Thưa Anh Chị Em Áo Lam,
Chữ mà ACE chúng ta hay nói đến nhất là chữ “TU”; nào là chương trình tu học, tham dự khóa tu, tu học Phật Pháp v.v.. Nhưng nếu có 1 em đoàn sinh hỏi cắc cớ rằng “thưa Anh/Chị tu là gì? Anh/Chị đã tu được bao nhiêu năm?” v.v.. chắc chắn là chúng ta hơi bối rối, lúng túng, bởi vì “ai tu nấy chứng” và bản thân mình, nhiều khi mình đâu có biết mình tu ngang đâu rồi!!
Xin thưa, hầu hết ACE Huynh trưởng GĐPT chúng ta là vậy, ít ai dám vỗ ngực nói: tôi đã đắc quả Tu Đà Hoàn, hay A Na Hàm hay A La Hán cả!!!
Điều đó rất dễ hiểu vì tu là chuyện của mình nhưng mình có thực tu hay không còn do cái biểu hiện của mình khi hữu sự (nghĩa là khi “đụng chuyện”) mới biết được. Thật vậy, trong bài giảng “Thước đo người tu” của Thầy Thích Trí Siêu (ở Pháp), Thầy dạy:
Nhiều người tu lâu năm, thường đi chùa, ăn chay, niệm Phật, ngồi thiền, làm công quả, theo học giáo lý với nhiều thầy nổi tiếng v.v.. nhưng bấy nhiêu đó có đủ để chứng minh là người này tu khá, tu đúng và đưa đến giải thoát hay không?
Và Thầy đưa ra những tiêu chuẩn mà Thầy gọi là “tối thiểu và căn bản” để nhận biết một người tu đúng hay không:
-
Người ấy còn ham thích tài sản, danh lợi và sắc dục hay không?
-
Còn dễ nổi sân hay không? (khi gặp chuyện trái ý thì giận dữ bực tức ngay)
-
Còn kiêu căng ngã mạn hay không? (thích khoe khoang, thích điều khiển người khác, thích được ngợi khen, tâng bốc...)
-
Còn chấp rằng “Thầy tôi” hay “pháp môn của tôi” là hay hơn hết (tâm tư hẹp hòi, ưa chia rẽ, bè phái v.v..)
Nếu còn 4 điều trên đây thì người này dù đã tu 30, 40 năm, ngồi thiền nhập định 5, 6 tháng, thuộc làu đủ loại Chú, Kinh… hoặc có hàng ngàn đệ tử, viết hàng trăm cuốn sách thì nhất định người này vẫn chưa Tu đúng theo đạo Phật!!!
Ngoài ra, một người tu cần phải có (và thực hành) những việc sau đây:
-
Biết làm phước, bố thí
-
Biết nói lời ái ngữ
-
Biết và tinh cần thực hành 4 đức tính: Từ, Bi, Hỷ, Xả
-
Lễ độ và khiêm hạ đối với tất cả mọi người.
Thật vậy, làm được 4 điều này mới gọi là biết tu và có tu.
Thứ nhất, có những người đọc rất nhiều Kinh, sách, hiểu biết giáo lý, giảng Đạo rất hay nhưng không biết làm phước, bố thí, ngược lại còn bỏn sẻn, keo kiệt, bo bo giữ chặt tài sản của mình, nếu phải cho ai một vài đồng bạc thì cảm thấy đau đớn tận xương tủy.
Thứ hai, có người học Đạo lâu năm mà không giữ gìn khẩu nghiệp, ăn nói bậy bạ, lung tung, chê bai chỉ trích, phỉ báng và vu khống người khác nữa…
Thứ ba, thực hành 4 Tâm Vô Lượng này (Từ, Bi, Hỷ, Xả) con người trở nên toàn thiện, sống đời sống của một bậc Thánh trong kiếp hiện tại.
Thứ tư, càng tu thì “cái ngã” càng nhỏ dần, càng biết tôn trọng người khác, như bồ tát “Thường Bất Khinh” trong kinh Pháp Hoa, luôn khiêm cung, lễ độ đối với mọi người, đặc biệt là các bậc trưởng thượng.
Thưa Anh Chị Em,
Với “Thước Đo” này coi như chúng ta đã có một kim chỉ nam để hiểu thế nào là tu, đi theo hướng nào là đúng và như thế nào là tiến bộ, tiến tu và như thế nào là chậm tiến, chưa tu, v.v..
Chúng ta luôn tinh tấn soi rọi lại mình xem đã tu chưa và tu có đúng hay không; tự chúng ta quán sát mình và những người chung quanh (ACE Huynh trưởng và đàn em của chúng ta, bạn bè, bà con v.v.. ) sẽ nhận biết là chúng ta có thực tu hay không.
Chúng ta hãy thường nhắc nhở nhau để cùng thăng tiến đồng bộ trong tu học và tu tập, để mãi mãi “Tiến trong Ánh Đạo Vàng” các Bạn nha!
Trân trọng,
Nhóm Áo Lam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét