Hãy là chính mình khi bạn còn đủ sức khỏe và khối óc suy luận trong sáng minh mẫn, một ngày đi qua là một ngày bạn có cơ hội để sống có nhiều ý nghĩa, nhiều niềm vui, đầy tình thương và hơn cả có thời gian để ta quay lại chính ta.
Loài người từ trước đến nay dù sống dưới hình thức, chế độ, xã hội sai khác nhau, vẫn có chung một ước vọng thiêng liêng; đi tìm một nguồn sống, một tinh thần sống ngày một thích đáng hơn. Cơ chế khoa học phát triển nhanh chóng, đời sống vật chất con người theo đó cũng phát triển không ngừng. Vì sự phát triển không ngừng đó nên càng ngày con người lại càng đánh mất đi chính mình và chỉ biết trước mắt là tạo ra càng nhiều của cải càng tốt, bất chấp mọi thủ đoạn xảo trá, cốt chỉ có lợi cho mình là được còn lại mặc xác không quan tâm. Sự mặc xác đó tạo ra một tiền đề mà chính bản thân người tạo luôn cảm thấy khổ sở trong sự ích kỷ của tham lam và hận thù, để rồi lương tâm bị giày vò cắn rức sầu khổ trong tội lỗi bởi lòng tham của si mê.
Việt Nam chúng ta luôn tự hào là một dân tộc có một nền văn hóa nếp sống tình cảm sâu đậm thắm thiết giữa con người và con người, con người và mọi loài. Đời sống thanh đạm đơn giản làm nên một cốt cách riêng cho người Việt, nhìn vào chiếc áo tràng lam mỗi lần chúng ta mặc vào lên chùa lễ phật cũng đủ nói lên điều đó! Rất quý phái nhẹ nhàng sang trọng. Đứng ở góc độ bây giờ ,khi mà xã hội tây phương đã chán ngán với cuộc sống xô bồ nhu cầu vật chất thì họ lại muốn tìm về đông phương để học hỏi và trau dồi đời sống tâm linh thanh bình, mà chính phật giáo lại giúp cho họ có những giây phút an lạc thảnh thơi . Charles T. Gorham nhận định rằng :“Chắc chắn từ miền Ðông Phương huyền bí, nơi đất mẹ mầu mỡ của tôn giáo, cho chúng ta sự khám phá trung thực nơi Phật giáo từ khi tôn giáo này cho chúng ta biết nền đạo đức huy hoàng và sự thanh khiết tiềm ẩn sâu xa trong bản tính tự nhiên của con người không cần đến một thần linh nào khác mà bản tính này vốn tiềm ẩn trong tâm của con người và thức tỉnh họ biến thành cuộc sống vinh quang. ”Còn Albert Einstein nhà khoa học lỗi lạc về thuyết tương đối nghĩ: “Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo chung cho cả vũ trụ. Tôn giáo đó vượt ra ngoài ý tưởng một đấng thiêng liêng nào đó, các tín điều và lý thuyết. Tôn giáo đó bao trùm cả thiên nhiên và tinh thần, phải căn cứ vào ý niệm đạo giáo phát sanh từ những thực nghiệm của mọi vật, thiên nhiên và tinh thần như một sự thuần nhất đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo đáp ứng được các điều đó.” Ngược lại người á đông nói chung và người Việt chúng ta nói riêng đang dần dần đánh mất đi nết đẹp văn hóa đông phương để rồi chạy theo vết ngựa lầy lội tây phưong hóa đã đi qua. Trên quan điểm này chúng ta cần phải đánh một hồi chuông thức tỉnh để mọi người biết dừng lại trước những gì mà mình đang có và nên cảm thấy hạnh phúc trước những cái mà mình có, đừng để những giây phút hạnh phúc mình có đi qua rồi lại hối tiếc. Nghĩa là chúng ta phải tập sống sâu sắc trong từng ngày, từng giờ, từng cử chỉ trong lúc làm việc, lúc ăn, lúc giao tiếp với mọi người …đăc biệt ; nên cảm nhận sự có mặt của những người thân thương xung quanh, đừng để thời gian vô thường, từng người thương bỏ ta đi về lại cát bụi rồi ta mới chợt nhớ cả đời sống chưa bao giờ ta nhìn thấy rõ mặt người thương (có mà như không), hay nói một lời hay ý đẹp đến người mình thương. Ta chớ có tưởng người thương sẽ có mặt bên ta mãi mãi. Không! Không bao giờ có như vậy, đụng chuyện thì sự ăn năn hối hận chỉ là muộn màng mà thôi. Bao lâu cho một kiếp người? Hẳn trong mỗi chúng ta không ai biết để trả lời câu hỏi này. Ta chỉ biết số mạng con người có hạn, cho nên ta phải tập sống và sống như thế nào để biết thưởng thức những mầu nhiệm của cuộc sống mà tạo hóa đã ban tặng cho ta là một điều thiết yếu.
Quả thật, khoa học và kỹ thuật có mang lại một vài tiện nghi vật chất lẫn tinh thần tạm bợ cho đời sống , nhưng chúng đã làm cho đời sống con người bất an, xáo trộn mọi hệ thống sinh hoạt thường nhật của xã hội . Nếu có ai hỏi rằng: “Con người chúng ta có hạnh phúc nhiều hơn ông cha ta trong quá khứ không?” Câu trả lời là “không”. Vì Trong quá khứ ông cha ta đã biết áp dụng “Triết lý sống còn” nghĩa là triết lý “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống”. Còn chúng ta bây giờ hễ thấy lợi nhuận là chui vào rồi hối hận chui ra không kịp. Nói như vậy không phải là phũ phàng lên án xã hội bây giờ mà nói để chúng ta có một nhận định rõ ràng về cuộc sống sâu sắc hơn trong thế giới đầy biến đổi của thiên tai hoạn nạn này.
Có câu “Bon chen cho lắm trắng tay cuối đời”*. Dù bạn có giàu cỡ nào tôi không quan tâm, hay bạn nghèo cỡ nào tôi chả chú ý, mà cái quan trọng là xem bạn sống như thế nào, điều đó mới là cốt tủy của lẽ sống.
“Một ngày ngày đã qua
Ôi một ngày ngày chóng qua
Một chiều một ngày âm thầm đã
Đã ra đi không còn gì
…
Một ngày ngày đã qua
Ôi từng ngày từng xót xa
Một chiều một ngày tay người đã
Thả may bay cho đường dài
…
Người hãy nhớ mang theo hành trang
Qua khoảng trời vắng chân mây địa đàng
Người hãy nhớ hãy nhớ hoài
Người hãy nhớ hãy nhớ đời
Người hãy nhớ hãy nhớ người…”
(Trịnh Công Sơn)
Hãy là chính mình khi bạn còn đủ sức khỏe và khối óc suy luận trong sáng minh mẫn, một ngày đi qua là một ngày bạn có cơ hội để sống có nhiều ý nghĩa, nhiều niềm vui, đầy tình thương và hơn cả có thời gian để ta quay lại chính ta. Ngồi bên chén trà trong khoảng lặng thanh vắng bao la của vũ trụ, ta lắng nghe tiếng nói thổn thức từ nội tâm, nhìn thấy rõ bản chất của sự sống tỏa chiếu khắp mọi vật . Có như vậy, một ngày đi qua ta chẳng có gì hối tiếc vì ta đã sống thực với cuộc sống đầy mầu nhiệm và linh thiêng này.
Nhìn những mùa thu đi …
Bốn mùa thay lá bốn mùa thay hoa …
(Trịnh Công Sơn)
Tất cả những giây phút trôi lăn không ngưng nghỉ là vĩnh cữu của thời gian.
Hồng Bối ( T.H.C)
Nguồn: Vẻ Đẹp Phật Pháp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét