Kính thưa quý anh chị,
Cùng các em thân mến.
Đêm nay, chúng ta lại có dịp hội ngộ bên nhau quanh bếp lửa tàn này. Khi màn đêm buông xuống cả khu đồi tối đen như mực – tối đến nỗi xòe bàn tay ra trước mặt vẫn không thấy gì. Tuy không nhìn thấy bàn tay nhưng ta vẫn cảm nhận được dễ dàng vì nó chính là một chi phần của thân thể ta. Gia Đình Phật Tử cũng như thế, dù bao nhiêu lần quê hương biến loạn; dù bao nhiêu lần ngăn cách chia phôi trong vô minh hỗn độn đến nỗi không thể nhận diện ra nhau nhưng áo lam chúng ta vẫn cảm nhận được sự hiện hữu của nhau mà lên tiếng gọi đàn, cùng lần tìm đến nhau để nối liền mạng mạch.
Thời kỳ đen tối đó cho dù quê hương mình chùa chiền nhiều như tên gọi là Thiền lâm, rừng đồi hoang vu tuy mênh mông vô tận nhưng để có một ngọn lửa bùng lên như đêm nay thật khó khăn vô kể, nửa đêm bị bắt bớ, thậm chí bị bắt buộc nhổ bỏ thu dọn lều trại trở về thành phố trong đêm khuya trong ánh mắt bơ phờ, ngơ ngác của các em thơ chưa hiểu chuyện đời… Khó khăn như vậy nhưng các anh chị vẫn kiên trì tận lực, đi khắp nơi nhen nhóm những ngọn lửa tàn để thế hệ chúng ta có những ngọn lửa bùng lên sáng rực như đêm nay.
Khi chúng ta gắn kết được với nhau trong các góc sâu tăm tối chính là lúc ánh lửa bùng lên để tình lam vỡ òa và chúng ta cùng nắm tay múa hát, say sưa, nhiệt thành quanh ánh lửa như năm nào. Anh không kể nỗi nhọc nhằn đắng cay khi lên rừng khổ sai lao tác, chị không kể những giai đoạn hãi hùng khi hải tặc cướp của, phá tàu… những chặng đường sinh tử mà chúng ta vượt qua đã được giũ bỏ sau lưng vì giờ phút này trong ánh mắt long lanh, trên những nụ cười giòn tan rất vô tư và hạnh phúc.
Những người anh chị của nửa thế kỷ xưa đã từng thổi bùng lên những luồng gió mới kêu gọi thanh, thiếu, đồng niên sống khỏe, sống thanh cao, sống với lương tâm-đạo đức, sau những cơn biến loạn lại trở về nhặt nhạnh những que củi rời rạc để nhen nhóm thành bếp lửa hồng. Những ai đã vực dậy cuộc tái sinh của Gia đình Phật Tử trên những đôi tay tuy gầy guộc, khẳng khiu- sức nhẫn chịu bao nhiêu thì sức quật cường cũng mạnh như vậy, cho đến một ngày ma quân cũng phải công nhận năng lực sinh tồn của đại gia đình áo lam là không thể hủy diệt. Ai từ trong địa lao đói lạnh; từ trong khổ hải, hà trùng mang bệnh danh “ung thư bạch cầu”, một thân người mang hai quả tim đã kiến tạo nên hình đồ Gia Đình Phật Tử Thế Giới! Những người anh chị cao niên nhưng chưa hề biết đến tuổi già. Người cống hiến “pháp âm” thì thuyết giảng cho đến khi tàn hơi, tắt tiếng; người cống hiến con tim, khối óc thì cố làm cho đến lúc kiệt lực mới thôi.
Đối với chúng tôi: Ngày mùng 7 tháng 3 giỗ bác Tâm Minh; ngày 27 tháng chạp là giỗ chị Tâm Chánh – Hoàng Thị Kim Cúc; ngày 12/3 âm lịch giỗ anh Nguyễn Khắc Từ; ngày 27/2 âl giỗ anh Cao Chánh Hựu…. đã trở thành những ngày kỷ niệm khó quên, khó phai nhòa trong vùng tâm thức. Giữa biên giới của sự sống chết chỉ như sự chuyển đổi giữa ngày và đêm. Trong huyễn lực anh chị vẫn tiếp tục bước đi chưa bao giờ dừng nghỉ, và chúng ta cũng đang đi trên con đường này với niềm tin không thoái chuyển- những người đang sống và những người đã chết chưa bao giờ dừng lại trên con đường lý tưởng áo lam.
Thế nhưng, phải có một thứ phải dừng lại, phải buông xả thì niềm tin và lý tưởng mới dũng mãnh trường tồn. Sau Đại hội Thế Giới kỳ II, anh Hựu không còn làm Trưởng Ban Hải Ngoại nữa, phần lớn là do quý anh chị thương anh bệnh hoạn triền miên. Lúc chúng tôi đi cùng với phái đoàn GĐPT Thế giới đến chiêm bái trung tâm Dhammakaya tại Bangkok một Thiền phái Nam tông đầu tiên đang phát triển tại Thailand, nói là đầu tiên là vì vị Tổ sư thứ hai của thiền phái này là một Sư Bà- mà Phật Giáo Nam Tông tại Thailand không cho nữ nhân xuất gia. Chúng tôi muốn tìm hiểu xem Thiền phái này có gì đặc biệt. Trong phòng chiếu phim, khi trên màn ảnh xuất hiện câu “ Đình chỉ là giải thoát” tôi quay sang nói với anh Cao Chánh Hựu đây là pháp yếu của Chỉ-Quán anh nên dừng bỏ mọi chuyện để thân tâm được nhẹ nhàng. Ai ngờ anh nói rất nhỏ nhẹ và bình thường: “ không phút giây nào anh giữ lại thứ gì cho mình cả nên có thấy chi nặng nề đâu!” Tôi nghe câu này liền cảm nhận có trăm ngàn cánh hoa đẹp xấu đang rơi quanh mình anh mà không vướng lại trong tâm anh một cánh hoa nào. Gia đình tôi xin chụp riêng với anh lần cuối tại trung tâm Dhammakaya – cho đến khi về Mỹ anh tuyên bố từ chối điều trị thuốc men thì tôi biết thân và tâm anh đã hoàn toàn đình chỉ – hoàn toàn xả ly.
“ Hư không hữu tận – ngã nguyện vô cùng” không gian có thể còn có giới hạn nhưng đại nguyện của chúng ta rộng lớn vô cùng tận. Trong đại nguyện của anh, của chị, của chúng ta – những người đã chết hay đang sống có phải đã trở thành “bất diệt” rồi không!
Nguyên Hoàng
theo (www.gdptthegioi.org)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét