Trong Kinh tạng Pàli, Đức Phật thường nhắc đến bốn hạng người sống trong cuộc đời này:
Hạng thứ nhất: tự làm khổ mình, chuyên tâm làm khổ mình
Thứ hai, hạng làm khổ người, chuyên tâm làm khổ người
Thứ ba, hạng vừa tự làm khổ mình, chuyên tâm làm khổ mình, vừa làm khổ người, chuyên tâm làm khổ người.
Thứ tư, không tự làm khổ mình, không chuyên tâm tự làm khổ mình, cũng không làm khổ ngừoi, không chuyên tâm làm khổ người.
Nhận xét và phân loại của đức Thế Tôn, mặc dù cách đây đã hơn 25 thế kỷ vẫn còn đúng _ dù trong xã hội nào, thời đại nào.
Hạng thứ hai là những người chuyên gây đau khổ cho người khác, lấy đó làm niềm vui, nỗi thích thú của mình; cụ thể trong lịch sử Việt nam thì có Vua Lê Ngoạ triều (Lê Long Đỉnh) ưa róc mía trên đầu mấy vị thầy chùa để thấy máu chảy chơi! Còn trong lịch sử nhân loại thì có Néron, 1 ông vua tàn bạo của đế quốc La Mã thời xưa, thả tử tù vào chuồng sư tử để tù nhân bị sư tử ăn thịt, kêu la thảm thiết, nhà vua ngồi cười hả hê! Đức Phật còn kể đến những người đồ tể (giết trâu bò), những người đao phủ, những người buôn bán khí giới …. Thời đại này có lẽ phải kể thêm những người chế tạo vũ khí hạt nhân nữa! Ngoài ra, thời đức Phật còn tại thế chưa có internet, nếu không chắc đức Phật còn kể thêm vào hạng người này những ai dùng ngòi bút, lên trên net để vu khống, mạ lị, chụp mũ v.v.. người khác; cái này gọi là “giết người không cần súng đạn, gươm dao”
Hạng thứ ba là những ai vừa tự làm khổ mình vừa làm khổ người; đó là trường hợp của những người ghét nhau, thù nhau mà phải ở gần nhau, phải gặp nhau mỗi ngày v..v.. người ta thường gọi là “oan gia ngõ hẹp” hay là “oan gia tụ hội”. Đây là trường hợp của những cặp vợ chồng, của hai cha con, hai mẹ con, hai anh em ruột v..v.. 2 người theo lẽ thường phải thương yêu nhau nhưng trên thực tế thì lại “khắc” nhau, coi nhau như hai kẻ thù địch! Họ trả thù nhau, gây đau khổ cho nhau và chính họ cũng cảm thấy đau khổ! Điều này nếu không dùng “ác duyên, ác nghiệp” trong nhiều đời nhiều kiếp (mà trí óc bình phàm của loài người không hiểu được) để giải thích thì … chịu thua thôi!
Hạng thứ tư bao gồm những người không tự làm khổ mình hay làm khổ người khác. Đây là hạng người lành mạnh, không mang những tâm bệnh của 3 hạng kể trên. Họ sống với các căn thanh tịnh, không tham dục; họ sống trong tỉnh giác; đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, yên lặng … họ đều biết rõ và giữ gìn các nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh.
Thưa Anh Chị Em Áo Lam,
Chúng ta để ý rằng trong 4 hạng người trên đây, chưa nghe đức Phật nhắc đến hạng người “làm lợi mình lợi người” _ Đây là điều đáng cho ACE chúng ta suy gẫm. Thật vậy, Chỉ một hạng người “không làm khổ mình, không làm khổ người” đã là quá quý quá hiếm trên đời này rồi! Muốn làm hạng người này nghe qua thật giản dị nhưng thực tế vô cùng khó khăn. Bởi vì muốn BIẾT RÕ thế nào là “không làm khổ mình, không làm khổ người” chúng ta cũng phải thật tỉnh táo, phải sống với các căn thanh tịnh, phải có sự tỉnh giác … lúc bấy giờ mới có đủ trí tuệ để hiểu thế nào là thiện hay bất thiện, nên hay không nên v.v.. nếu thiếu tỉnh giác thì có khi những việc chúng ta nghĩ là Phật sự sẽ trở thành Ma sự hết! Xin ACE quán chiếu sâu vào điều này để được ở vào hạng thứ tư theo nhận xét của đức Phật.
Sống giản dị quả thật là rất khó; Tây phương cũng có câu: “Hãy sống và để cho người khác sống với” (“Live and let live”) bởi vì đôi khi chúng ta tưởng GIÚP ai đó, hoá ra là HẠI họ vì mình làm việc thiếu tỉnh giác, thiếu suy nghĩ, quá hấp tấp, bồng bột, phấn khích v..v..
Thân kính chúc ACE thân tâm đều không bệnh, sáu thời đều an lạc, thảnh thơi.
Trân trọng,
Nhóm Áo Lam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét