Lễ trao giải viết văn tại Quốc nội
[Bài: Nón Tứ Ân, Ảnh: Diệu Trúc, Lưu Ly]
Lễ trao giải Thi Viết Văn tại Quốc Nội
Mùng 1 Tết Canh Dần vừa qua, Trang nhà GĐPTVN trên Thế giới đã công bố giải thưởng thi viết văn, nhằm phát huy năng khiếu văn chương qua việc thi viết văn bằng tiếng Việt dành cho đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam khắp nơi trên thế giới. Đồng thời, khuyến khích các em đoàn sinh ngành Đồng, ngành Thiếu sinh hoạt mạnh dạn hơn trong bộ môn Văn nghệ, Báo chí của Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Phần Thưởng Quốc Nội
Ngày 21 tháng 2, Ban Tổ chức đã phát giải cho các em ngành Đồng và ngành Thiếu tại Hoa Kỳ. Còn tại Quốc nội, khi hội đủ thuận duyên, Ban Điều hành Trang nhà GĐPTVN trên Thế giới mới cho tiến hành lễ trao giải, dưới sự điều phối và thực hiện chương trình của huynh trưởng Đặc phái viên cùng các phụ tá tại Quốc nội.
Lưu Ly đang dẫn chương trình
Lễ trao giải viết văn diễn ra tại chánh điện chùa Định Huệ, trú xứ của đơn vị Đức Huệ vào chiều ngày 14 tháng 3. Quang lâm chứng minh có sự hiện diện của Đại đức Thích Đồng Ấn, trụ trì chùa Định Huệ, cố vấn giáo hạnh GĐPT Đức Huệ. Về phía BHD Quốc nội có sự hiện diện của anh Nguyên Hoành Lê Văn San, Phó Tổng Thư ký BHD GĐPTVN trên Thế giới kiêm Tổng Thư ký BHD GĐPTVN. Về phía Ban Điều hành Trang nhà có các anh Đặc phái viên tại Quốc nội cùng các anh chị phụ tá.
Giới thiệu thành phần tham dự
Sau nghi thức niệm hồng danh Đức Bổn Sư và cử hành bài ca chính thức GĐPTVN, anh Đặc phái viên tại Quốc nội đọc lời khai mạc buổi lễ. Trong bài nói của anh nhấn mạnh đến “sân chơi” Trang nhà là mảnh đất trong sáng, hồn nhiên cho tất cả Lam viên trên toàn thế giới. Dù Trang nhà chỉ mới hoạt động trên 13 tháng, nhưng số lượt truy cập đã vượt ngưỡng 1 triệu 380 ngàn. Giải viết văn là cuộc thi dành cho các em đoàn sinh tham gia song được sự chú ý rất lớn từ các anh chị huynh trưởng. Chính những người anh người chị áo lam vun mầm cho đàn em, tạo điều kiện tốt nhất cho các em trổ tài, dù là những cây bút không chuyên, và thời lượng dành cho cuộc thi chỉ vỏn vẹn hơn 30 ngày.
Chào cờ Sen Trắng
Đại diện trang nhà tại Quốc Nội
Phần tuyên dương 3 cây bút nhỏ thật dễ thương được nêu lên giữa buổi lễ cho thấy các em dự thi không vì phần thưởng hấp dẫn, không vì được tiếng khen, mà nơi tự thân các em được thổ lộ, giải bày những tâm tư thầm kín lên trang giấy trắng. Tên các em được tuyên đọc một cách trang trọng:
Đoàn sinh đoạt giải
- Giải Nhất ngành Thiếu với bài dự thi “Hương tết”: em Nguyễn Thị Kim Ngân, pháp danh: Nguyên Nguyệt Giang, 16 tuổi, đơn vị Đức Hải thuộc BHD Gia Định.
- Giải Nhì ngành Thiếu với bài dự thi “Nhật ký một chiếc lá”: em Nguyễn Hương Trầm, pháp danh: Quảng Hiển, 18 tuổi, đơn vị Đức Chơn thuộc BHD Gia Định.
- Giải Nhì ngành Đồng với bài dự thi “Bao la lòng mẹ”: em Nguyễn Thị Hải Yến, pháp danh: Diệu Hoàng, 12 tuổi, đơn vị Thiện Hoa 6 thuộc BHD Quảng Đức (Sài Gòn).
Đọc lại những bài văn đoạt giải
Buổi lễ không còn là lễ nữa mà chỉ còn tâm tư nối liền tâm tư, cảm xúc gắn liền cảm xúc khi anh dẫn chương trình đọc lại vài đoạn trong những bài văn đoạt giải của các em.
Anh Tổng Thư Ký Quốc Nội (Phó TTK BHD GĐPTVN Trên Thế Giới) ban khuyến từ
Kim Ngân đưa người đọc trở về ký ức tuổi thơ với hương vị tết Việt không lẫn vào đâu được. Ngày nay, mọi người xô bồ chạy theo cái đích không định hướng, ngày tết vì thế có nhiều đổi thay. Nhưng “Cái hương Tết còn đậm đà hơn khi vào 30 tháng Chạp, lúc đó, người người ai cũng đón chờ thời khắc thiêng liêng, thời khác của một năm mới. Khi đồng hồ điểm 0h00, bao nhiêu cái rộn rã, cái tình của ngày Tết càng thấm hơn nữa. Mọi người trao cho nhau những lời chúc may mắn và trao nhau cái hương Tết đầm ấm. Hương Tết thật sự kết thúc vào tối mùng 1, rồi sau đó mọi người sẽ lại trở về với cuộc sống ồn ào, vội vã. Tôi nhớ anh tôi bảo, bên nước ngoài, người Việt mình đón cái Tết trong thiếu thốn và không được đầm ấm, đầy đủ như ở tại quê nhà. Cứ thế mà anh tôi khóc, tôi thương lắm. Tôi cảm ơn trời đất, đã cho tôi thêm một năm để sống, để yêu thương, và sống trong cái Tết tại quê hương của mình, để cảm nhận cái hương Tết đầy đủ nhất.”
Trao giải nhất Ngành Thiếu
Tinh tế và sáng tạo hơn, Hương Trầm ví von mình là một chiếc lá đung đưa trên cành bồ đề: Ngày đó, khi tôi chỉ là một chiếc lá bồ đề non, xanh mơn mởn và bé như nắm tay đứa bé lên ba, tôi đã rất thích thú cái không khí trong lành, mát mẻ và thanh tịnh, trang nghiêm nơi ngôi chùa thân thương này. Mỗi sớm mai thức giấc, tôi vươn mình đón lấy những tia nắng ấm áp đầu ngày, thỏa sức đung đưa trong cơn gió nhẹ mang theo hương trầm thoang thoảng, hay phút chốc lặng im chỉ để lắng nghe rõ hơn âm thanh quen thuộc của những bài kinh, câu kệ hòa trong tiếng chuông, tiếng mõ trầm bổng, nhịp nhàng từ xa vọng lại.
Trao giải nhì Ngành Thiếu
Rồi thì: Kể từ đó, mỗi sáng chủ nhật, tôi lại háo hức chờ đợi đến buổi sinh hoạt để được nhìn thấy đại gia đình áo lam quây quần. Không khí tĩnh lặng ban trưa ở chùa được lấp đầy tiếng cười nói rôm rã. Ông mặt trời dịu đi những tia nắng chói chang, gay gắt. Anh gió thổi từng luồng mát khe khẽ làm cây lá trong sân đung đưa xào xạc. Đàn chim non ríu rít chuyền cành, bác rùa lớn tuổi cũng len lỏi trồi lên mặt nước, giữa những chiếc lá súng xanh thẫm trong cái hồ nhỏ dưới chân Mẹ Bồ tát. Những người bạn thiên nhiên của tôi như cùng cất lên tiếng hát, trổi dậy sức sống mãnh liệt để vui niềm vui chung. Đáng yêu làm sao các em nhỏ đến chùa với gương mặt còn ngái ngủ, ngáp to hồn nhiên bởi giấc ngủ trưa ngon lành bị đánh thức. Có các em chỉ mới bốn năm tuổi đã được cha mẹ dẫn đến chùa sinh hoạt Gia Đình Phật Tử, nhưng rồi không chịu chơi cùng các bạn mà chỉ ôm lấy cha mẹ, nhõng nhẽo, mếu máo. Ở lứa tuổi lớn hơn một chút, tôi trông thấy các em đã biết tự lập, bớt hiếu động hơn và biết giúp đỡ lẫn nhau.
Trao giải nhì Ngành Đồng (Oanh Vũ)
Hải Yến thì ngây thơ với biển trời của tình mẹ. Cái cảm nhận của tuổi đang lớn vẫn hồn nhiên rất mực với trải nghiệm còn non nớt nhưng tuyệt đối trung thành với ý nghĩ mẹ là tất cả. Em viết:
“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình…”
Lời hát ấy luôn gợi nhớ trong em về tấm lòng người mẹ. Hình ảnh của mẹ lúc em mắc lỗi hay làm được việc tốt đã để lại trong lòng em những ấn tượng khó quên.
Chụp hình chung
Ôi! Lòng mẹ thật bao la, rộng lớn. Hôm đó là buổi chiều thu ảm đạm, em quên bẵng lời mẹ dặn mà theo mấy đứa bạn ở lớp đi chơi. Mải ham chơi nên khi về, thì trời đã nhá nhem tối. Không thấy mẹ ở nhà, em biết mẹ đã tất bật đi tìm em. Một lát sau, mẹ hớt hải chạy về, áo quần ướt sũng, khuôn mặt xương xương của mẹ tái xanh vì lạnh, vài sợi tóc loà xoà bên hai gò má. Trông mẹ thật lo lắng. Thấy em, mẹ vừa mừng vừa giận. Mẹ mừng vì em đã về nhà trước cơn mưa, mẹ giận vì em đi chơi mà không xin phép mẹ, lại về nhà tối. Mẹ không nói gì, nhưng đôi mắt thâm quầng của mẹ đã hiện rõ vẻ buồn phiền.
Đại diện Đoàn sinh đoạt giải phát biểu
Ba bài viết ở ba góc cạnh khác nhau của cuộc đời nhưng dường như chung một nhịp đập của con tim. Trái tim Lam của những người khoác áo lam. Không dài dòng ngữ nghĩa, phần cảm nhận xin dành cho người đọc.
Thầy chứng minh ban đạo từ
Anh Tổng Thư ký BHD Quốc nội tán thán Ban Điều hành Trang nhà đã tạo điều kiện cho những cây bút không chuyên, hay nói chính xác, những tiếng nói áo lam xích lại gần nhau hơn. Anh sách tấn đàn hậu học cố gắng không ngừng trên bước đường tu học. Lấy sân chơi Trang nhà để trau dồi bản thân, tự thăng hoa mình và cũng chính là thăng hoa Tổ chức.
Hồi hướng - Bế mạc
Phần thưởng được trao ngay sau lời huấn từ của anh Tổng Thư ký. Em Hải Yến, đại diện 3 cây bút đoạt giải phát biểu cảm tưởng: Em rất vinh hạnh được nhận giải Nhì viết văn, em rất bất ngờ với giải thưởng dành cho mình. Đó là sự động viên, khích lệ rất lớn từ các anh chị huynh trưởng trong đơn vị. Em cảm ơn các anh chị trong BHT Gia đình, các anh chị trong Ban Điều hành Trang nhà đã tạo điều kiện cho em dự thi. Em xin hứa sẽ cố gắng trau dồi đức hạnh, cố gắng tu học và sinh hoạt đều đặn để viết thêm nhiều bài viết về cha mẹ, về Gia Đình Phật Tử, về Tình Lam.
Trước khi kết thúc buổi lễ, đại đức chứng minh ban đạo từ. Thầy khẳng định: văn là người, viết văn là trau dồi đức hạnh cho con người. Giải viết văn là điều cần yếu trong giai đoạn hiện nay, khi mà đạo đức con người xuống cấp. Viết văn cũng là một nhịp cầu tri âm được nối kết giữa lòng người. Không quan trọng giải thưởng nữa, thi viết văn đã để lại trong chúng ta những nghĩ suy về tiềm lực, tiềm năng của tuổi trẻ trong GĐPT. Thầy hy vọng lần thi sau sẽ có nhiều quốc gia, châu lục tham dự và ngay tại Quốc nội sẽ có nhiều hơn các tỉnh thành tham gia. Như thế cuộc thi sẽ rộng trải, phổ biến đến từng địa phương có các Lam Viên.
Buổi lễ trao giải viết văn tại Quốc nội chấm dứt sau phần Hồi hướng thật trang nghiêm. Các anh chị em ra về mà lòng còn nuối tiếc: Phải chi cuộc thi sẽ kéo dài thêm nữa để toàn thể Lam Viên khắp thế giới có cơ hội trải rộng lòng mình ra giấy, để tâm tư, tình cảm của mình bay cao bay xa như tự thân Tổ chức Áo Lam của chúng ta, gắn kết keo sơn một thứ “tình” đặc trưng mà không một tổ chức nào có được: Tình Lam.
theo (www.gdptthegioi.org)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét