Kính thưa quý anh chị,
cùng các em thân mến.
Đêm nay chúng ta đang ngồi nơi khoảng trống giữa rừng sâu, chung quanh ta là thác suối đổ ra sông, là đồi cao rừng thấp, hang động, vực sâu… Tuy địa hình cây lá xòe tán trên cao rất tự nhiên nhưng đã có bàn tay con người tham gia sắp xếp lại sự trật tự dựa vào sinh thái thiên nhiên một thời bị hủy hại bởi chính bàn tay con người.
Đối với chúng ta rừng sâu không những hàm chứa nhiều bí mật mà còn là nơi có rất nhiều nguy hiểm vây quanh. Một con đỉa hay vắt bám chân, ve cắn vào tai không gây đau đớn ngứa ngáy chi, chừng phát giác ra chúng đã phình to ra vì no máu đã đủ làm cho chúng ta ghê người, huống chi sự độc hại của rắn, rít, bọ cạp, sâu bọ, côn trùng… Đó chỉ mới nói vài loại nhỏ nhoi chứ chưa nói đến các loài thú lớn như heo rừng, nhím, trút, cọp, beo, voi, chồn, sấu….
Tuy nhiên, chúng ta không phải là những nhà thám hiểm hay đi khai hoang chuyên nghiệp, chúng ta chỉ là những trại sinh chọn sống cùng thiên nhiên ngắn hạn nên đóng trại ở những nơi an toàn, càng đông càng phải cầm chắc sự an toàn mọi thứ từ nguồn nước, lương thực, hoàn cảnh ngày, đêm, ngủ nghỉ, hoạt động… nên rừng đối với chúng ta vẫn mãi là bí mật và hung hiểm chực chờ. Thế giới ngày nay đang ráo riết vận động cho một quả địa cầu sạch và xanh để bảo vệ từng hơi thở của chúng ta đang hít khí thải công nghiệp, khói máy bay, chất độc ô nhiễm không khí, nguồn nước càng lúc càng nặng nề hơn; hiệu ứng nhà kính nung nấu địa cầu cứ nóng dần lên; mưa bão xói mòn, sạt lở đất đai, ngập lụt đe dọa đời sống con người...
Rừng là thảm thực vật của những cây thân gỗ trên bề mặt Trái Đất, giữ vai trò to lớn đối với con người như: cung cấp nguồn gỗ, củi, điều hòa khí hậu, điều hòa nước, nơi cư trú động thực vật và tàng trữ các nguồn gen quý hiếm, quá nửa oxy - dưỡng khí mà sinh loại hít thở là do rừng tạo ra….
Chúng ta không được học kỹ lưỡng về năng lực của rừng có thể che chắn, bảo vệ chúng ta do cân bằng được sinh thái nên một thời gian dài vài mươi năm đã thẳng tay tàn phá những cánh rừng già thành trơ trọi; tài nguyên của rừng cũng mang về cho những người phá rừng những lợi lộc hết sức lớn nên dù có cấm đoán thì họ cũng “phá sơn lâm” không chút tiếc thương.
Nhân loại có thể mới biết sự quan trọng của rừng đối với cuộc sống khoảng hơn thế kỷ nay, nhưng hơn 2500 năm trước đức Phật và Tăng đoàn đã có cách nhìn và đối đãi với động thực vật khá nghiêm túc. Tại Bồ Đề Đạo tràng, Ấn Độ sau khi thành đạo tuần thứ hai đức Phật đã ngồi nhìn sâu vào cây Bồ Đề, nơi đã chở che suốt thời gian ngài vào đại định như để tri ân! (xem hình)
Về sau này các nghiên cứu về cuộc đời đức Phật cho thấy Ngài thị hiện các tướng dưới những cội cây Vô Ưu, Bồ Đề, Trúc Lâm, Am La, Sala song thọ… biểu hiện của sự tương quan sinh quyển mà đức Phật gọi là loài “chúng sinh vô tình” Các vị tỳ kheo cũng tránh dẫm đạp lên cỏ khi thiền hành. Có vị tỳ kheo bị cướp bắt trói vì chứng kiến họ đang hành động xâm hại của cải, trong bọn cướp có người hiểu chuyện nói chỉ cần trói nhà sư này bằng cỏ và đặt lên đám cỏ là nhà sư không chạy đi đâu được, quả thật vị tỳ kheo nằm không dám cục cựa vì sợ cỏ chết đến sáng, người ta đặt tên cho thầy này là “thảo phược tỳ kheo”.
Trong kinh A Di Đà có diễn tả nước Cực Lạc được che phủ bởi Thất trùng hàng thọ (số 7 bình phương) có thể đây là rừng cây trùng điệp xòe tán rộng che mát sinh quyển cõi nước tịnh độ. Nghĩ lại, nếu tâm chúng ta được thất trùng hàng thọ che mát như vậy sẽ hít thở được bầu không khí trong sạch; sẽ tránh được sự nóng bức của sân hận, sự lạnh lùng như băng giá của ngu muội, tham lam; có phải tự tâm, nơi ta đang đi đứng, nằm ngồi tại thế gian này chính là Tịnh Độ an lạc trong đời sống này!
Nguyên Hoàng
theo (www.gdptthegioi.org)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét