Vua Lương Võ Đế hỏi Tổ Bồ Đề Đạt Ma: Trẫm làm rất nhiều việc có ích lợi như xây chùa tháp, độ Tăng .. như vậy có công đức nhiều không? Tổ đáp: không có công đức. Nhà vua rất bất mãn và không cho Tổ đi truyền đạo trên đất nước Trung Hoa v.v.. Đó là thắc mắc của Vua LVĐ, còn ACE chúng ta thì sao?
Kinh Kim Cang có dạy: “…Đối với các pháp, nên không có chỗ trụ mà làm việc bố thi. Chẳng trụ nơi Sắc mà bố thí, chẳng trụ nơi Thanh mà bố thí… bố thí như vậy thì phước đức có được sẽ vô cùng lớn”.
Khi đọc đến đây, vài ACE trong chúng ta thắc mắc rằng: Phần nhiều bố thí là bố thí tiền bạc, áo quần, thuốc men, thức ăn v.v... tất cả đều là “sắc” chứ sao đức Phật lại dạy là đừng trụ vào sắc mà bố thí? Những thứ này không phải là “sắc” hay sao? Lại nữa, khi bố thí thì phải nói, phải giải thích, v.v… chứ làm sao mà không trụ vào (âm) thanh đuợc?.
Bố thí không trụ vào sắc có nghĩa là bố thí mà không dính mắc, không cố chấp (“bố thí” là “cho” là xả, còn “trụ” là bám víu, dính mắc, chấp thủ).
Thật vậy, khi CHO - bố thí - là cứu giúp, cứu khổ, cứu trợ v.v… những người đang thiếu thốn, đang đói lạnh, đang đau khổ đang cần sự giúp đỡ của mình; mình đem CHO họ cơm áo, gạo, tiền, thuốc men… với tình thương vô điều kiện (unconditional Love) không so đo tính toán, không cần báo đáp, không phô trương, không quảng cáo, không chê bai những ai không có điều kiện để bố thí giống như mình, không phê phán người này người kia không làm cùng lúc với mình hay cùng phương cách như cách của mình v.v... tất cả những điều này đều là “trụ” vào hình tướng và âm thanh. Cho mà còn ham được khen, được tán thán công đức, ai chưa kịp làm như mình thì mình phê bình là chậm chạp, là thờ ơ, rồi mình thất vọng, mình phiền não… đủ thứ chuyện hết!!! như vậy là bố thí chưa đúng cách, vì còn cố chấp dữ quá! Cũng giống như mình ăn chay rồi chê những người không ăn chay vậy đó!
Xin kể ACE nghe câu chuyện bố thí cúng dường để từ đó chúng ta rút ra được những bài học hay: Đại sư Nhất Cư (Nhật) là một thiền sư lỗi lạc, được Đại chúng trong Chùa kính nể. Một hôm có một vị quan lớn mời đại diện chư Tăng của Chùa đến dự tiệc tại nhà mình. Chùa cử đại sư đi. Khi Sư đến, những người gác cổng thấy Sư ăn mặc xuề xoà, nghĩ rằng không phải khách quí, không cho vào cửa. Sư trở về chùa, thay bộ y áo mới, đến nơi dự tiệc liền được kính cẩn mời vào. Trên bàn tiệc, Sư không ăn, chỉ lấy thức ăn và cơm bỏ vào trong tay áo tràng… Chủ nhân thấy vậy thưa rằng: Bạch đại sư, xin mời đại sư dùng cơm, chốc nữa ăn xong, chúng tôi sẽ có phần cúng dường Sư đem về. Sư cưòi trả lời: Ta đang cho cái áo ăn đó chứ! các ngài mời cái áo chứ đâu có mời ta! Chủ nhân hiểu ra, cúi đầu đảnh lễ sám hối!
Thưa Anh Chị Em,
Bố thí, cúng dường, cho, tặng, cứu trợ v.v.. đều nói lên ý nghĩa của sự “cho” _ mà cho là cốt ở tấm lòng _ nếu cho mà phô trương, hay có ý mong cầu được trả lại, được đền đáp hay được Trời Phật “bao che” hay được nổi tiếng v.v.. thì tất cả đều không có ý nghĩa gì, đó chỉ là mua bán, đổi chác v.v.. đó chính là lý do tại sao Kinh Kim Cang dạy bố thí “không trụ vào sắc, thanh v.v..” vậy.
Thân kính chúc ACE Áo Lam luôn tỉnh thức - trong từng suy nghĩ, lời nói, và hành động - để đừng phạm sai lầm trong cư xử hằng ngày, nhất là trong những việc bố thí, cúng dường, khen tặng v. v…
Nhóm Áo Lam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét