Niềm vui và sự hiểu biết
Thích Thái Hòa
Ba chú điệu đi tụng kinh xong, tôi thưởng ba chú bốn hộp yaour.
Một điệu hỏi: “Thầy cho bốn hộp mà con ba điệu làm sao mà chia? Tôi nói: “Tùy các con”.
Trưa lại, tôi gọi mấy chú điệu lại hỏi, mấy con đã phân chia yaour cho nhau như thế nào?
Một điệu trả lời: Ba đứa con ba hộp, còn một hộp con chia cho điệu Thành.
Tôi nói: “Điệu Thành không gieo nhân sao lại hưởng quả? Điệu Thành lợi dụng nhân quả của người khác là không tốt, là tội cho Điệu Thành.
Một điệu thưa: “Con chia ba điệu ba hộp, hộp còn lại con chia ba, cho ba người đều nhau.
Tôi nói: “Nếu như vậy, thì quá sòng phẳng, sòng phẳng đến mức lạnh lùng và khủng khiếp”.
Một điệu khác nói: “Bạch Thầy, thế thì phải chia thế nào? Tôi nói: Điệu nào được trao tráchnhiệm phân chia, điệu ấy phải chia cái tốt cho người, cái xấu cho mình, cái nhiều cho người,cái ít cho mình.
Tại sao? Vì người được giao cho trách nhiệm phân chia, tự nó đã có được một danh dự rấtlớn rồi, không cần phải quan tâm đến vật chia cho mình nữa.
ảnh- Điệu: Lời kinh chiều, chùa Thiên Mụ
Cái tốt, cái lợi thì nhường cho người, cái thiệt hại, cái xấu thì để lại cho mình, đó là hạnh củabậc đại nhân ở trong đời; còn nếu cái tốt, cái lợi để dành cho mình, cái xấu, cái thiệt hại thì đưa cho người khác, đó là cách hành xử của kẻ phàm phu. Vì vậy, họ bị mọi người oán đối không dứt, thù hiềm bất tận, nhân cách của họ bị hư hỏng, và bè bạn tránh xa.
Người xưa nói: “Ở nhà vườn, ăn cau sâu”. Câu ấy, có một nội dung hành xử rất đẹp và rất đạo lý.
Vậy, các con phải nhớ và thực tập mỗi ngày, để mỗi ngày các con lớn lên trong chất liệu trí tuệ và từ bi.
Ba chú điệu, đều chắp tay vâng lời và kính lễ, rồi lui ra trong niềm vui và sự hiểu biết mới.
HƯƠNG ĐỨC HẠNH
Nếu có phước, bạn được ngồi trên người, thì bạn không nên dùng uy quyền để chèn ép người, mà nên dùng đức hạnh để đối xử với người. Nếu không may mà bạn đứng ở dưới người, thì không nên sanh tâm ganh tỵ và dòm ngó địa vị của người trên, mà hãy nên giữ mình cho đoan chánh và đem sự đoan chánh ấy mà đối xử với người.
Đức hạnh của người trên, đoan chánh của người duới sẽ tạo ra một gia đình đẹp, một tổ chức đẹp, một xã hội đẹp, một quốc gia đẹp và một thế giới đẹp.
Làm thế nào để trở thành một người đức hạnh? Muốn trở thành một người đức hạnh, người ấy đối với bản thân phải luôn luôn biết nhìn kỹ những lỗi nhỏ nhặt của mình để khắc phục; phải biết thực tập nhìn sâu để thấy sự thật nơi mọi vấn đề qua hình tượng; phải biết nghe sâu để hiểu sự thực của mọi vấn đề qua ngôn ngữ, âm thanh; phải biết ngửi sâu để hiểu sự thực của mọi vấn đề qua hương thơm; phải biết nếm sâu để hiểu sự thực của mọi vấn đề qua mùi vị; phải biết tiếp xúc sâu để hiểu được sự thực của mọi vấn đề qua xúc giác; phải biết suy nghĩ sâu để hiểu được sự thực của mọi vấn đề qua tâm ý và phải biết sống khoan dung, độ lượng đối với những ai đã từng làm cho mình khốn đốn, khổ đau.
Lại nữa, mọi hành xử hay ẩn tàng đều vì lợi ích chung mà không phải vì bản thân. Ai thực tập được như vậy là người đức hạnh, là người sống có đạo và đang đi ở trong chánh đạo. Người ấy không tranh người để ngồi trên mà thường ngồi trên người; không tranh người để đứng trước mà thường đứng trước người.
Thế nào để trở thành một người đoan chánh? Muốn trở thành một người đoan chánh, người ấy luôn luôn thực tập đời sống từ hòa, và chân thực.
Thực tập lời nói từ hòa và chân thực đối với mọi người trước mặt cũng như sau lưng, bên phải cũng như bên trái, từ người bên trên cho đến người bên dưới.
Thực tập những hành xử từ hòa và chân thực đối với mọi người trước mặt cũng như sau lưng, bên phải cũng như bên trái, từ người bên trên cho đến người bên dưới.
Thực tập tâm ý từ hòa và chân thực đối với mọi người trước mặt cũng như sau lưng, bên phải cũng như bên trái, từ người bên trên cho đến người bên dưới.
Người nào sống với đời sống có những chất liệu như vậy là người đoan chánh. Người ấy là người sống có đạo và đang đi ở trong chánh đạo.
Người ấy ở trong mọi người không trang sức bất cứ loại sắc phục và mỹ phẩm nào, mà vẫn đoan chánh và đẹp đẽ hơn người; không xông ướp bất cứ loại dầu thơm nào mà vẫn thơm tho hơn người. Vì sao? Vì người ấy là người đức hạnh vậy.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét