Kính thưa quý anh chị,
Cùng các em thân mến.
Đêm nay, ngồi quanh ánh lửa hồng này tôi sẽ nói với quý anh chị nghe về một con đường có thật ngay trên đất nước quê hương mình. Con đường thật không phải chỉ là ý tưởng mà đã hàng trăm ngàn, hàng triệu Phật tử Việt Nam đã đi trên con đường ấy. Đi từ tuổi trẻ đến khi bạc đầu; đi từ thế hệ ông bà, cha mẹ cho đến nay mấy đời cháu chắt. Thoắt một cái đã 70 năm. Tuy chưa đủ chiều dài thế kỷ nhưng đoàn người đã dũng cảm xuyên qua những đêm dài thuộc địa thê lương, 20 năm chiến tranh máu lửa, và 35 năm qua kể từ khi chiến tranh kết thúc – có một khoảng thời gian con đường ấy đầy cỏ dại, chông gai ngăn trở. 35 năm đó, bây giờ mình không biết gọi nó là gì – bởi khi mình nói thật thì nhiều người lo sợ bị gán ghép vô số tội danh; nhưng nếu mình nói sai, nói dối để được bình yên thì không nên xưng là con Phật – Đành phải im lặng, nhẫn chịu, ngậm đắng nuốt cay tiếp tục cất bước. Thế mà những người áo lam kiên cường, nhẫn nhục đó không biết đi bằng cách nào mà khai phá con đường dài ra thêm trên khắp địa cầu, liên kết 8 nước, 3 châu lục thành GĐPT Hải Ngoại rồi tìm về nguồn cội hóa thân thành Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên thế giới!
Nếu nói rằng chúng ta sợ thì đã không có những thành tựu kỳ vỹ chưa từng có trong Giáo sử Việt Nam; nếu ai nói chúng ta sợ thì chúng ta đã không tồn tại mà còn cầm chắc quyển Nội Quy & Quy chế huynh trưởng GĐPT Việt Nam cương quyết thủ hộ gia quy với những tấm lòng sắt son không dời chuyển – Cho đến một ngày chính phủ phải ra nghị định công nhận hiệu quả công ích xã hội qua hoạt động của Gia Đình Phật Tử và giao cho Giáo hội Phật Giáo mới tổ chức và quản lý, từ đây có nhiều cái mới lạ trong cơ cấu và sửa đổi Nội quy.
Chúng ta đã và đang tiếp tục đi trên con đường cũ, con đường bị chia chẻ và còn rất nhiều bẫy rập gai góc chờ đợi chúng ta – một số anh chị đã ngã quỵ; một số anh em bị sụp bẫy và quay trở lại cắn xé cho nát thịt da nhau. Cho đến giờ này chúng ta vẫn được quyền lựa chọn: Một là quay trở về nhà cất áo lam và sống đời yên bình với gia đình con cháu; hai là tiếp tục nhận chịu những chướng nạn, nghịch duyên mà đồng bào đã ban tặng-thử thách sự vô úy, lao cường tinh tấn dũng mãnh của anh chị em chúng ta. Nếu một ngày nào đó các anh chị thấy gia phong, đạo đức của gia đình và cháu con mình suy sụp trong sức mạnh đồng tiền giữa xã hội đảo điên, phải tin rằng tổ chức Gia Đình Phật Tử vẫn tồn tại do những người áo Lam trung kiên chân chính vẫn còn đây để trở lại mái chùa xưa và thuyết phục cháu con mình vào sinh hoạt.
Mái chùa – hồn dân tộc bây giờ cũng không còn như xưa, chúng ta phải liệu mà thu xếp để có thể thích ứng với những cảnh quan mới như kéo nhau lên rừng, ra công viên, rời trụ xứ để việc tu tập, sinh hoạt, đào tạo đoàn viên không gián đoạn, vì có một số tỉnh ra lệnh GĐPT chùa này muốn chiêm bái chùa khác phải được sự đồng ý của hai trụ trì bằng văn bản, còn nếu GĐPT muốn du ngoạn xuất tỉnh phải xin phép Ban tôn giáo! GĐPT Thuận Châu bị ngăn cấm ra khỏi chùa là vì bị quan trên áp dụng theo luật này.
Chuyện GĐPT Thuận Châu không phải là chuyện khẩn cấp mà chỉ là một sự kiện thường xảy ra ở khắp nơi, nếu đi ngược thời gian về trước thì đàn anh, đàn chị chúng ta đắng cay trong bi tráng hơn nhiều. Chúng ta không nên giận, chúng ta phải vững lòng. Nếu phải do nghiệp lực mà phải bị đày ải khổ nhục thì mình sẽ không tránh khỏi. Phải tin tưởng vào luật nhân quả và cầu nguyện cho những người đạp đổ thành trì đạo đức do anh chị em mình bền tâm xây dựng được giảm thiểu nghiệp tội vì quả báo – khi nhân quả đến họ có hối hận cũng muộn màng.
Chúng ta phải vững lòng vì biết rằng sự hiện diện của Gia Đình Phật Tử nơi đây chính là đang góp phần dựng xây xã hội, góp phần vào việc bài trừ các tệ nạn ma túy, buôn người, mại dâm, trộm cướp, lừa đảo…. để chung tay cùng cộng đồng nâng cao phẩm giá con người. Muốn nâng cao phẩm giá con người chỉ có việc giáo dục chân chính và tinh thần hy sinh chịu đựng vô vị lợi mới làm được chuyện này, nhưng các anh chị hãy nhìn xem giáo dục hiện nay trên quê hương mình đang trở thành một thị trường kinh doanh tấp nập từ Mầm non đến trên Đại học. Vì thế chúng ta còn cần phải hiện diện và bền lòng, vững chí hơn nữa chăm lo công việc của chúng ta trên quê hương này. Hôm qua, có một huynh trưởng cao niên chúc chúng tôi rằng: “ Tôi chúc anh em càng gặp nhiều chướng ngại, chông gai hơn nữa!” Tôi chợt nhớ như in điều tâm niệm thứ tư: “Xây dựng đạo hạnh thì đừng cầu không ma chướng, vì không ma chướng thì chí nguyện không kiên cường. Hãy lấy ma quân làm bạn đạo.”
Và anh cả áo lam lại nói với chúng tôi: “ Những huynh trưởng trải thân chịu đựng hy sinh để chúng ta còn tồn tại suốt thời gian ấy rất xứng đáng được chúng ta cúi đầu chắp tay kính lạy.”
Chúng tôi cảm biết các anh đang thốt ra những lời chân thật tự đáy lòng. Lửa đêm nay tàn nhưng lửa trong tim ta đang ấm lại.
Nguyên Hoàng
Theo gdptthegioi.org
0 nhận xét:
Đăng nhận xét