Thưa Anh Chị Em Áo Lam, Chúng ta thường bảo nhau rằng: làm Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử không có danh, không có lợi, nghĩa là không có danh vọng địa vị gì hết nên chúng ta không ai ham danh cả; muốn có danh thì đến chỗ khác mà tìm. Có người đem ý này nói với một vị Thầy và vị Thầy giảng cho đệ tử mình như sau: Con nói như vậy là không đúng, tham danh không có nghĩa là tham một chức tước, một địa vị … trong xã hội hay trong tổ chức … mới gọi là tham. Tham danh nói chung là ham được người ta kính trọng, để ý. Đó là chưa kể những người tự thấy mình có một ưu điểm gì đó mà thiên hạ không biết tới, thì họ sẽ thỉnh thoảng “la” lên những câu rất kỳ cục, nhiều khi tưởng là “vô duyên” nhưng thật sự là có lý do riêng của nó! Đừng nói gì một người lớn, mà một đứa bé thôi, nếu nó đã biết đi biết nói, hiểu được ít nhiều câu chuyện của cha/mẹ/ông/bà nó … thì khi người lớn nói chuyện với nhau mà không để ý gì đến nó, nó sẽ phản ứng bằng cách nói to lên 1 mình hay phá phách cái gì đó để gây chú ý, để nhắc người ta là “có tôi ở đây nè! Sao không để ý gì đến tôi hết vậy?” … Rồi Thầy kể cho nghe câu chuyện vui sau đây: Có một anh chàng kia vừa may được một chiếc áo mới, anh ta mặc vào rồi từ sáng sớm đã ra đứng ở ngã ba đường, nơi khu phố anh ta ở, hy vọng thiên hạ đi qua đi lại sẽ phải chú ý đến chiếc áo đẹp bằng hàng vải quí giá của mình. Thế nhưng người đi đường hầu như không ai để ý đến anh ta chứ đừng nói là để ý đến cái áo anh đamg mặc! Mãi đến trưa mới có một người chạy hớt hơ hớt hãi suýt đụng vào người anh ta và hỏi rằng: “cậu có thấy con heo của tôi chạy ngang qua đây không?” Anh ta được dịp nói: “kể từ khi tôi mặc chiếc áo mới này ra đứng ở đây, tôi không thấy con heo nào đi ngang qua đây cả” !! Chúng ta thấy rõ rằng: vừa thất vọng vừa bực bội, nhưng câu trả lời vẫn phảng phất bóng dáng cái áo mới chứ không thể thiếu được! Nghe câu chuyện này, chúng tôi nghĩ rằng anh chàng kia không hẵn là ham danh (mặc dù nguồn gốc là muốn được người khác chú ý đến mình, khen chiếc áo của mình…) mà là một dạng của kiêu _ kiêu mạn. Kiêu là tự hào, hảnh diện về cái gì mình có mà người khác không có, về tài sản, sắc đẹp, kiến thức, thông minh, tài năng, bằng cấp, sáng tạo v.v.. Kiêu là một trong 10 thứ phiền não (tùy phiền não _ Tiểu tùy), nghĩa là một loại tâm sở bất thiện làm Tâm bị ô nhiễm. Anh Chị Em chúng ta có thể cũng bị cái tật xấu như anh chàng kia nhưng kín đáo tế nhị hơn, và người khác có thể không nhận ra được. Tuy nhiên, bản thân chúng ta khi nhìn sâu vào Tâm mình, soi rọi lại mình thì nhất định sẽ nhìn thấu suốt tâm can mình, hiểu được Tâm mình đang bị nhiễm ô bởi cái gì thì mình sẽ tập trung vào, tinh tấn trừ bỏ tính xấu ấy, đó chính là TU vậy! Nhân tiện đã “phân tích tâm lý” tức là nói đến Duy Thức (Tâm lý học Phật giáo), Nhóm Áo Lam xin đề cập đến một câu hỏi của 1 Huynh trưởng khi học về những tâm sở bất định: “tại sao gọi đó là những tâm sở bất định”? _ Xin thưa, vì những tâm sở ấy có khi là thiện có khi là bất thiện nên gọi chung là “bất định”. Thật vậy, 4 (bốn) tâm sở bất định là: Hối (hối hận, hối tiếc ..), Miên (buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật …) Tầm (tìm kiếm, tìm cầu ..) Tư (suy xét, nghiên cứu…). Tại sao “hối” có khi là thiện có khi là bất thiện? _ Nếu hối hận ăn năn sau khi phạm 1 lỗi lầm thì đó là thiện; trái lại nếu sau khi làm một việc thiện xong rồi hối tiếc (tiếc của, tiếc công v.v..) thì tư tưởng này là “bất thiện” _ Miên cũng vậy, nếu làm việc mệt cả ngày, tối về buồn ngủ, lên giường ngủ hay ngồi ngủ thì không sao nhưng nếu là giờ học mà ngủ gục hay ngáy to trong lớp học thì nhất định là không phải “thiện” rồi! ! “Tầm” là thiện khi mình tìm hiểu một vấn đề gì có ích lợi còn khi mình tìm kiếm kiểu “bới lông tìm vết” để chê bai người khác thì đó là bất thiện. “Tư” là thiện khi mình suy xét nghiên cứu hay suy tư về một vấn đề xã hội, về một bài Kinh, về một bản văn v.v.. nhưng nếu vì đố kỵ, ích kỷ mà xen vào những chuyện riêng của người khác để gây bất lợi cho họ thì đó là bất thiện. Thân kính chúc Anh Chị Em “một ngày như mọi ngày,” an lạc và thảnh thơi. Trân trọng, Nhóm Áo Lam |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét