốn thân không tật bệnh, ta phải biết chọn lựa thức ăn để nuôi thân.
Thực phẩm ngày nay, phần nhiều đã bị con người làm nhiễm độc. Nên, nếu ta không biết chọn lựa thực phẩm để nuôi thân, thì thân ta làm sao tránh khỏi những bệnh hoạn!
Các Bệnh viện ở Việt Nam hiện nay không có đủ chỗ cho bệnh nhân nằm, không khí Bệnh viện cũng bị ô nhiễm nhiều thứ, và bệnh nhân khi đến Bệnh viện không phải chỉ khổ vì bệnh mà còn bị khổ nhiều thứ.
Nên, thời đại ngày nay là thời đại của quảng cáo; người ta đã quảng cáo đủ thứ, trong đó có sự quảng cáo đủ loại thực phẩm, nếu ta không có thông minh để chọn lựa thức ăn cho thân thể ta, thì ta sẽ bị rơi vào những cạm bẫy của quảng cáo.
Vì vậy, việc chọn lựa thức ăn cho thân rất cần đến yếu tố của tuệ giác; nếu ta chọn lựa thức ăn và ăn thiếu tuệ giác, thân thể ta không thể dẫn sinh sự khinh an, sự nhẹ nhàng thanh thoát mà sẽ dẫn sinh các bệnh hoạn.
Và mỗi khi thân đã bệnh hoạn, thì tâm cũng duyên theo đó mà nẩy sinh các thứ phiền não.
Mỗi khi tâm ta đã có phiền não khởi lên, chúng lại làm cho thân thể ta bệnh hoạn lại càng bệnh hoạn thêm.
Bởi vậy, ta phải biết chọn thức ăn cho thân, để thân sống nhẹ nhàng vô bệnh và ta phải biết chọn thức ăn để nuôi tâm, để tâm ta ở trạng thái nhẹ nhàng, thanh thoát vô ưu.
Tâm vô ưu là tâm không bị những hình ảnh bạo động, hận thù hay mộng mị kích động qua mắt. Không bị những âm thanh bạo động, hay yếu đuối mộng mị kích động qua tai; không bị những mùi vị kích động qua mũi và lưỡi; không bị những cảm giác gây mê qua sự kích động của thân và quan trọng hơn hết là không bị những cảm giác, tri giác, những khái niệm, ý niệm thân thù, khen chê, vinh nhục, được mất, thắng bại, kích động qua ý.
Ta phải biết nuôi dưỡng tâm ta bằng thức ăn của niềm tin, của hiểu biết, của thương yêu, của chánh niệm, của thiền định và tuệ giác; khiến cho tâm ta ngày càng vững mạnh trong sự an lạc.
Và chính sự an lạc ấy, nuôi dưỡng thân thể và tâm hồn của ta, khiến trong đời sống của ta có được hạnh phúc chân thật.
Hạnh phúc chân thật chính là: “Thân không tật bệnh, tâm không phiền não”. Ai có thân và tâm như vậy, người ấy có chân hạnh phúc.
Thích Thái Hòa
Nguồn Tập San Pháp Luân 34
0 nhận xét:
Đăng nhận xét