Kính thưa quý anh chị,
Cùng các em thân mến.
Hôm nay, từng đoàn áo Lam từ miền Trung xa xôi đến tận mũi Cà Mau đất nước đang tấp nập hội tụ vào thành phố để dự Lễ Hiệp Kỵ Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Lễ Hiệp Kỵ GĐPT Việt Nam do Ban Hướng Dẫn Trung Ương Quốc Nội tổ chức hằng năm vào ngày mồng 7 tháng 3 âm lịch, là ngày mệnh chung của bác Tâm Minh – Lê Đình Thám, một vị cư sĩ không những có công trong sự nghiệp chấn hưng Đạo Pháp nước nhà từ đầu thập niên 1930 mà Bác còn ra sức thổi một luồng sinh khí mới, đưa chánh Pháp thấm nhuần lứa tuổi thanh, thiếu, đồng niên.
Hiệp Kỵ, có thể giải thích nôm na là ngày giỗ chung – Tưởng niệm tri ân các đấng khai sơn, tằng tổ, tiên hiền nhiều đời cho đến những chi phả hệ tử tôn quá vãng. Đây là một lễ nghi truyền thống của Dân tộc Việt Nam được tổ chức từ dân gian trăm họ cho đến các Tông phong, Giáo hệ… và Gia Đình Phật Tử từ Trung Ương đến cấp Miền, Tỉnh, Thị Xã khắp nơi đều chọn một ngày Hiệp Kỵ để các nơi tề tựu quay về họp mặt thành kính tưởng niệm trong tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” [ Ẩm hà ân nguyên].
Hiệp Kỵ là một lễ nghi trọng đại trong quá trình khai sơn lập quốc 4000 năm văn hiến của dân tộc Việt Nam được thấm nhuận tinh thần tri ân - báo ân, có tính cách thừa kế, truyền đăng tục diệm-Đời trước truyền cho trưởng tử, đích tôn hậu duệ đời sau không để dứt mất cội nguồn. Đây là đặc điểm chung của Tam Giáo: Nho-Lão và Phật giáo Việt nam. Lịch sử 70 năm Gia đình Phật tử, Ban Hướng dẫn Trung ương và các Ban hướng dẫn tỉnh, cùng Gia Đình Phật Tử khắp nơi trên Thế giới thường xuyên tổ chức Hiệp Kỵ hằng năm và ở nhân dịp đặc biệt cũng đã từng tổ chức các trai đàn chẩn tế lớn lao, làm lễ thượng phan bày khai Pháp giới; phóng Đăng soi đêm dài tăm tối, phóng sinh thủy lục không vạn loại hữu tình tự do tự tại, Tứ sự cúng dường Trai Tăng để nương nhờ thần lực của mười phương Tăng hội cứu bạt Minh đồ, hoá giải các cừu thù oan khiên tiền kiếp. Phổ nguyện âm siêu dương thới, mưa thuận gió hoà, sóng yên biển lặng, Thế giới hoà bình, chúng sanh an lạc, phát chẩn – tế bần; âm dương đều no đủ. Ngày Hiệp Kỵ hội tập toàn thể các thế hệ sau, thân quyến, môn sinh, thiện hữu…. để tưởng nhớ đến liệt đại ân sư cố vấn giáo hạnh dày công giáo huấn; chư Thánh Tử Đạo hộ Pháp vong thân, chư vị tiền bối hữu công quá vãng, và những đoàn viên áo lam đã khuất - trọn đời sắt son tận tụy quên mình cho mệnh vận của Dân Tộc-Phật Giáo Việt Nam; cho Gia đình Phật tử bền vững đến ngày nay.
Nếu nói thời gian là thước đo; chướng ngại là thử thách thì suốt chiều dài Lam sử 70 năm Gia Đình Phật Tử đã chịu nhiều đắng cay như đi trong mưa giông; như đi trong nắng rát ở từng giai đoạn biến loạn quê hương và những giai đoạn trùng hưng tại các Châu Hải Ngoại, những chặng đường đó đều có những thành tựu nhất định, tuy rất khiêm tốn nhưng phải bằng những sự hy sinh cao cả của các vị tiền nhân.
Gia Đình Phật Tử nương náu nơi mái chùa, được tấm lòng từ bi của chư Tôn Thiền đức chở che giáo huấn. Dù bao khó khổ áo Lam không đổi màu vẫn thường hằng an trụ trong Lục Hoà kỉnh pháp. Để mỗi đoàn viên phát tâm tinh tấn trên hạnh nguyện Trí Tuệ - Từ Bi của Bồ Tát Đạo, để thành tựu được lý tưởng cao thượng muôn đời của Đạo Phật qua hình thức giáo dục Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Đối với Phật Pháp vô biên, bởi chúng sanh luân hồi trong sáu nẻo nên giữa sinh và tử, âm và dương chuyển động tương tục không lúc nào ngơi. Duy có đại nguyện lợi sinh, lý tưởng cao thượng là trường tồn sâu rộng, truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác… mà tinh thần Tri ân và Báo ân là một Đạo lý muôn đời.
Nếu các Huynh trưởng chúng ta ý thức được rằng đến ngày Giỗ Tổ thì dù ở đâu cũng mau thu xếp quay về như tinh thần truyền thống của con dân nước Việt thì ngoài các vấn đề quan trọng nan giải trong đời sống bất khả cưỡng thì sẽ không có chuyện gì có thể cản ngại bước đi của những người huynh trưởng áo Lam tìm về nguồn cội trong ngày họp mặt trọng đại này.
Hôm nay thứ ba, Lễ Hiệp Kỵ Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Ngôi Già Lam tôn nghiêm, độ lượng. Những tưởng nếu là ngày thường thì sẽ không nhiều huynh trưởng tham dự. Nhưng không, con số 700 huynh trưởng từ Thừa Thiên đến Cà Mau đã rợp mát sân chùa trong ngày Hiệp Kỵ. Điều ấy nói rằng càng ngày càng có nhiều người áo Lam đã ý thức được rằng đây là ngày Hiệp Kỵ - Ngày giỗ Tổ phải cố gắng thu xếp để quay về.
Nguyên Hoàng
theo (www.gdptthegioi.org)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét