2/10/13
Đức Đạt Lai Lạt Ma viếng thăm Chùa Viên Giác
Posted by Unknown on 17:22
Nụ cười bất diệt
Có
người cho rằng tình yêu bất diệt, nếu lỡ đúng chắc của riêng ai chứ
không phải cho tôi. Hai chữ "bất diệt“ với tôi chỉ đúng với "Trái tim
bất diệt“ của vị Bồ Tát Quảng Đức vị Pháp thiêu thân và "Nụ cười bất
diệt“ của Đức Dalai Lama người được thiên hạ xem như vị Phật sống của
cõi Ta Bà.
Ngày xưa còn bé, tôi đã
ngưỡng mộ vị Dalai Lama đời thứ 14 này lắm rồi. Tôi theo dõi từng bước
chân Ngài trên bước đường tỵ nạn trên sách vở, báo chí, cả truyền thanh
lẫn truyền hình. Tài tử Hollywood nào đóng phim về Tây Tạng tôi cũng tìm
xem, hết Brad Pitt với "7 năm trên Tibet“ đến Richard Gere cổ quàng
khăn trắng, nét mặt hân hoan cười thật tươi bên cạnh "Nụ cười bất diệt“
này. Đấy là hình ảnh những "Siêu Sao" ngoài đời, chứ "Siêu Tăng“ trong
đường đạo chụp cùng Ngài tôi cũng đã xem qua rất nhiều, nhưng tôi vẫn
thích bức ảnh Thầy Nguyên Tạng rạng rỡ được Ngài cầm tay thân thiết tại
Dharamsala năm 2006. Với tôi huyền thoại về Ngài và xứ sở đau thương đầy
huyền bí của Ngài, cùng trường phái Mật Tông với những thần chú gần kề
tiếng Phật biến hóa khôn lường, đã khiến tôi khát khao được một lần diện
kiến Ngài và đặt chân trên xứ sở thân thương của Ngài trên xứ tuyết.
Mãi đến hôm nay duyên lành mới tỏ, khi
Hòa Thượng Sư phụ tôi loan báo tin vui cho các Phật tử chùa Linh Thứu
tại Berlin, trong ngày lễ hội Vu Lan tại chánh điện rộng lớn chật ních
cả người không chỗ chen chân. Đây là lần thứ hai Đức Dalai Lama đến nói
chuyện tại chùa Viên Giác, có lẽ do phước duyên của HT Phương Trượng với
Ngài nên hàng Phật tử Đức quốc chúng tôi mới dám hưởng theo, chứ theo
cái ông cư sĩ Tây Tạng trưởng ban tổ chức lo cho các chuyến đi của Ngài
thì chỉ có nước ngồi ở nhà rồi vặn TiVi lên xem tin tức, vì vé vào cửa
khá đắt lại bán hết sạch trước cả nửa năm. HT Phương Trượng còn gây cho
tôi một niềm tin khá chính xác thế nào cũng được vào Chánh điện để được
diện kiến và nghe vị Dalai Lama này giảng Pháp, là mỗi chi hội địa
phương sẽ được chia cho 5 vé vào Chánh điện chỉ dung chứa nổi dưới 4
trăm người. Phần còn lại sẽ chia đều dưới hội trường và ngoài sân ít
nhất cũng lên tới con số ngàn.
Phật
tử chùa Linh Thứu chúng tôi cùng các em trong Gia Đình Phật Tử Chánh
Niệm đã thuê đến 2 xe buýt, khởi hành từ chùa ra đi khi trời vẫn chưa
hừng sáng nghĩa là giờ gà vẫn chưa chịu gáy. Ngài giảng vào lúc 8 giờ 30
ngày thứ sáu 20 tháng 9 năm 2013 và chỉ tối đa 2 tiếng, nên xe phải
chạy lúc 4 giờ sáng mới mong đến kịp. Thế là "plan A“ đi theo chùa của
tôi phải hủy bỏ vì nhận được tin nóng bỏng của Ni Sư Huệ Châu, 5 vé vào
cửa phải bốc thăm vì số Phật tử thuần thành của chùa Linh Thứu quá đông,
ai dám tự nhận là mình thuần thành nhất đây? Theo "plan B“ tôi phải mua
vé xe lửa đến trước một ngày, phải dành chỗ ngủ cho mình và cho cả 3 cô
bạn Đạo ở các nơi trên xứ Đức cùng tụ về họp mặt tại chùa. Thiện Sắc và
tôi tức Thiện Giới đến nhà ga Hannover cùng giờ nên còn đủ thời gian
uống tách cà phê chờ Chúc Hảo rồi cùng nhau kiếm đường xe điện đến chùa.
Phần Thiện Tín theo vé xe lửa đi hai người của cô bạn cùng tỉnh sẽ đến
sau. Nỗi vui mừng của 4 Mệ bạn Đạo sắp được gặp nhau đầy đủ sau 10 năm
xa cách như trường hợp Chúc Hảo và Thiện Sắc, xét ra cũng đáng được lưu
tâm, không đến nỗi phải hát bài "10 năm không gặp tưởng tình đã… chết“.
Tình
cờ tại nhà ga Hannover, chúng tôi gồm 3 khuôn mặt ngơ ngơ ngáo ngáo tìm
đường đến chùa thì đụng phải ngay chị Thanh Thắng mới từ Hamburg xuống.
Gặp ai chứ chị này thuộc dạng thổ công kiêm thổ địa, ta cứ việc bám
càng thế nào cũng có đường tắt vào tận sân chùa. Kết quả hoàn toàn trái
ngược, hướng dẫn viên mất chánh niệm cho đi đường tắt vòng vòng xa gấp
ba đường thẳng. Đến cổng Tam quan chùa Viên Giác, bao nhiêu mệt mỏi vì
đói bụng và xách nặng đã từ từ tan biến, chúng tôi vội vã lên hướng
phòng Tổ để cất vali và tìm chỗ ngủ rồi xuống nhà bếp xin hóa duyên tìm
bữa cơm chay. Thay vì trước tiên phải vào Chánh điện lạy Phật thưa trình
với Ngài là con đã về, nhưng những người con của Phật như chúng tôi lại
áp dụng thuần thành câu nói của Ngài: Có thực mới vực được Đạo.
Chị
"Thủ kho“ nắm giữ chìa khóa bếp, nhận ra hai nhân vật nổi tiếng của
nhóm người đi tìm cơm từ xa đến (ý muốn ám chỉ Hoa Lan và "Ma Ma tổng
quản“ Thanh Thắng đấy), khe khẽ cầm chùm chìa khóa mở cửa bếp dặn thầm,
phải ăn uống kín đáo kẻo nhân viên kiểm tra của nhà nước Đức thấy, sự an
ninh của Đức Dalai Lama phải đứng lên hàng đầu, sau hai giờ trưa là
khóa sổ không được dọn cơm. Chưa bao giờ chúng tôi được ăn bữa cơm chùa
ngon và trong chánh niệm đến thế!
Để
bảo đảm an toàn cho những sống lưng của những đạo hữu lớn tuổi phải về
chùa ngủ lại trong tháng ngày đông giá, Thầy Hạnh Giới trụ trì chùa Viên
Giác đã đặt mua hàng trăm tấm nệm gấp lại thành giường. Chúng tôi
nguyên băng cộng lại cũng đến 6 người chiếm hết gần nửa căn phòng bên
cạnh phòng Tổ phía Tây Đường hay Đông Đường gì đó. Đang say sưa uống trà
ăn bánh ngọt mừng ngày hội ngộ, chị Nguyên Tuệ phòng bên sang chung vui
và nhắc chúng tôi xuống văn phòng gặp Thầy Hạnh Giới xin giấy vào cửa
cho sáng mai. Ôi! Vấn đề hơi nhức nhối đây! Lấy danh nghĩa gì để được
nhận vé đây?
Chị Thanh Thắng cũng
giống trường hợp tôi, tuy công đức vô vàn nhưng không thể đứng dưới ngọn
cờ chùa Bảo Quang Hamburg để xin vé, tuy nhiên danh hiệu "chuyên gia
nấu ăn cúng dường Trai Tăng“ của chị quá khét tiếng khiến Thầy Hạnh Giới
phải ghi ngay tên chị vào vé. Còn phần Thiện Giới thế nào? Có phải dùng
miệng lưỡi gãi đầu gãi tai xin vé hay không? Xin thưa với các bạn là
không! Do chính nhờ lá mail của ông Phù Vân, chủ bút báo Viên Giác có
đoạn như sau: "Ban Biên Tập báo Viên Giác được 5 vé vào Chánh Điện, anh
sẽ dành một vé cho Hoa Lan". Trời ạ! Từ lúc viết cho báo Viên Giác đến
giờ cũng đã khá lâu, chưa bao giờ tôi xúc động và có niềm vui khó tả
lâng lâng đưa vào tận giấc ngủ như lần này.
Cái
đám bạn Đạo còn lại của tôi tuy biết thân biết phận chỉ dám đứng ngoài
cổng chờ Ngài đi qua, may lắm thì được Ngài cầm tay hay xoa đầu là đã
mãn nguyện lắm rồi. Nhưng tinh thần Bồ Tát đạo của tôi nổi dậy, ta không
thể một mình vào Chánh điện để các bạn Đạo của ta dầm mưa giá lạnh
ngoài trời. Ta phải tìm cách tranh đấu cho họ. Màn này hơi khó đấy! Làm
sao Thầy Hạnh Giới có dư vé để cho hết các vô danh tiểu tốt như Chúc Hảo
đây. Ấy thế mà chúng tôi được tất cả đó. Các bạn hãy bình tâm nghe tôi
kể từng trường hợp với từng công hạnh tu tập của họ.
Sau
khi tôi trở về chỗ ngủ với tấm vé vào cửa có hình Đức Dalai Lama và tên
họ của tôi bên dưới, tôi không dám đắc thắng khoe khoang chỉ khuyên mọi
người nên đến văn phòng chầu chực năn nỉ Thầy Hạnh Giới, biết đâu có
hội đoàn nào không đủ người tham dự. Nghe cũng hợp lý, cả bọn kéo nhau
đi đòi nợ vé khiến Thầy Hạnh Giới phải vò đầu bức tai. Thiện Tín kể, nếu
Thầy có tóc chắc đã rụng khá nhiều. Thiện Sắc nhờ trồng sâu căn lành
chuyên gia làm dự án trồng lúa và thuốc sốt rét cho Phi Châu, nên được
vé đầu tiên khi Thầy hỏi: Chị ở chi hội nào? Và tra trong danh
sách chi hội Karlsruhe chỉ có ghi danh 4 người. Thiện Sắc cầm vé hớn hở
rút lui có trật tự trước cặp mắt bi ai và ganh tị của những người ở lại.
Chúc Hảo tuy hay ghiền phim bộ nhưng công năng trì Chú Đại Bi của cô
nàng là số một, nhớ ngày nào Thầy trụ trì chùa Giác Uyển đã khuyên nàng
nên trì mỗi ngày 100 biến cho đủ 100 ngày sẽ thoát nạn. Nạn đây là tù
tội và bệnh tật sau những lần vượt biển không thành. Chúc Hảo dùng kế
của Thiện Sắc để mè nheo:
- Thưa Thầy, chỗ con ở quá nhỏ rất ít người Việt, làm sao có hội đoàn hay chùa chiền để ghi tên.
Thầy nghe xong cũng tội nghiệp, hay bị thần lực của Chú Đại Bi, cũng lôi vé ra đề tên cúng cơm của cô nàng vào.
Chỉ
còn sót lại Thiện Tín và cô bạn "Hình Sự“ Tâm Lung Lay gì đó là chưa
biết dùng chiêu nào. Họ đi từ miền Nam xứ Đức thuộc chi hội của Sư Bà
Như Viên đã quá tải dư người. Nghe Chúc Hảo trước khi rút lui cho cẩm
nang là hãy niệm Quán Âm, hai nàng này tin răm rắp niệm đến lúc phát
sinh trí tuệ mới nhớ ra một tỉnh gần Hannover chưa có hội đoàn hay chi
hội, nơi mẹ của “Hình Sự" đang sống đó là Kassel. Thế là Thiện Tín nhập
bọn với gia đình cô bạn đại diện cho "chi hội ma Kassel“ ngồi trong
Chánh điện nghe Đức Dalai Lama thuyết Pháp. Thiện Tín là người hay tham
dự những khóa tu Phật Thất của Thầy Hạnh Giới từ 3 ngày đến 7 ngày hay
nghiêm mật, chỗ nào cũng có mặt nàng.
Người
xưa có câu "Có an cư mới lập nghiệp“, chúng tôi phải đổi lại là “Có vé
trong tay mới ngủ ngon". Thiện Tín và tôi đem máy hình ra chụp tấm vé để
làm kỷ niệm, vì nghe tin hành lang là vé sẽ bị xé làm sao về khoe với
bạn bè ở nhà được. Chúng tôi ráng ngủ sớm để chờ một ngày mới trọng đại
trong đời được gặp vị Phật sống. Nhưng riêng phần tôi thức khuya quen
nên lên Chánh điện xem thiên hạ trang hoàng hoa trái, sắp xếp chỗ ngồi.
Một chị ở xa than phiền người phụ trách cắm hoa sao chỉ dùng nhiều màu
trắng, không thêm hoa đỏ hoa vàng như thông lệ. Đây mới chính là mấu
chốt của những xung đột thường xảy ra trong chánh điện hay trong nhà
bếp. Biết đâu người cắm hoa lần này chỉ cắm riêng theo sở thích của Ngài
Dalai Lama dùng hoa trắng cho hợp với chiếc khăn quàng màu trắng của
Ngài.
Theo thông lệ đến chùa, cứ 5
giờ sáng chúng tôi thức dậy sửa soạn buổi Công Phu Khuya, ăn sáng thật
nhanh để còn chuẩn bị vào Chánh Điện đón Ngài. Mới bảy rưỡi sáng chúng
tôi đã xếp hàng dưới chân cầu thang đứng chật cả lối đi, ai cũng mong
vào sớm dành chỗ tốt ngoài bìa để Ngài khi đi ngang sẽ cầm tay hay xoa
đầu với bàn tay Quán Âm dịu dàng để ban phước.
Cho
dù ai kia có chen lấn đòi ra hàng đầu cũng không thoát được rào cản của
hàng rào các em Gia Đình Phật Tử đến từ các chi hội khắp nơi. Rồi tiếng
chiêng trống Bát Nhã vang rền xóa tan bao chờ đợi mỏi mòn, dấu hiệu
Ngài đã đến trong sân Chùa. Tiếng niệm Phật vang vang quyện vào tiếng vỗ
tay hân hoan khi phái đoàn gồm nhà báo, ban cung thỉnh của chùa Viên
Giác và Ngài với nụ cười nhân hậu đã giơ tay vẫy chào những người đang
reo hò ngưỡng mộ.
Khi Ngài đã ngồi
yên trên pháp tòa, đấy chỉ là chiếc ghế dài đơn sơ trên phủ một lớp vải
lụa thêu thùa và màu sắc đặc thù Tây Tạng, Phật tử Việt Nam bắt đầu bằng
bài Kinh Bát Nhã và Ngài tụng tiếp theo một đoạn kinh ngắn bằng tiếng
Tây Tạng. Sau phần nghi lễ Ngài giảng về Tánh Không của Kinh Bát Nhã
bằng tiếng Anh, Thầy Hạnh Giới thông dịch ra tiếng Việt một cách trơn
tru và dùng từ thật chính xác như một bài thuyết pháp của chính mình.
Những điểm nổi bật trong bài Pháp như:
. Đạo Phật rất khoan dung và độ lượng, tha thứ trong tinh thần từ bi hỷ xả.
. Người nào cũng thành Phật.
. Đền thờ linh thiêng nhất là trong tâm.
. Tụng kinh, nghi lễ cũng cần thiết nhưng cần thiết hơn là học giáo Pháp.
Sang
đến phần vấn đáp cũng có nhiều bàn tay giơ cao lên hỏi, tôi chỉ ghi lại
2 câu tâm đắc mà thôi. Có người hỏi về thời mạt pháp, theo Ngài Phật
Pháp không bao giờ mạt, chỉ có con người không chịu học Phật, cách sống
suy đồi, sống không đạo đức rồi mạt mà thôi. Một câu hỏi khác về tái
sanh, tại sao Ngài tuyên bố đây là kiếp cuối cùng Ngài sẽ không tái sanh
nữa? Đức Dalai Lama của chúng ta cười thật tươi trả lời rằng: Có chứ,
sự tái sanh của Ngài sẽ do người Tây Tạng quyết định. Cũng có thể Ngài
sẽ tái sanh tại Ấn Độ hay Ai Cập và biết đâu không là Việt Nam. Ngài có
những giấc mơ như đang thấy mình ở trong nhà tù của xứ Ai Cập.
Nhìn
đôi bàn tay của Ngài tôi thấy có sự khác biệt, bàn tay phải với cánh
tay trần là bàn tay dịu dàng của Quán Âm để cứu độ chúng sinh, bàn tay
trái là bàn tay đời thường để thực hiện những hạnh nguyện của Ngài trong
đời tái sinh này. Cảm nhận của tôi được trải dài theo những dòng chữ
như sau: Đó là một ngày hạnh phúc mỹ mãn cho cả cuộc đời, đã gặp một vị
Phật tái sinh giống như ước nguyện lúc lâm chung được Phật tiếp độ. Ngay
trong lúc sống còn mang thân tứ đại đã được thở cùng với Ngài trong
ngôi Chánh Điện trang nghiêm. Cái nguyện được Quy Y Phật, Quy Y Pháp và
Quy Y Tăng trong đời này càng kiên định hơn, nên mới được nhân duyên và
phước lành để gặp Ngài. Qua Ngài tôi đã được tiếp cận một vị Phật ngay
trong cõi Ta Bà này. Ngài truyền cho chúng ta một năng lượng và cảm hứng
để quyết tâm thành Phật, để tự giải thoát và độ trì chúng sinh. Nương
theo lời nguyện hằng ngày của Ngài và nhất tâm chú nguyện với Ngài:
"Nguyện
rằng suốt đời tôi, từ bây giờ cho tới mãi mãi sẽ là người che chở cho
những người không được chở che, là người hướng dẫn cho những ai lạc lối,
là chiếc tàu cho người vượt biển, là chiếc cầu đưa người sang sông, là
nơi trú ẩn che chở những người bị hiểm nguy, là ngọn đèn cho người không
ánh sáng, là nơi nương náu cho người không nhà và là người phục vụ cho
những ai cần đến“.
Hoa Lan - Thiện Giới. Mùa Thu 2013.
Giới Thiệu Blog Tình Lam
Nơi đây giao lưu kết nối anh chị em áo lam khắp mọi nơi.
Nơi cảm nhận những cảm xúc vui buồn của dòng máu Lam.
Nơi mang đến những nét đẹp của tình lam, cùng đồng hành sát cánh với anh chị em áo lam Quốc Nội & Hải Ngoại.
Tình Lam mong càng ngày phong phú hơn với các bài viết sưu khảo từ các nơi.
Xin hãy cùng chung tay chia sẻ với Tình Lam cho vòng tay thân ái luôn mãi kết chặt tình lam.
"Mỗi người là một cành hoa bay về đây góp gió
Làm thành vườn hoa,vườn hoa Tình Lam chúng mình"
Tình Lam rộng khắp bốn phương
Kết tình huynh đệ thân thương một nhà
0 nhận xét:
Đăng nhận xét