Ông Thổi
TÂM KHAI SƠN
A! Ông Thổi tới rồi! – Giọng bé Tâm reo lên mừng rỡ. Đám trẻ con ngưng lại trò chơi trốn tìm. Chúng quay ra, đổ dồn các cặp mắt về phía ông lão vừa đến. Ông xấp xỉ bảy mươi, dáng nhỏ nhắn, khuôn mặt đầy vết chân chim, duy chỉ có đôi chân thì nhanh thoăn thoắt. Bọn trẻ vây lấy ông, hỏi han rối rít. Ông đáp lại bằng nụ cười móm sọm rồi nhanh nhảu dắt chiếc xe đạp cũ kỹ bước đi.
Xóm hẻm cụt này từ lâu đã quen thuộc với hình ảnh một ông lão bán bong bóng. Không ai biết quê quán ông ở đâu. Người ta chỉ thấy chiếc xe đạp và hàng chục quả bóng đủ màu đủ sắc là gia tài bên mình ông. Gặp bọn trẻ xóm hẻm cụt, ông thường tặng chúng vài ba quả bóng, sau đó ông dẫn xe ra ngoài công viên đi bán dạo. Tên họ của ông ư ? Cũng không ai biết ! Người ta đã quen miệng gọi “Ông Thổi”. Có lẽ điểm đặc biệt của ông là không dùng dụng cụ nào mà chỉ dùng miệng thổi bong bóng nên cái tên “Ông Thổi” nghe ra thật hợp lý.
Ở cuối con hẻm cụt có ngôi chùa nho nhỏ, thầy Thiện Không là trụ trì. Vào những dịp lễ Đản sanh, thầy thường đặt Ông Thổi làm thật nhiều bong bóng để trang hoàng vườn Lâm Tỳ Ni. Mỗi lần như thế, Ông Thổi đều không nhận tiền. “Làm được việc gì có công đức dù nhỏ thì cũng nên làm, nghen các con !” – Bọn trẻ long lanh đôi mắt nhìn ông nói.
Chiều chiều, bán xong bong bóng, Ông Thổi lại đến với bọn trẻ. Chúng ngồi vòng tròn quanh ông. Ông Thổi có rất nhiều câu chuyện hay và lạ. Bọn trẻ luôn tròn xoe mắt trước mỗi tình tiết trong truyện mà chúng cứ ngỡ như đang diễn ra bên cạnh mình vậy. Có lần ông kể chuyện Devadatta rắp tâm hại Phật, bọn trẻ cứ tức anh ách. Nhưng khi ấy ông lại ôn tồn bảo:
- Chính vì lòng từ bi của Đức Phật mà Devadatta đâu thể hãm hại Phật. Ông muốn các con nuôi dưỡng lòng từ bi, thay vì cứ căm giận Devadatta !
Câu chuyện hiếu thảo của chim Oanh Vũ được bọn trẻ nhớ nhiều nhất. Một bữa nọ, Ông Thổi kể chuyện bà lão cúng đèn. Sau câu chuyện, thằng Bi buột miệng:
- Ông ơi ! Bữa kia có bà già nào đó gặp con hỏi đường đến chùa.
- Sao nữa, con ? – Ông nhìn vào mắt Bi.
- Con thấy bà già đó rách rưới, dơ bẩn thì đến chùa làm gì ? Bả nói đến chùa đóng góp tiền đúc chuông. Con bảo là bà già xạo. Bà đến đó xin tiền thì có, chứ làm gì có đủ tiền để cúng chùa ! - Thằng Bi im lặng hồi lâu rồi nó tỏ vẻ ân hận:
- Con thấy bà già đó buồn lắm ông ơi !
- Vậy à !
Ông Thổi mỉm cười hiền hậu:
- Hình dáng bên ngoài không đủ đánh giá con người đâu !
Bi ấp úng :
- Dạ... Hôm nay ông kể chuyện bà lão cúng đèn làm cho con muốn khóc luôn vậy đó ! Con thấy hối hận quá ! Con... con… xin lỗi nha ông ?
Ông Thổi nhìn vào hai tròng mắt đen lay láy của Bi:
- Ừ ! Con biết lỗi vậy là tốt lắm đó !
Chợt ông thở dài, nhìn xa xăm:
- Làm công đức phải có tấm lòng, con à ! Bà lão tuy nghèo nhưng tấm lòng thì giàu lắm !
Trước khi chia tay bọn trẻ, ông thường giúi vào tay chúng khi cái bánh tét, khi bánh đậu xanh, lúc thì miếng kẹo dừa hay có lúc là vài trái mận đỏ au. Bọn trẻ thương ông. Chúng xem ông như là người thân ruột thịt.
Hai ngày rồi sao Ông Thổi không đi ngang xóm ? Bọn trẻ buồn thiu. Cái vòng tròn thân mật mỗi chiều giờ đây bỗng quạnh quẽ lạ lùng. Nét đượm buồn in thật rõ trên gương mặt chúng. Bọn trẻ rủ nhau tới chùa vì thầy Thiện Không là người duy nhất biết nơi sinh sống của Ông Thổi. Trước đây, cứ tối đến là Ông Thổi hay lên chùa tụng kinh. Bọn trẻ thập thò ngoài cửa nhìn thấy Ông Thổi và thầy Thiện Không ngồi nói chuyện với nhau rất thân thiện và gần gũi.
- Ông Thổi ngã bệnh rồi tụi bây ơi ! – Thằng Trí hớt hơ hớt hải từ vườn chùa chạy ra – Thầy Thiện Không đang hái cam ở ngoài vườn đó !
- Tụi mình sẽ đi thăm ông Thổi nghen. – Trí đề nghị.
- Ừ, đi ngay chứ ! – Dũng hưởng ứng.
- Mình đi cùng thầy Thiện Không hả anh ? – Bé Tâm ngước nhìn thằng Trí như đang chờ đợi một sự đồng ý.
- Chứ sao nữa ? – Dũng đáp ngay.
- Dạ, tụi em cũng đi luôn ! – Trí, Tâm và Bi hồ hởi nhất.
Ngày xưa, có hai người bạn áo Lam, sinh hoạt Gia Đình Phật Tử từ những ngày đầu còn phôi thai. Miền Trung cằn cỗi đã hằn sâu trong ý chí họ quyết tâm dắt dìu tổ chức đi lên. Tuổi hai mươi phơi phới sức trẻ thì họ đã chọn cho mình mỗi người một ngả rẽ. Một người xuất gia, lấy lý tưởng sứ giả Như Lai làm lẽ sống. Một người vẫn tiếp tục khoác chiếc áo màu lam, làm nhịp cầu nối Đạo với Đời. Cả hai đều tận tuỵ với con đường mình đi tới. Vị tu sĩ trẻ ngày nào đã trở thành một bậc tôn túc với phẩm hạnh và uy đức cao tột. Chàng áo lam kia cũng nở một nụ cười kiên định khi gánh vác một mái Gia Đình. Rồi mùa xuân năm nọ, dông tố của cuộc đời đã đẩy họ lưu lạc vào Nam. Cả hai bặt tin nhau từ dạo ấy.
Nhà Ông Thổi lụp xụp bên bờ kênh đen ngòm. Bọn trẻ cố nín thở nhưng mùi tanh của bùn cứ vởn vơ trước mũi chúng, như trêu ngươi, như thách thức sức kiên nhẫn của con người. Ông Thổi nghèo quá ! Trong nhà chỉ vỏn vẹn chiếc chõng tre, cái kệ sách xiêu vẹo đầy những sách và một bàn thờ Phật nhỏ nhưng được lau dọn sạch sẽ nằm chính giữa căn nhà. Tất cả đều cũ rích, bụi thời gian đã khảm vào đó một thứ đồi mồi có một không hai: cái nghèo cùng tận.
Ông Thổi lật đật nhỏm dậy vái chào thầy Thiện Không. Bọn trẻ ùa quanh ông nhưng thầy Thiện Không khẽ đưa ngón tay trỏ lên miệng, ra hiệu giữ yên lặng. Thầy Thiện Không nắm lấy bàn tay gầy guộc của Ông Thổi:
- Huynh sao rồi ?
- Dạ... con… À ! Việc quyên góp đúc chuông đã hoàn mãn chưa thầy ?
- Gần xong rồi, huynh à !
- Mô Phật !
Bọn trẻ yên lặng. Chúng nhận thấy Ông Thổi yếu lắm. Mùi bùn xông lên ngột ngạt khắp nhà. Nhưng lạ chưa, Ông Thổi và thầy Thiện Không vẫn thản nhiên như không.
- Mùi bùn khiến con nhớ đến bài ca Sen trắng lắm, thầy à !
- Lâu rồi huynh chưa được hát bài đó thì phải ?
- Cả hai thầy trò mình chứ !
- Ừ !
Ông Thổi quay xuống bọn trẻ:
- Các con hát bài Sen trắng đi !
Bài ca Sen trắng mà Ông Thổi vừa dạy bọn trẻ cách đây vài tuần, là một trong nhiều bài ca ông dạy kỹ lưỡng nhất. Ông đã tạo ra khung cảnh có một không hai cho bọn trẻ hoà mình vào bài hát. Đó là cho chúng thử tưởng tượng mình đang đứng giữa đầm sen thơm ngát. Khi tiếng ca cất lên làm xuất hiện những làn gió mát thật lớn nhưng mượt mà thổi bay hương sen khắp nơi. Tiếng ca không còn ngôn ngữ, không còn hiện hữu người hát hay người nghe. Tiếng ca là hương thơm của sen, là hương thơm trong trẻo mùa xuân tinh khiết. Sen trắng vang lên, tất cả đang mang trong mình thiên hình vạn trạng của đất trời bỗng phút giây quyện vào làm một…
Nghe lời ông, bọn trẻ đứng cả dậy, chúng đưa tay lên bắt ấn chào rồi hát cho Ông Thổi và thầy Thiện Không nghe. Thằng Trí đứng thật nghiêm, bắt giọng:
- “Kìa xem ...” hai ... ba ...
- Kìa xem đoá sen trắng thơm, nghìn hào quang chiếu sáng trên bùn ...
Bài ca được cất lên, đứa nào cũng rạo rực trong lòng. Có cái gì đó thiêng liêng lắm chạy ngang con tim bọn trẻ mà chúng chưa hề được lần nào như vậy. Bài ca như át hẳn mùi bùn, hương đạo thấm đẫm trong từng ca từ của Sen trắng như bung ra ôm chặt không khí nhà Ông Thổi.
Ông vỗ tay khen bọn trẻ hát hay, thầy Thiện Không vẫn luôn giữ một nụ cười đôn hậu trên môi. Ông Thổi chỉ bọn trẻ vào bếp lấy mấy cái bánh lá gai mà chia nhau ăn. Nhưng chúng ngồi xuống, lặng thinh. Đứa nào cũng muốn ngồi bên ông và kết thành vòng tròn nho nhỏ như mỗi buổi chiều ở cuối xóm. Ông Thổi nhìn sang thầy Thiện Không:
- Thầy à ! Việc con bàn với Thầy mấy hôm nay, Thầy tính chưa ?
- Xong rồi huynh ơi ! Tôi định chủ nhật tới sẽ chính thức đưa bọn trẻ này vào chùa làm chim Oanh Vũ. À ! Còn chuẩn bị làm lễ quy y cho mấy chú chim này nữa chứ !
Thầy Thiện Không và Ông Thổi cười thật to. Bọn trẻ thì nhảy cỡn lên :
- Con thích chim Oanh Vũ lắm !
- Con cũng thích nữa !
- Vậy là dòng chảy Lam này đã bắt đầu được liên tục rồi đó, phải không huynh ? – Thầy Thiện Không vỗ nhè nhẹ vào đầu bé Tâm.
Ông Thổi nhắm mắt lại. Mộng hay thực, sống hay chết không còn là nỗi trăn trở của ông nữa. Ông thấy màu lam là màu dễ hoà đồng nhưng không dễ biến tan. Bấy lâu nay, Lam sống ẩn tàng trong lòng dân tộc. Vượt qua mọi gian nan thời cuộc, mọi khốn khó dòng đời, Lam tự trở mình đứng dậy bước vào dòng chảy của vận mệnh dân tộc và đạo pháp.
Ông Thổi nhắm mắt lại, một hơi thở vụt bay. Trên môi, nụ cười còn phảng phất.
25/9/09
Ông Thổi
Posted by Unknown on 21:25
Giới Thiệu Blog Tình Lam
Nơi đây giao lưu kết nối anh chị em áo lam khắp mọi nơi.
Nơi cảm nhận những cảm xúc vui buồn của dòng máu Lam.
Nơi mang đến những nét đẹp của tình lam, cùng đồng hành sát cánh với anh chị em áo lam Quốc Nội & Hải Ngoại.
Tình Lam mong càng ngày phong phú hơn với các bài viết sưu khảo từ các nơi.
Xin hãy cùng chung tay chia sẻ với Tình Lam cho vòng tay thân ái luôn mãi kết chặt tình lam.
"Mỗi người là một cành hoa bay về đây góp gió
Làm thành vườn hoa,vườn hoa Tình Lam chúng mình"

Tình Lam rộng khắp bốn phương
Kết tình huynh đệ thân thương một nhà

Face Book
GĐPT Đức Tâm - BHD Gia ĐịnhGĐPT Đức Tâm - BHD Gia Định
GĐPT Đức Hoa - Gia Đình Phật Tử Đức Hoa - Gia Dinh Phat Tu Duc Hoa - Hoi Phat Giao
Error loading feed.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét