Thưa Anh Chị Em Áo Lam,
Là Phật tử, chúng ta đã quen thực tập với câu “giữ cho 3 nghiệp được thanh tịnh” cũng như mấy câu Kệ “nghe chuông”:
Ba nghiệp lắng thanh tịnh
Gởi lòng theo tiếng chuông
Nguyện người nghe tỉnh thức
Vượt thoát nẻo đau buồn
Là Huynh trưỏng GĐPT, ngoài việc tu tập, chúng ta còn hưóng dẫn đàn em của mình tu tập nữa. Bài tập này từ các em nhỏ cho đến các Anh Chị lớn đều làm trong suốt cuộc đời của mình.
Thật vậy, mấy chữ đơn giản “3 nghiệp lắng thanh tịnh” coi vậy mà rất khó làm, bởi vì 3 nghiệp là nghiệp ở Thân, Miệng và Ý; đó là 3 cơ quan “lanh lẹ” nhất, tiếp xúc với ngoại cảnh nhiều nhất, mà nghiệp là hành động có tác ý (cố ý), nghĩa là không phải tình cờ. Ví dụ Thân có 3 tội: sát, đạo dâm (Sát sanh, trôm cắp, tà dâm), Miệng có 4 tội: nói dối, nói lời độc ác, nói lời hung dữ, nói hai lưỡi, Ý có 3 Tham, Sân, Si. Nhưng, chúng ta hãy lấy trộm cắp làm ví dụ: tuy là tội do Thân làm ra nhưng nếu Ý không tham lam Ý không chủ động thì Thân đâu có làm được. Miệng cũng vậy, nếu không có Ý tham gia thì miệng đâu có nói! Từ xưa, nhiều người cho rằng “khẩu Xà tâm Phật” tốt hơn là “khẩu Phật tâm Xà” _ nhưng chúng ta thấy rất rõ rằng nếu tâm chúng ta là “tâm Phật” (nghĩa là thiện, lành, không bao giờ hại ai..) thì làm sao thốt lên những lời rắn rít được? (xà = rắn).
Thế cho nên, có câu “nói năng như Chánh pháp, im lặng như chánh pháp” nghĩa là nói năng hay im lặng gì cũng phải được xuất phát từ Ý trong sạch, thiện lành, vì Ý dẫn đầu tất cả như chúng ta đã biết.
Nếu chúng ta là người nói, thì lời nói phải đi đôi với việc làm, nếu chúng ta nói về người khác thì lời nói phải đúng sự thật. Có người nói rằng quý Thầy đở đầu cho GĐPT và chính tổ chức GĐPT đã bị vu oan, bị gieo tiếng xấu, tiếng ác… từ gần 70 năm nay rồi! Điều đó đúng nhưng các bạn có nhớ không? Cách đây hơn 2500 năm, đức Thế Tôn của chúng ta cũng đã từng bị vu oan giá họa nặng nề gấp 10 lần, 100 lần cái oan mà quý Thầy của chúng ta và anh chị em chúng ta gánh chịu trong đời này!
Nếu chúng ta là người nghe, người bị nghe người khác nói xấu mình, vu oan giá họa cho mình, thì chúng ta hãy im lặng, nhẫn nhục bởi vì những điều người ta nói là không có, là dối trá, không phải sự thật, nên sẽ nhạt phai theo thời gian, sự Thật sẽ hiện bày, Thật vậy, khi đức Phật còn tại thế, thậm chí như chuyện người đàn bà tự độn bụng mình phồng to lên rồi vu oan cho đức Thế Tôn mà người ta còn dám làm huống gì trong đời mạt pháp này, chuyện gì lại không bày đặt ra nói được? Chỉ cần viết 1 bài nói láo đó gởi lên internet thì trong vòng vài giây, cả thế giới đều biết cái tin vịt động trời đó (gọi là “tin vịt” vì nói vô căn cứ, nói toàn chuyện “đời xưa” mà nhân chứng đã đi qua bên kia thế giới hết rồi!) Hành động xấu này có tội nặng gấp trăm lần người đàn bà vu khống kia, vì tầm thông tin của nó rộng rãi hơn … nhưng tất nhiên chỉ có những ai tin nhân quả, luân hồi mới sợ hậu quả những việc xấu đã làm, còn những người vô thần, vô Đạo v..v.. thì đâu có biết sợ!! !!
Phật Pháp cao siêu mầu nhiệm nhưng áp dụng vào cuộc sống cũng đơn giản vô cùng. Ngày xưa ngay trong Tăng đoàn của Phật cũng vậy, có vị tỳ kheo tên là Ujjhànasanni (chúng ta gọi tắt là Úc-Gia) hay nói xấu các bạn đồng tu, hay vạch lỗi của họ, che giấu lỗi mình .. các vị tỳ kheo khác bèn thưa trình với đức Phật về tính xấu của Úc Gia, đức Thế Tôn dạy rằng: “này các thầy tỳ kheo, nếu có ai nói rõ lỗi của người khác, và chỉ dạy cho họ cách sửa đổi lại thì đó không phải là điều sai lầm. Trái lại, nếu ai đó luôn luôn chỉ trích chỗ sai của người khác, với ý định hiểm độc để nói xấu, thì người này chẳng thể nào chứng đắc được Định tâm. Y chẳng bao giờ thông hiểu Chánh Pháp, và các mối lậu hoặc nơi người ấy ngày càng gia tăng” (lậu hoặc = các phiền não trong Tâm lộ ra bằng hành động hay bằng lời nói) Rồi đức Phật nói lên bài kệ sau đây:
Kẻ nào cứ thấy lỗi của ai
Thường sinh lòng chỉ trích chê bai
Lậu hoặc người đó tăng hoài
Tiêu trừ cho sạch, biết ngày nào xong!
(Kinh Pháp Cú, kệ số 253)
Thi sĩ Phạm Thiên Thư dịch:
Thường thấy người tật lỗi
Phiền não héo tâm thân
Chẳng thấy người tật lỗi
Phiền não cũng xa dần
Thế đấy các bạn ạ, “chỉ thấy lỗi người không thấy lỗi mình” đã làm cho chúng ta phiền não như vậy, huống chi lại vu khống cho người ta, không nói thành có, không biết nói biết v..v.. thì gây ra biết bao nhiêu phiền não nữa đây! Do vậy, muốn được an lạc, hãy học theo ngài Huệ Năng “chỉ nên thấy lỗi mình, đừng nhìn lỗi người”
Thân kính chúc anh chị em “một ngày như mọi ngày, an lạc và thảnh thơi” (câu này cũng giống như câu “sáu thời đều an lành” nhưng “thời đại mới” chúng ta nói theo kiểu mới vậy thôi! !!)
Trân trọng,
Nhóm Áo Lam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét