Anh chị em Lam viên thân mến,
Mới đó mà đã bước qua 2010 nửa tháng rồi, năm nay là năm kết thúc “Thập niên quốc tế xiển dương việc tu tập bất bạo động và hòa bình để làm lợi lạc cho tất cả trẻ em trên thế giới” (International decade For a culture of peace and Non Violence For the Children in the World). Không biết đến cuối năm nay đại hội đồng Liên hiệp quốc có tổng kết lại thập niên tu tập hòa bình hay không? Muốn theo dõi sự thực thi việc xiển dương tu tập này, phải nắm được tình hình tôn giáo trên toàn thế giới, chứ đặt nó vào phạm trù chính trị, hóa ra hoàn toàn mâu thuẫn và chỉ là “mị dân” mà thôi.
Có lẽ Liên hiệp quốc không thể nào theo dõi được tình hình tôn giáo của các nước trên toàn thế giới một cách trọn vẹn đâu. Các nước thành viên Liên hiệp quốc có thực thi bản tuyên cáo năm 2000 không? Thì cũng chỉ có “chư thiên” biết mà thôi! Nếu các quốc gia thành viên LHQ mà không thực thi thì còn ai thực thi nữa?
Năm 1998 đại hội đồng Liên hiệp quốc đã kí quyết nghị A/RES/53/25 lấy năm 2000 làm năm quốc tế sự tu tập hòa bình (International year for the culture of peace) và lấy thập niên 2001-2010 là “Thập niên quốc tế xiển dương việc tu tập bất báo động và hòa bình để làm lợi lạc cho tất cả trẻ em, trên thế giới”.
Năm 2000 UNESCO (tổ chức giáo dục khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc) đã ra tuyên cáo gồm 6 điểm nội dung tóm tắt như sau:
1. Xin tôn trọng sự sống dưới mọi hình thức
2. Xin khước từ bạo động
3. Xin mở rộng lòng từ ái
4. Xin lắng nghe để hiểu
5. Xin bảo hộ Trái đất
6. Xin làm sống dậy tình liên đới.
Chiêm nghiệm cho kỷ đây chính là thu gọn nội dung 5 giới của Phật giáo dưới một hình thức khác.
Mà đúng thế, Đạo Phật là đạo hòa bình, muốn bảo vệ hòa bình phải thực hành năm giới, không còn cách nào khác và cũng không riêng cho một tôn giáo nào.
Nhưng nhìn hoạt động tôn giáo qua “lớp kính Nhà nước” của một số quốc gia thì xanh hóa đỏ, tím hóa vàng. Hiện nay, vấn đề tôn giáo ở Trung Quốc ra sao? Ở Hàn Quốc ra sao... Ai có nghe những vị chân tu của các nước này thuật lại mới rõ, chứ nhìn qua màn ảnh truyền hình, đọc qua vài bài báo, không thể nào nhận định được. Dù có đến tham quan tận nơi, tận gốc thì những hướng dẫn viên, thuyết trình viên đều là của “Nhà nước” không phải của “Nhà chùa”.
Riêng về Việt Nam, từ năm 2000 trở lại, việc xây dựng chùa chiền ở một vài nơi không còn quá khó khăn, không còn có hạn chế tuyệt đối như hai thập niên sau 1975. Nhưng có phải chùa tháp mọc lên thật nhiều, ở vài đô thị xây dựng thật lớn lao là tự do tín ngưỡng đó không?
Tình trạng các bậc cao tăng chuyên tu hiện nay ra sao? Sinh hoạt Gia Đình Phật Tử Việt Nam truyền thống có gốc rễ hơn 60 năm nay, giờ ra sao? Có được pháp lý công nhận không? Hay chỉ những đơn vị lẻ tẻ thành lập sau 1975 (thuộc phân ban của Giáo hội Phật giáo VN) mới gọi là có pháp lý, còn các đơn vị 50, 60 tuổi rồi, có giấy khai sinh từ xưa rồi, bây giờ phải “khai sinh lại” (đăng ký lại) có nghĩa là “đã chết”, mặc dù còn sờ sờ ra đó!
Trong biên bản phiên họp thứ 54 ngày 15/12/99 ở mục 174 Hội đồng LHQ đã chính thức thừa nhận ngày Đại lễ Phật Đản, còn gọi là ngày Tam hợp (hợp lại 3 ngày lễ trọng đại: Sơ sinh, xuất gia và thành đạo) là ngày lễ hội văn hóa, tôn giáo thế giới của LHQ.
Từ đó ngày Tam hợp (tức Đại lễ Phật Đản) được tổ chức cho toàn thế giới. Năm 2000 tổ chức tại trụ sở LHQ ở NewYork, 2005 tổ chức tại Thái lan, 2008 tổ chức tại Việt Nam.
Ở Việt nam thì chúng ta đã thấy rồi, rất quy mô hoành tráng, ban tổ chức lễ hội tương đối hùng hậu, nhưng thẩm quyền của ban tổ chức thì thế nào? Quan khách tham dự có theo dự kiến của ban tổ chức không? Ai là người được tham dự? Do ai mời?
Trong Đại lễ này cũng có tăng đoàn Làng Mai (kể cả một số tu sĩ nước ngoài) do thiền sư Nhất Hạnh hướng dẫn. Trong chương trình có sắp xếp một số buổi pháp thoại của Thiền sư tại một vài nơi (có lẽ để tô son cho Đại lễ).
Nhưng sau đó thì sao? Tăng thân ở Tu viện Bát nhã gần 400 vị bây giờ ra sao? Có được an ổn tu tập không? Hay là “tan tát lìa đàn” mỗi người một ngã, xin cư trú một chùa nào cũng không được, đành phải làm tăng lữ lang thang.
Như vậy, đối với điều 12 Công ước Quốc tế về quyền cư trú của người dân thì sao đây? Việt nam là nước đã kí vào công ước này. Cơ quan nào theo dõi việc thực thi?
Còn trên bình diện Quốc tế, năm 2009 đã 2 lần Hội nghị thế giới bàn về việc chận đứng ô nhiểm môi trường, bảo vệ Trái đất đều thất bại. Nói thì nhân đạo lắm nhưng đụng đến một chút quyền lợi kinh tế thì “rút tay ra” để “ai chết mặc ai” mà cũng không thấy được trong số người chết ấy lại có mình, có dân tộc mình.
Thưa anh chị em, phân tích dài dòng một chút để chúng ta thấy được rằng: đừng trông chờ ở đâu nữa cả !
Tư tưởng hòa bình phải được nuôi lớn trong tâm hồn tuổi trẻ từ bây giờ thì ngày mai mới có một thế giới hòa bình.
Vậy thì hòa bình đang nằm trong tay anh chị em mà thôi vì anh chị em đang nhận lãnh sứ mệnh giáo dục Gia Đình Phật Tử hay nói rộng hơn là giáo dục tuổi trẻ Phật giáo, tuổi trẻ Việt Nam.
Thân ái chào các anh chị em!
BBT
http://www.gdptthegioi.org
18/1/10
Lá Thư Đầu Tuần (51)
Posted by Unknown on 14:45
Giới Thiệu Blog Tình Lam
Nơi đây giao lưu kết nối anh chị em áo lam khắp mọi nơi.
Nơi cảm nhận những cảm xúc vui buồn của dòng máu Lam.
Nơi mang đến những nét đẹp của tình lam, cùng đồng hành sát cánh với anh chị em áo lam Quốc Nội & Hải Ngoại.
Tình Lam mong càng ngày phong phú hơn với các bài viết sưu khảo từ các nơi.
Xin hãy cùng chung tay chia sẻ với Tình Lam cho vòng tay thân ái luôn mãi kết chặt tình lam.
"Mỗi người là một cành hoa bay về đây góp gió
Làm thành vườn hoa,vườn hoa Tình Lam chúng mình"

Tình Lam rộng khắp bốn phương
Kết tình huynh đệ thân thương một nhà

Face Book
GĐPT Đức Tâm - BHD Gia ĐịnhGĐPT Đức Tâm - BHD Gia Định
GĐPT Đức Hoa - Gia Đình Phật Tử Đức Hoa - Gia Dinh Phat Tu Duc Hoa - Hoi Phat Giao
Error loading feed.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét