Kính thưa quý anh chị,
Cùng các em thân mến.
Từ lúc gia nhập đoàn Oanh Vũ ở lứa tuổi ngành Đồng cho đến lúc lên đoàn ngành Thiếu, ngành Thanh chúng ta đã được học và đọc rất nhiều câu chuyện tiền thân đức Phật. Chuyện Tiền thân là những câu chuyện do chính đức Thích Tôn kể về những thân trước của Ngài giống như bao chúng sanh trầm luân trong ba cõi, sáu đường trước khi thành Phật.
Chúng ta nghĩ thế nào khi được học bài Chim Oanh Vũ Nhân Từ? Nhà vua vì bắt con chồn mà lệnh đốt rừng, muông thú mất chỗ dung thân tán loạn, chỉ chim Oanh Vũ nhỏ nhoi nhúng thân xuống dòng sông lấy nước cứu rừng. Câu chuyện rất đơn sơ và không tưởng, hồi nhỏ nghe qua rồi để đó không ngờ càng lớn khôn mới càng thấy ý nghĩa thật sâu kín khôn cùng.
Ngày nay nhân loại đang hô hào vận động bằng mọi cách phải bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên vì chính bản thân nó là một quần thể xã hội tương duyên nương náu vào nhau mà cộng sinh cùng vạn loại. Nếu một đóm lửa sân si có thể thiêu rụi cả rừng công đức thì tấm lòng nhân từ của chim Oanh Vũ nhỏ nhoi vẫn có thể xoa dịu những con tim ích kỷ, hận thù. Pascal từng nói: “Con người nhỏ yếu như những cây sậy - nhưng là những cây sậy biết suy tư”, nếu đem so cây sậy chúng ta với bầu trời này thì ta vẫn còn rất nhỏ hơn chim Oanh Vũ bay trong cánh rừng rộng lớn.
Thế nhưng con người nhỏ yếu đã vươn lớn đến vô cùng như đức Phật đã tự chiến thắng lấy mình và thấu triệt các nguyên lý vận hành tương duyên suốt tam thiên đại thiên thế giới hơn 25 thế kỷ trước; còn giới khoa học cũng đang dần dà chinh phục bầu trời, du hành nơi biển sâu, khai thác các sóng điện, từ trường, chuyển di âm thanh, hình ảnh… Ngày nay, ngay cả một em bé cũng có thể sử dụng những cellphone 3G nhỏ như cái hộp nhưng có thể nói chuyện và chuyển hình khắp nơi như ý muốn, có bao giờ nghĩ rằng cách nay năm, mười năm chuyện này là không tưởng đối với chúng ta!
Chuyện tiền thân đức Phật có nhiều: Chuyện sư tử Kiên Thệ, chuyện con voi hiếu nghĩa, chuyện con vượn chúa, chuyện Oanh Vũ hiếu nghĩa, con cá cứu đói dân làng, cùng với Đề Bà Đạt Đa làm 2 con rận trong áo nhà tu, chuyện làm con quỷ đốt than nơi địa ngục…. Lúc đương thời Ngài còn thấy con chó hung hăng giữ của là hậu thân của bà mẹ keo kiệt lúc trước…
Nếu chúng ta điều độ được ngũ dục, trong đó ăn uống là sự hưởng thụ hằng ngày thì sẽ thấy không nên lấy sự ăn thịt muông thú làm ngon. Đúng như chư Tôn Thiền đức đã nói: “nhìn trong bát canh thịt thấy có sự tương tàn, binh đao, chém giết trong đó”
“Thiên bách niên lai oản lý canh,
Oán thâm tự hải hận nan bình.
Dục tri thế thượng đao binh kiếp,
Thả thính đồ môn dạ bán thanh."
(mới đây có một câu chuyện của thầy Nguyên Tạng nói rất rõ vấn đề này)
Khi đặt những câu chuyện tiền thân vào chương trình học Phật, chư thạc đức rất tôn trọng sự tự do suy tư, tự do quán niệm của chúng ta nên chỉ đặt nặng phương châm: Từ Bi – Trí Tuệ – Dũng mãnh để giữ sự khách quan trong nghiêm mật tư duy và chánh tri kiến chứ không dụng giáo điều hay qui luật để khiên cưỡng chúng ta phải tuân theo.
Hôm nay đây có thể chúng ta đều hiểu rằng không nên xâm hại hay ăn thịt các loài khác nhưng vì tập quán nghiệp của mình còn nặng nên chỉ dừng giết hại và ăn những ngày Trai. Nếu chúng ta tinh tấn thêm hơn cho đến một thời khắc nào đó sẽ rời bỏ ngũ dục, tự ngộ, tự giác. Hôm nay ăn bát canh thịt còn thấy thơm ngon nhưng ngày sau sẽ thấy oán hận ngập trời và máu lửa binh đao… như chư Tổ đức đã dạy.
Nguyên Hoàng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét