Kính thưa quý anh chị,
Cùng các em thân mến.
Đêm nay ngồi quanh đây chúng ta lại tự hỏi lòng mình có an lạc không; có ai còn hờn giận nhau hay không; có ai còn chán nản hay không; có ai còn buồn lo phiền muộn hay không? Hôm trước quý anh chị còn tâm sự rằng tôi đau xót quá, tôi bức xúc quá, tôi buồn quá…. bởi anh này, chị kia làm tôi chán nản, làm tôi muốn từ chức, tôi không làm nữa; làm đâu có lương gì đâu mà sao thế này, thế nọ!
Quý anh chị hãy ngẫm lại những điều mình phát ngôn tùy theo tâm trạng mình “bềnh bồng” lúc đó. Tu để thoát khỏi mọi sự đau xót tội tình mà đến giờ này chúng mình còn than là đau xót; tu là để tìm được sự bình tâm tỉnh trí mà đến giờ này lòng mình còn như sóng nhồi không nói được là cảm thấy bức xúc; tu là để xả ly các kiến chấp mà tới giờ này mỗi khi nghĩ đến tổ chức mà mình còn vương mang những nỗi buồn nung nấu ruột gan….. Vậy bao nhiêu năm nay mình tu học cái gì, có phải chỉ là duy lý mà không hành và những điều mà chúng ta được truyền trao chỉ là lý thuyết suông!
Đêm nay, nhân ngày Hạnh ngành Nữ, vía đức Quán Thế Âm Bồ Tát, trong ứng thân người Phụ nữ từ bi, chúng ta hãy nhớ đến một vị Tỳ kheo ni đầu tiên trong Phật Giáo, đó là Kiều Đàm Di, thế danh thường gọi là bà Ma-ha Ba Xà Ba Đề (Mahapajapati); Kiều Đàm tức họ Gotami, còn Di có nghĩa là Dì – vai Di mẫu dưỡng nuôi thái tử Tất Đạt Đa khôn lớn.
Trong một thời pháp, đức Phật đã nói về tám phạm trù nhằm khích lệ sự phát triển tâm linh. Tôn giả Ma-ha-ba-xà-ba-đề bạch Phật: “Lành thay, bạch đức Thế Tôn, Đấng Thiện thệ, nếu Ngài có thể dạy cho con Pháp cương yếu, để nương vào đó, sau khi nghe Pháp, con có thể sống độc cư, an tịnh, chú tâm, nhiệt tâm, và tinh tấn.
“Đức Phật đáp rằng:
Pháp mà ngươi biết
đưa đến ly tham, không phải đưa đến tham dục;
đưa đến giải thoát, không phải đưa đến triền phược;
đưa đến xả ly, không phải đưa đến tích tập;
đưa đến khiêm cung, không phải đưa đến ngã mạn;
đưa đến sự toại nguyện, không phải đưa đến sự bất như ý;
đưa đến tịch tịnh, không phải đưa đến nhiệt náo;
đưa đến tinh tấn, không phải đưa đến giãi đãi;
đưa đến khinh an, không phải đưa đến hình lụy, phiền não…”
Tôi xin tạm tách 8 phạm trù này ra để chúng ta cùng nhau điều chỉnh trong tu hành, phải tự chủ trong việc giữ gìn sự an tâm khi bất cứ những trạng thái xung động nào lung khởi. Nếu không tự quán chiếu để xét thấy những điều mê lầm đó đã đưa chúng ta đến đau khổ, não phiền đã dày vò triền miên từ vô số kiếp thì thật là uổng kiếp tu hành, uổng phí những ngày mình được cận kề nơi Tam bảo tu học – chính mình không có an lạc, không có hạnh phúc thì làm sao đem lại an lạc, hạnh phúc cho đàn em, cho mọi người! Chừng đó mọi người chỉ thấy các trưởng Gia Đình Phật Tử của mình “năng thuyết bất năng hành” chỉ giỏi nói.
- Xét thấy lòng mình tuy đã phát tâm phục vụ tổ chức, đã không cần lương tiền mà phải bỏ ra nhiều hơn nữa nhưng khi nghe lời khen, tiếng chê hay bị xúc phạm mình có giữ được sự bình tâm hay không; hoặc chỉ giận người qua đêm, qua rồi thì thôi không! Hoặc phải hỏi thẳng: “ Tôi có háo danh không?” Nếu trả lời là có thì đúng là mình đang nuôi vô số cổ trùng buồn phiền trong bụng để chúng tha hồ gặm nhắm sự bất ý riêng mình.
- Xét tâm tư mình có nhiều điều muốn đóng góp cho tổ chức, có nhiều kiến văn mới lạ muốn phổ biến chung khắp để cùng học, cùng tiến nhưng gặp bao nhiêu chướng ngại bất khả thi, trong đó có phần quan năng, trình độ tiếp thu không đều thì mình nản chí và càng ngạo mạn hơn vì sở học, thế học của mình không ai bằng – Như vậy là chúng ta phạm vào tà thuyết, bởi vì nếu là chánh Pháp thì phải đưa ta đến sự khiêm cung chớ không phải đưa mình đến ngã mạn như Phật đã nói như trên.
Sự toại nguyện hiện hữu đích thực là ta thắng phục được chính mình khi lẽ ra mình phải tham, phải giận, phải kiêu căng tự cao, phải bất mãn, bất như ý…. Bằng mọi cách phải đưa tâm trạng nông nổi, lỗi lầm của mình về lại với nhất tâm, với khinh an vì đã dễ dàng buông bỏ. Hãy nhìn kỹ chương trình tu học của huynh trưởng, không đơn giản chút nào: 1 năm bậc Kiên (hiện tại là 2 năm); 2 năm bậc Trì; 3 năm bậc Định; 5 năm bậc Lực…. Nếu tính số năm thì mình có tổng là 12 năm học bậc rồi mới được bước đến ngưỡng “Vạn Hạnh”. Thế mà chúng ta vẫn chưa rõ mục đích học Phật, vẫn chưa tìm được chỗ phóng tâm, không phải là uổng phí lắm sao!
Nguyên Hoàng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét