Thưa Anh Chị Em Áo Lam,
Có nhiều khi cùng nhau ngồi quanh 1 vòng tròn, cùng nghe 1 người kể 1 câu chuyện nhưng khi kể lại thì có thể trở thành những câu chuyện khác nhau hết, không phải vì nghe không rõ, không phải vì không hiểu, mà có khi vì mình muốn người nghe hiểu theo 1 hướng khác v.v.. nữa.
Hôm nay ACE chúng ta có một ví dụ rất rõ để minh họa sự việc này. Đó là, trong tuần qua, Nguyên Mật (NM) post lên forum GĐAL một câu chuyện nhan đề là “Thièn sư và cô lái đò… & Tâm” rồi tiếp theo là Chu Tiêu (CT) kể lại chuyện đó với ngụ ý bông đùa v..v.. Thật ra, đây là 1 mẫu chuyện Đạo, nó đã từng được dùng làm câu chuyện dưới cờ từ những năm 60 (đối với những ACE nào bây giờ khoảng 60 tuổi, có sinh hoạt ở Việt Nam đều không xa lạ gì.)
Trước hết, đây không phải là câu chuyện của một thiền sư với cô lái đò mà là chuyện giữa một ông thầy tu trẻ với một cô lái đò xinh đẹp _ một hoá thân của đức Quán Thế Âm. Vị tỳ kheo trẻ qua đò bị cô lái đò đòi tiền là 2$ trong khi mọi người chỉ trả 1$, Thầy thắc mắc, cô lái đò nói: 1$ là tiền đi đò và 1$ là tiến phạt! Thầy phải nộp phạt vì Tâm của Thầy đã khởi niệm vọng động, đã ô nhiễm. Thầy tỳ kheo là 1 người xuất gia không phải “cà khịa” như phàm phu chúng ta; tự biết hổ thẹn, không dám cãi, đưa tiền cho cô lái đò ngay. Một năm sau, Thầy lại đi qua chỗ đó, gặp lại cô lái đò; lần này Thầy cúi gầm mặt (tại sao?) nhưng khi lên bến, cô lái đò lại đòi tới 3$ và bảo Thầy rằng: 1 năm rồi mà Thầy vẫn không tinh tấn tu học, tâm vẫn còn bị ô nhiễm, lần này tiền phạt gấp đôi… 1 năm sau, Thầy tu hành tinh tấn, chánh niệm vững chãi, Thầy lại qua khúc sông đó, định bụng sẽ nói lời cảm ơn cô lái đò thông tuệ đã dạy cho mình bài học đáng giá và là động cơ để mình thành công hôm nay … nhưng cô lái đò không phải là người hôm xưa nữa, mà là một ngưòi khác; Thầy tỳ kheo hiểu ra, quỳ xuống hướng về biển Nam Hải lạy tạ đức Quán Thế Âm _ đã thị hiện để giáo huấn mình.
Câu chuyện là như vậy, cho chúng ta rất nhiều bài học hay, bài học về Tâm, như NM đưa ra, Tâm chính là kẻ tạo tác thành nghiệp. Tu là gì? là tu chính từ nơi Thân Tâm này; Tu 2 con Mắt, 2 lỗ Tai, tu cái Miệng v.v.. điều này ACE chúng ta đã biết rồi và chúng ta cũng đã hơn một lần đọc bài sám hối Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý:
…..
Mắt đắm nhìn vẻ đẹp hằng ngày
Tai thích tiếng mật đường dua nịnh
Mũi ưa ngửi mùi hương bất tịnh
Lưỡi dệt thêu lắm chuyện cay co
Thân ham tìm gấm vóc se sua
Ý suy nghĩ bao la vũ trụ
v..v..
Tu chính là giữ Tâm chánh niệm không chạy theo yêu - ghét, lấy bỏ … Tâm của ta là gì? _ đó không phải là những tâm bất thiện như gian dối, đố kỵ, tham lam, sân si v.v.. những tâm bất thiện này chỉ là những người khách, đến rồi đi, … còn “người Chủ” là cái Tâm thường còn bất sanh bất diệt, đó chính là Phật tánh trong ta; TU chính là làm hiển lộ Phật tánh đó. Nếu chúng ta nói năng lung tung, chúng ta sẽ bị khẩu nghiệp, nghĩa là bị “tai nạn” vì cái miệng, chúng ta ăn uống bừa bãi không theo phép vệ sinh .. thân chúng ta cũng sẽ bị tai nạn vì cái miệng; đó là lý do chúng ta thường nghe nói: “Bệnh từ khẩu nhập, họa từ khẩu xuất” nghĩa là: “Bệnh đi vào từ miệng và tai họa từ miệng đi ra” Chỉ đơn giản như vậy thôi, chúng ta thấy rõ TU rất dễ, rất đơn giản, mà cũng khó vô cùng. Ví dụ chúng ta tu cái miệng: chúng ta phải giữ chánh niệm tỉnh thức mới tránh được những lời nói dư thừa, những lời nói tai hại có thể đưa mình đến oán thù, tù tội, v.v.. chúng ta phải sáng suốt chọn thức ăn ích lợi cho thân thể, đừng quá tham ăn để gây ra bệnh do ăn uống … Chúng ta dạy các em TU _ từ khi các em còn là Oanh Vũ _ nên chúng ta cũng phải tu, nghĩa là phải áp dụng Phật Pháp vào đời sống hằng ngày ….
Thưa Anh Chị Em,
Chỉ mới nói đến cái Miệng đã có đủ thứ chuyện cho chúng ta Tu rồi; cho nên Tu là chuyện hằng ngày 24/24 của ACE chúng ta chứ không phải chỉ Tu khi đi chùa, đi sinh hoạt, khi tụng Kinh, lễ Phật!
Thân kính chúc ACE chân cứng đá mềm, tinh tấn trong tu học để bước những buớc vững chắc với Tâm Từ Bi và Trí huệ, để hướng dẫn đàn em cùng dũng tiến trên đường Đạo.
Trân trọng,
Nhóm Áo Lam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét