Câu chuyện lửa tàn (40)
Kính thưa quý anh chị,
cùng các em thân mến.
Đêm nay bên ánh lửa trại Đoàn tôi sẽ trải chân tình ra với các em trong câu chuyện lửa tàn này:
Ngày tôi nhận nhiệm vụ đoàn trưởng, anh Liên đoàn trưởng đại diện Ban huynh trưởng Gia đình dõng dạc nói giữa gia đình rằng: “Kể từ giây phút này tôi xin thay mặt tổ chức Gia Đình Phật Tử trân trọng đặt lên vai anh một trọng trách mà anh đã phát nguyện gánh vác trong đêm truyền đăng. Đó là trách nhiệm của một Đoàn Trưởng Thiếu Nam.” Tôi xúc động tận tâm can, tay tôi run run khi đưa ra nhận lấy ngọn cờ đoàn mà anh Liên đoàn trưởng truyền trao và tự hứa với lòng là sẽ cố gắng để giữ gìn và phát triển những gì mà hôm nay tôi được phó thác.
Lúc làm đoàn trưởng, cuộc sống rất khó khăn. Đã bao lần tôi cố gắng trở về tham dự trạc mạc, lễ lược gia đình với một tấm lòng nhiệt thành lý tưởng dù phải bận công tác xa thành phố – Có khi chỉ cần có mặt vài tiếng đồng hồ trong giờ phút trọng đại như lửa trại đêm nay mà đời sống riêng tôi thêm ấm cúng như lý tưởng đang trổ hoa. Làm công cho người lắm khi gặp cấp trên khắc nghiệt xúc phạm phẩm giá mình và mọi người. Riêng mình thì nhiều lần vui vẻ cam chịu hỷ xả, nhưng vì mọi người bị đối đãi bất công mà mình phải thay người lên tiếng nói lý lẽ với những ông chủ một cách ôn hoà mong họ vì tình người xét lại. Nhiều lần quyền hành và tiền bạc đã thắng, tôi phải vác đơn xin việc nhiều nơi. Có vài lần lý lẽ của chúng tôi thắng, cấp chủ chịu xem xét lại nhưng một số người đại diện trong chúng tôi cũng phải đội nón ra đi! Lúc đó tôi mới thắm thía nhân tình thế thái, mới thông cảm cho những bậc vĩ nhân như thánh Gandhi, mục sư Luther King, Bồ Tát Thích Quảng Đức…. đã đem thân mạng mình hy sinh chỉ để kêu gọi sự đối đãi sự công bằng – tự do – bình đẳng. Mỗi lần xin việc nơi nào tôi cũng hỏi Chủ Nhật có được nghỉ không! Nhiều ông trố mắt nhìn tưởng tôi là một tín đồ ngoan đạo - Chủ Nhật nghỉ phần xác đi nhà thờ. Tôi thẳng thắn trả lời trong lý lịch có ghi là Phật Giáo, thì họ tưởng Phật Giáo đồ chỉ đi chùa vào những ngày rằm, mồng một thôi, tôi giải thích Gia Đình Phật Tử của mình đi chùa vào ngày Chủ Nhật là thường xuyên. Nếu các em đã biết những tín đồ Thiên chúa giáo Chủ Nhật nghỉ đi nhà thờ; tín đồ Hồi giáo thường yêu sách chủ để nghỉ ngày thứ Sáu ăn chay, cầu nguyện thì tại sao chúng ta không thể nghỉ ngày Chủ Nhật để đi sinh hoạt! Mười năm, tôi tuân thủ nguyên tắc này và cuối cùng cũng gặp được ông chủ đồng cảm với tôi – đó là ngày tôi tự làm chủ trong công việc của mình.
Sau này, tôi mới thấm thía tinh thần của trại huấn luyện huynh trưởng A Dục – A Dục Vương, một ông vua bách chiến, một nhà chinh phục lừng danh, độc ác dã man không thể tưởng tượng. Nếu A Dục vương tiếp tục đi theo con đường chinh chiến và cảnh máu đổ, đầu rơi cứ tiếp diễn không ngừng như Thành cát Tư Hãn, như Tần Thuỷ Hoàng Đế, như Hitler, Phiệt Nhật… sẽ làm cho thế giới kinh hoàng – nhưng không! Ông đã đem niềm tin bá chủ – thái độ ngạo nghễ, hung hăng thay đổi 180 độ biến thành niềm tin mãnh liệt vào chánh Pháp và chuyển hoá tích cực cá tính bạo tàn thành thiện ái, từ bi – Pháp danh Thiện Ái Kiều Trần Vương có từ lúc Asoka buông gươm trên lãnh thổ Ka-Lăng-già.
Tuân thủ kỷ luật trại cũng như tuân thủ những nguyên tắc hợp lý do mình đề ra trong cuộc sống làm cho cá tính của mình trở nên mạnh mẽ, tự tin và quả quyết hơn lên. Ví dụ như ngày rằm, mồng một phải ăn chay thì mình tuân thủ triệt để nguyên tắc này, không để thịt cá ngon cám dỗ hay vì vị nể tình thân mà ngã mặn; trong giao dịch lấy chữ Tín làm đầu, đã hứa thì phải làm, phải đúng hẹn… lâu ngày vô hình trung ta đã thiết lập nên những vị trí tôn nghiêm bất khả xâm phạm trong tâm hồn mình. Mình đã tôn trọng mình không buông lung, giải đãi thì làm sao mà mọi người, nhất là đàn em không trọng mình được!
Làm Đoàn trưởng, như một người anh lớn trong nhà mà các em có thể tin cậy được. Các anh không thể là cây Tùng, cây Bách che chở cho các em khi bị những cơn bão đời gây ra những hoàn cảnh gia đình, học đường, xã hội bất ổn nhưng có thể cho em điểm tựa, cùng các anh chị em trong một Gia Đình Phật Tử có thể san sẻ, bao dung dang rộng đôi tay đón nhận các em trở về sống yên bình dù trong giây phút dưới một mái chùa, để chúng ta cùng an tâm tìm lại một hướng đi. Hướng đi đó chúng ta đã từng nghe nói đến nhưng đã bị cỏ mọc rậm rạp chặn đường kể từ ngay ta tiến sâu vào đường danh lợi, hay thường bị tham, sân, si quấy nhiễu làm mất tự chủ, bỏ quên những nguyên tắc tưởng chừng như bất di, bất dịch của mình.
Thói đời tranh nhau hơn thua, thiệt hơn không ai nhường ai - Bị chửi thì mình chửi lại; bị đánh thì mình đánh lại hay tìm mọi cách trả đũa cho thoả mãn thù hằn. Đó không phải là thái độ của Phật tử. Là Phật tử phải nhớ câu “Lấy oán báo oán oán chất chồng (oan oan tương báo), lấy ân báo oán oán tiêu tan” hãy lấy từ bi mà thắng bạo tàn, đó là lời Phật dạy – Nay là thời Mạt Pháp nên có khi chúng ta sơ xuất dễ dãi trong việc kiểm soát tự mình. Dứt khoát không bao giờ và không nên có những lời văng tục hay va chạm đi đến loạn đả trong Gia đình Phật Tử, trong Đoàn chúng ta. Không tuân thủ triệt để và cải sửa những hành vi này ngay lập tức chúng ta đã đánh mất sự vô nhiễm của huy hiệu Hoa Sen, chúng ta tự hạ thấp mình và làm mất thanh danh Gia Đình Phật Tử.
Thời gian tôi thụ huấn trại A Dục để biết cách làm Đoàn Trưởng, tuy chúng tôi học được trong gian khó rất nhiều điều quí giá nhưng không ai dạy chúng tôi cách làm Đoàn Trưởng của ngành Thiếu, Ngành Đồng, hay ngành Thanh cả. Tánh tôi thích trẻ em và có nhiều nghiên cứu về tuổi mới lớn để ứng dụng nhưng vì bản thân tôi hay hoạt động mạnh mẽ và năng nỗ quá nên Ban huynh trưởng điều tôi về Đoàn Thiếu Nam các em. Từ lúc đó tôi phải tham khảo nhiều và tự quán sát bản thân trong thời niên thiếu để gần gũi và đồng cảm với các em hơn.
Tôi nhớ trong các phương pháp giáo dục Gia Đình Phật Tử – Các em đang ở thời kỳ hoạt động hăng hái và lý lẽ sắc bén (Phương pháp lý giải và hoạt động). Nhiều khi các em hỏi mà bản thân tôi không thể trả lời ngay được – điều này không những không làm tôi hổ thẹn mà còn khích lệ cho sự học hỏi của mình. Thế tục thì học chuyên ngành, học ngành nào thì giỏi ngành ấy; hết đời này qua đời khác nếu mang được kiếp người thì cũng phải học lại – Phật đạo lấy Tuệ học làm sự nghiệp, hết đời này qua đời khác tuệ giác không bao giờ dứt mất – đạt được Pháp tánh Không tuệ như Phật mới thấu triệt toàn thể vũ trụ này. Các em muốn hiểu được điều này phải tu học và lập hạnh, lập nguyện không ngừng. Cuộc đời huynh trưởng như chúng tôi bây giờ phải trải qua 12 năm các bậc Kiên – Trì – Định – Lực không ngừng để tìm cầu đường Giải thoát ấy.
Con đường Giải Thoát chính là hướng đi duy nhất mà anh em chúng ta dày công khai phá hôm nay. Đừng bao giờ để cỏ hoang rậm rạp, dây leo chằng chịt che mất lối vào Đạo tâm trong hiện tại, như những lần ta quên mất hướng đi.
Nguyên Hoàng
theo (www.gdptthegioi.org)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét