Thưa Anh Chị Em Lam viên bốn phương,
Anh Chị Em còn nhớ câu chuyện “bà già mu khóc” hay không? _ Có một bà già hay khóc, bị bà con chọc quê là “bà già mu khóc”; trời mưa bà cũng khóc, trời nắng bà cũng khóc. Một ngày kia 1 người khách hàng tò mò đứng lại hỏi: Bà cụ ơi! tại sao lúc nào cũng thấy bà khóc cả vậy? Bà già đáp: tôi chỉ có 2 cô con gái, cô chị bán giày vải và cô em bán dù; hễ trời nắng thì đâu có ai đến mua dù, tôi lo cô con gái thứ 2 của tôi sẽ đói còn trời mưa thì đâu có ai đến mua giày vải làm gì, tôi lại lo cô con gái đầu của tôi không có thu nhập, tôi khổ quá đi!
Người khách hàng nói, đó là tại bà cụ suy nghĩ tiêu cực mà thôi! Bà thử đổi lại, suy nghĩ như thế này: khi trời nắng, cô chị sẽ rất đắt hàng còn khi trời mưa thiên hạ sẽ đổ xô vào mua dù của cô em! Như vậy, trời nắng hay trời mưa gì, bà cụ cũng khỏi lo lắng khóc lóc chi cho mệt! Bà già nghe thích quá, từ đó bà không khóc nữa, trái lại cười tươi và vui vẻ suốt ngày.
Thưa Anh Chị Em,
Tất cả chúng ta đều có thể là “bà già mu khóc” mà không tự biết đấy thôi! !! Đó là chúng ta luôn có những suy nghĩ, cách nhìn rất tiêu cực, luôn đổ thừa cho hoàn cảnh, cho những người chung quanh đã làm hại chúng ta chứ không bao giờ ý thức được rằng chính chúng ta tự làm hại mình chứ không ai khác! Này nha, khi chúng ta buồn bực, giận hờn, sân si v.v.. thì những trạng thái ấy của Tâm luôn kéo theo những phản ứng vật lý của Thân: mặt đỏ hay tái đi, tim đập mạnh, hơi thở không điều hoà, giọng nói và lời nói không còn tự chủ đưọc v..v.. Tại sao? _ xin thưa, tại vì ngay khi chúng ta gặp một điều bất như ý bên ngoài (tác động lên Tâm) thì một cảm thọ khó chịu (khổ thọ) xuất hiện ngay trên Thân và SÂN chính là phản ứng chống lại cảm giác khó chịu đó. Nếu chúng ta học được cách làm thế nào để quan sát những cảm thọ trên Thân này với thái độ bình thản hay buông xả, không phản ứng lại, chúng ta sẽ giải thoát mình ra khỏi thói quen cũ là đùng đùng nổi giận, đập bàn đập ghế, la hét om sòm (sân). Những thói quen cũ chúng ta thường gọi là những “tập khí” không chỉ gồm sân hận mà cả khi vui mừng thái quá, nhảy nhót vì sung sướng, hạnh phúc, thắng lợi v..v.. cũng không hay! Chúng ta phải học phương pháp và thực tập quan sát mọi cảm thọ cả dễ chịu lẫn khó chịu (vui - buồn, hay- dở, tốt- xấu v.v..) một cách khách quan vô tư, giữ được thái độ buông xả và sự hiểu biết rằng các cảm thọ đó rồi sẽ qua đi vì mọi cảm thọ đều có bản chất vô thường, sanh diệt trong từng sát na; không có bất cứ một cảm thọ nào tồn tại mãi mãi được.
Những điều này tất cả anh chị em chúng ta đều đã biết và đã thực hành nhiều hay ít _ vì đó chính là sự thiền tập, giữ gìn chánh niệm, tỉnh thức hay quán chiếu thân tâm, tự soi rọi lại mình v.v.. chúng ta gọi bất cứ tên gì cũng được; đó là những thực tập từ đơn giản đến tỉ mỉ, từ thô đến tế, mà chúng ta đã thực hành và trao truyền cho nhiều thế hệ đàn em; đó cũng là Thiền trong đời sống 24/24 từ lúc:
Thức dậy miệng mỉm cười
24 giờ tinh khôi
Nguyện sống cho trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời
rồi:
Đánh răng và súc miệng
Cho sạch nghiệp nói năng
Miệng thơm lời chánh ngữ
Hoa nở tự vườn Tâm
Hay:
Chén trà trong 2 tay
Chánh niệm nâng tròn đầy
Thân và Tâm an trú
Bây giờ và ở đây
v..v..
Cứ như vậy, nếu tiếp tục duy trì việc quan sát các cảm thọ một cách buông xả, chúng ta sẽ thấy rằng sự giận dữ nổi lên càng ngày càng yếu đi và một ngày nào đó, Tâm chúng ta không còn nuôi dưỡng cảm giác giận dữ nữa; đó chính là cách tốt nhất để giải thoát bản thân mình ra khỏi 1 chất độc “giết người” (Tham, Sân, Si là 3 loại thuốc độc, không phải sao?)
Kính chào tinh tấn!
BBT (gdptthegioi.org)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét