Kính thưa quý anh chị,
Cùng các em thân mến.
Ngạn ngữ có câu: “Phước bất trùng lai – Họa vô đơn chí”, nghĩa là niềm vui khi được những điều như ý không đến 2 lần, còn tai họa, khổ nạn thì không đến 1 lần, biểu tỏ phúc đức qua những sự may mắn trong đời sống thật là hiếm hoi mới được, còn tai họa, rủi ro thường đến liền kề, liên tiếp chứ ít khi nào chỉ xảy ra một lần! Phúc đức đây chính là thiện nghiệp mà ta đã gieo trồng khi trước, đời trước bây giờ ta được hái trái, còn kém phúc, bất hạnh chính là những oan trái, bất thiện mà ta đã tạo ra khi trước, đời trước nay đến lúc phải bồi hoàn. Biết định luật Nhân quả là như vậy nên Đạo Phật cầm chắc các yếu tố này để chuyển hóa con người, chuyển hóa hoàn cảnh, xã hội bằng cách cẩn thận giữ gìn khi gieo nhân qua sự tạo tác của thân, khẩu, ý. “ Bồ tát sợ nhân – chúng sanh sợ quả” Khi gieo nhân xấu thì chắc chắn là hái quả xấu, nghĩ đến điều này ta phải run sợ khi hành động vì trước hay sau gì thì ta cũng phải nhận lại cái thảm họa mà hôm nay ta gieo cho người. Điểm này cũng là chỗ tương đồng của Nho giáo và Phật Giáo gặp nhau và những câu chuyện về nhân quả rất nhiều, bàng bạc trong các pho kinh Bổn sanh, bổn sự, tiền thân do đức Phật thuyết.
Những câu: Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân (điều mình không thích chớ đem cho người), hay Thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu (lưới trời lồng lộng thưa mà khó lọt)… đều là những quan điểm Nho học tương đồng.
Ngay trong đời đức Phật, vương triều Thích Ca – thành Ca Tỳ La Vệ bị tiêu diệt, các hoàng thân, quốc thích bị trấn nước chết hết để trả nghiệp chài lưới, bắt cá đời trước; Mục Kiền Liên tôn giả bị ngoại đạo lăn đá sát hại – Ngài nghĩ đã đến lúc mình phải trả nghiệp ngư phủ nên an tâm tuẫn đạo… Đó là những thảm cảnh, những cái xả bỏ nhục thể lớn lao của Bồ tát liên quan đến sông nước khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Những câu chuyện tiền thân do đức Phật thuyết, Ngài đã từng làm thân chim Oanh Vũ, làm thân con voi trắng, làm thân con vượn chúa, con cá lớn…. rồi ngày nay thành Phật! Để chúng ta dứt khoát tư tưởng với những người cho rằng “Vật dưỡng nhân” loài vật dùng để nuôi con người.
Kể từ khi biết những câu chuyện này, những bài ca mang tính cách sát sinh hại vật đều bị loại bỏ khỏi các sinh hoạt văn nghệ Gia Đình Phật Tử, những bài dân ca cải biên như Tiếng Dân Chài của Phạm Đình Chương, Hò kéo lưới miền Trung; những bài hát sinh hoạt bắt cá, bắt cua, con cá rô bỏ vào tô… dần dần không còn hiện diện trong văn nghệ GĐPT; những bài học về mưu sinh thoát hiểm trong GĐPT tuyệt nhiên không có giết hại sinh mệnh của loài khác khi đói lòng nơi các vùng hoang dã, vì nó trái với tinh thần từ bi của đạo Phật. Tuy trong thực tế còn rất nhiều Phật tử, huynh trưởng, đoàn sinh lấy sự ăn uống thịt cá như một niềm vui hưởng thụ thức ăn ngon nhưng trên đường Đạo dần dần chúng ta sẽ tự chuyển hóa bản thân theo hướng “Mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống”.
Cách nay khoảng chục năm tại một vườn thú của Thụy Sĩ có một người mẹ sơ ý làm rớt đứa con 5 tuổi vào một chuồng gồm hai con gấu cái và một con gấu đực rất hung dữ, bà mẹ khóc thét khan cả tiếng, mọi người hốt hoảng, nhân viên sở thú tấp nập cấp cứu – những tưởng cậu bé sẽ bị loài gấu to lớn này sát hại nhưng không, con gấu đực đã đứng dang tay che chắn bảo vệ cậu bé cho đến lúc người luyện thú cứu được cậu bé lên. Câu chuyện này làm chúng ta liên tưởng đến hoàn cảnh một chú bé con ông trưởng giả bị con cá lớn nuốt chững trong truyện cổ Phật giáo, vài ngày sau người ta bắt được con cá mổ bụng nó ra thì thấy chú bé vẫn còn sống. Những sự kiện lạ lùng như trên chỉ nằm trong câu nhân quả đơn giản, bởi vì các chú bé không có sát nghiệp với các loài thú dữ này nên chúng không thể xâm hại được. Tăng đoàn Phật Giáo Ấn Độ thời đức Phật trên đường du hóa không quan trọng vấn đề sẽ trọ qua đêm ở đâu, có thể dưới gốc cây, hay ngồi nơi đồng trống mà không sợ các loài hổ, báo, sài lang ăn thịt cũng do niềm tin vào nghiệp lực nhân quả kể trên. Không có sát nghiệp thì không ai hại được mình – nếu như có sát nghiệp, khi chúng đến thì dù có chui xuống đất hay bay lên trời cũng không thoát khỏi.
Trong thời điểm này lũ dữ đang cuồn cuộn nhấn chìm bao nhiêu làng mạc, nhà cửa của đồng bào miền Trung – Lũ chồng lũ như câu họa vô đơn chí khổ sở vô cùng, không những lũ vì thiên tai mà còn khổ vì nhân họa nữa, Nha Trang, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên bị dìm trong biển nước là do ba nhà máy điện cùng xả lũ một lúc. Riêng tại thành phố lớn Sài Gòn những con đường lớn biến thành những con sông tràn trề lai láng. Quyên góp, cứu trợ hằng năm đối với dân mình đã thành một nếp sống tương trợ gần như sẵn sàng và bình thường để xoa dịu đau thương mất mát của đồng bào nhưng vấn đề khổ nạn cứ xảy ra hoài chúng ta phải chuyển hóa chỗ nào, sửa chữa ở điểm nào để giảm bớt cảnh lầm than.
Nguyên Hoàng
www.gdptthegioi.org
0 nhận xét:
Đăng nhận xét