Lá Thư Đầu Tuần (57)
Anh chị em Lam viên thân mến
Trong một lá thư trước đây, chúng tôi có phân tích để thấy nguyên nhân căn bản giúp cho tổ chức chúng ta qua bao nhiêu sóng gió vẫn tồn tại đến ngày nay, trong đó chủ yếu là tình thương. Chắc chắn ai cũng nhận thấy, chính tình thương là chất keo gắn bó chúng ta.
Nhưng rồi thực tế vẫn còn có một vài khúc mắc chưa “giải tỏa”, một vài nghịch ý chưa “đồng duyệt”, phải không? Phải nhìn vào sự thật, không hề gì đâu, “bát nằm yên trong sóng cũng có khi động” mà! Cũng trong một lá thư nào đó, chúng tôi có đề nghị: “Muốn thương nhau thật sự thì phải hiểu nhau, mà muốn hiểu nhau phải biết quán chiếu sâu. Có quán chiêu sâu mới có thể tha thứ cho nhau những lỗi lầm nho nhỏ. Ngay khi đánh giá đoàn sinh của chúng ta cũng vậy. Một đoàn sinh hung bạo với bạn nhưng ta có thể kết tội nhẹ hoặc chỉ khuyên nhủ, nếu ta thấy được nguyên nhân là vì bạn trêu chọc quá mức. (Ngược lại, có khi tìm hiểu rõ nguyên nhân tâm lý, chúng ta phải kết tội nặng, phải triệt để bài trừ, như nói dối với ý định bất chính, nói dối để thực hiện một mưu đồ tàn ác… dĩ nhiên phải khác xa với nói dối để đùa vui hay nói dối với một ý nghĩ thiện).
Tìm hiểu rõ nguyên nhân để đánh giá đúng đắn thái độ, hành động người khác là cách xử sự khéo của người Huynh trưởng. Suy ra những vấn đề khác cũng đều như thế. Khi quán chiếu sâu, chúng ta sẽ thấy anh em mình ai cũng dễ thương, nếu có đôi chút xích mích, đôi chút hờn mát thì chỉ là những gợn sóng lăn tăn trên mặt nước hồ thu phẳng lặng làm đẹp thêm cho mặt hồ mà thôi.
Trong mấy ngày Tết Nguyên đán vừa qua, trong số bạn bè đến thăm chúng tôi, có một đạo hữu, ngày trước rất siêng đi chùa lễ Phật và làm công quả nhưng gần hai năm nay không lúc nào bước chân đến chùa. Trong khi trò chuyện, tôi có hỏi: Sao độ này anh vắng đi chùa? Ông bạn đáp: “Ngán quá anh ơi, Ban Hộ tự thì mỗi người một ý, ai cũng muốn tỏ ra mình là người chủ chốt của chùa. Đạo hữu chuyện trò với nhau thì năm bảy ý tưởng khác nhau, chẳng biết đường lối nào là đúng, quý thầy thì giữ thái độ lặng thinh, không biết quan điểm của quý vị như thế nào để lãnh hội. Tôi lại hỏi: “Ngày trước anh đi chùa với mục đích gì mà rất siêng năng lại làm công quả đều đều vậy?” Anh ta đáp: “Lễ Phật, làm công quả cũng có phước lắm anh ạ, lúc ấy còn được học hỏi giáo lý, hầu chuyện với quý thầy, giúp mình thêm niềm tin, tỏ rõ lập trường. Tôi cười: “Vậy giờ thì đi chùa lễ Phật, làm công quả tạo chút phước cũng quý hóa lắm chứ sao! có gì đâu phải ngán.”
Một khách quý hơn cả là người bạn thân, một huynh trưởng thâm niên, Ban viên Ban Hướng dẫn Gia Đình Phật Tử một quốc gia ở Hải ngoại, sau một hồi chuyện trò thân mật vui vẻ, anh lại tâm sự: “Có lẽ rồi đây em sẽ xin rút khỏi Ban Hướng dẫn, trở về sinh hoạt với đơn vị của em thôi. “Tôi ngạc nhiên: “Sao vậy?” Anh thổ lộ: “Cứ mỗi người mỗi ý, mình đề nghị cái gì cũng lơ đi hoặc không sốt sắn thực hiện, làm sao cọng tác, làm sao phục vụ? “Tôi cười: “Vậy có khi nào em không nghe ý kiến của người khác không?” Anh đáp ngay: “Có chứ, bởi vậy em mới nói là “mỗi người mỗi ý”. Tôi nghĩ thầm: Sao không đưa ra trong buổi họp hoặc trao đổi với một số đông anh em để bàn bạc cho rốt ráo nhỉ, chúng ta có phép “ý hòa đồng duyệt” mà! Chỉ chuyện nhỏ vậy mà xẩy ra chuyện lớn sao? “Tôi lại cười và dịu dàng nói: “Vậy em trách ai? Em có thường xuyên theo dõi trang web Gia Đìn h Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới không? (www.gdptthegioi.org)
- Có chứ, ngày nào lại không đọc
- Em có đọc hết các Lá thư Đầu tuần không?
- Em không bỏ sót buổi Thứ hai nào
- Có một lá thư, tuần nào đó, anh không nhớ, nhưng có nêu nội dung “Tất cả cho sự hòa hợp” em có đọc không, đọc được mấy lần?
- Thì bài nào cũng đọc qua một lần.
- Em về chịu khó mở ra đọc lại nhiều lần, chắc chắn em sẽ nở nụ cười và không còn ý định rút khỏi Ban Hướng dẫn nữa. Em nhớ đọc cho được ba lần, bốn lần hoặc nhiều hơn nữa
Thưa anh em Lam viên,
Chúng tôi thấy bác đạo hữu cũng như anh huynh trưởng, bộc lộ rất dễ thương và rất chân tình. Vị đạo hữu thì không nói, nhưng anh Huynh trưởng ấy, cũng như tất cả anh chị em mình đây, cần phải biết quán chiếu sâu, không những quán chiếu tha nhân mà phải quán chiếu cả bản thân mình nữa và luôn luôn áp dụng “kiến hòa đồng giải”, “ý hòa đồng duyệt” thì dù đôi lúc có dậy sóng, cũng chỉ là những gợn sóng lăn tăn tô điểm vẻ đẹp cho mặt nước hồ thu mà thôi, chứ không thể trở thành sóng cuồng đâu!
Thân ái
0 nhận xét:
Đăng nhận xét