Những chiếc lồng đèn lung linh ánh nến, tiếng trống múa lân tùng tùng náo nhiệt cả một khỏang không, từng tiếng cười trẻ thơ đan xen trong câu hát quen thuộc “ Tết Trung thu em rước đèn đi chơi…”…Tất cả như kéo chúng ta quay về với kỷ niệm tuổi thơ năm nào .
Trung thu những năm ấy không sung túc như bây giờ nhưng xem ra vẫn vui không kém gì…có khi còn vui hơn và ý nghĩa hơn bây giờ nhiều. Những chiếc lồng đèn thời đó chính là những lồng đèn giấy bóng kiếng , khung tre và nếu không có tiền mua thì tự làm lồng đèn bằng chính sự sáng tác của mỗi người dĩ nhiên khung sườn vẫn bằng tre, giấy bao chính là giấy tập học sinh, bìa bao vở. Mà lượng lồng đèn này lại chiếm đa số lượng lồng đèn của trẻ con trong xóm, thường là tụi con gái mới làm lồng đèn .Cánh con trai chúng tôi thì làm xe đẩy lồng đèn bằng lon sữa bò, đẩy đi inh tai khắp xóm… riết bị bà con hàng xóm chửi rùm beng…không để cho ai ngủ được. Nói tới Trung thu phải nghĩ ngay đến bánh trung thu là món bánh mà tất cả chúng tôi đứa nào cũng phải nhỏ dãi, làm gì có tiền mà ăn…chỉ chờ sau trung thu khỏang một tuần lúc đó bánh hạ giá mới dám mua ăn hay là chỉ mua những cái bánh nướng hình bánh trung thu nhưng mà ruột thì tòan bột mì ăn cho đỡ ghiền thôi.
Trung thu ngày nay hình như chỉ còn mùi mà thiếu vị : Lồng đèn bây giờ ôi chao là đẹp bởi sự thực dụng…những chiếc lồng đèn của máy móc thật tinh xảo, mắc tiền …không cần ánh nến có đèn mà lại còn có cả âm thanh nữa chứ …Theo nhu cầu thị trường trong kinh tế thì đó là điều tất yếu và phù hợp khi cuộc sống ngày càng phát triển, đời sống sinh họat của con người ngày càng nâng cao…nhưng nếu dựa trên truyền thống, dựa trên cái tình quốc hồn quốc túy mà nói thì những chiếc lồng đèn như thế chỉ đẹp mã mà thiếu tâm, thiếu cái hồn của đêm Trung thu. Thật tiếc thay những chiếc lồng đèn Trung thu năm nao nay chỉ dành cho những đối tượng muốn làm từ thiện trong mùa Trung thu, thị trường hầu như mất hẳn bóng dáng những chiếc lồng đèn tre.
Một trong những niềm vui Trung thu của trẻ thơ bị thị trường hóa bởi sự thực dụng của những nhà kinh doanh vô hình chung góp một tay vào việc làm cho tuổi thơ thụ động thiếu sáng tạo chỉ cần ngồi chờ đợi những giá trị có sẵn. Thay vì tự mình làm một chiếc lồng đèn theo tư duy của mình, tuy không sắc sảo nhưng lại đẹp ở tâm hồn và sự giáo dục tính tự lập phát huy khả năng tư duy tự có ở mỗi trẻ thơ… thì chúng lại được cha mẹ bỏ tiền ra mua cho những chiếc lồng đèn với giá trị có sẵn tuy thật đẹp và nhiều công năng của kỹ nghệ tiếp thị nhưng đứa trẻ chỉ biết nhận mà thiếu hẳn cái cho, thiếu hẳn cái tâm hồn thơ trẻ đích thực từ nguyên do thực có của chiếc lồng đèn trung thu. Ngẫm cho cùng chính chúng ta tạo nên sự thay đổi để rồi tự chịu lấy hậu quả của sự đổi thay …chỉ thương và tội nghiệp cho tuổi thơ bây giờ có mấy đứa trẻ nào thấy được điều này khi chúng không có sự kinh qua theo năm tháng.
Hãy để cho những chiếc lồng đèn Trung thu trước và nay có tiếng nói đích thực của tuổi thơ. Dẫu biết rằng cuộc sống cần có sự đổi mới và đi lên ngày càng tốt đẹp hơn nhưng đối với những nét đặc trưng mang sắc thái dân tộc và có giá trị truyền thống thì cần phải được gìn giữ nguyên gốc để còn có tâm hồn cho nhựa sống chân nguyên. Có như vậy chúng ta mới giữ được những nét văn hóa độc đáo cho hậu thế mãi ngàn sau mà không lo mai một , lai hóa theo thời gian. Có làm được như vậy hay không đó còn tùy thuộc vào ý thức gìn giữ, sự hiểu biết và nhất là cái tâm trong mỗi chúng ta.
Những chiếc lồng đèn Trung thu lung linh ánh nến …sẽ luôn mãi là linh hồn của trẻ thơ để “… em rước đèn đi khắp phố phường, lòng vui sướng với đèn trong tay…em hát ca dưới ánh trăng rằm…” vẹn tròn như những giá trị văn hóa nhân bản mà chúng ta có được…thật không phải dễ.
Theo http://gdptductam.org/long-den-trung-thu.dtam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét