Thưa ACE Áo Lam,
Phật Pháp rất nhiệm mầu sâu sắc nhưng được đức thế Tôn trình bày một cách hết sức đơn giản; ví dụ như Ngài đã giới thiệu giáo lý Duyên Khởi - một giáo lý được xem là 'cao siêu' của đạo Phật - bằng những câu đơn sơ dễ hiểu như sau:
'cái này có mặt vì cái kia có mặt
cái này sinh vì cái kia sinh
cái này diệt vì cái kia diệt' v..v..
Thế nhưng vẫn có người hiểu lầm đức Phật, ngay từ hồi ngài còn tại thế, thậm chí có cả vài vị đệ tử của ngài. Chẳng thế mà chúng ta thường nghe câu: 'y Kinh liễu nghĩa tam thế Phật oan, Ly Kinh nhất tự tức tùng ma thuyết' (y theo kinh thì oan cho chư Phật trong ba đời, còn sai một chữ trong kinh thì đó là Ma nói - chứ không phải Phật nói)
Đó chính là lý do mà đức Thế Tôn đã dạy chúng ta đừng vướng vào chữ nghĩa, ngôn từ, ý niệm v..v.. để rồi đi xa giáo nghĩa chân thật của Kinh, ngài đã từng nói: ' trong 45 năm thuyết pháp, ta chưa từng nói một lời nào'
Thật vậy, lời của Ngài, những pháp môn tu tập của ngài dạy cho hàng đệ tử đương thời và sau xa nhiều thế kỷ là 'ngón tay chỉ đến mặt trăng chân lý'; ngài muốn mọi người học theo ngài phải đạt ý quên lời, hiểu cái chân nghĩa để không rơi vào hí luận về từ ngữ, về ý niệm, hiểu cái gì là phương tiện, cái gì là cứu cánh v..v.. vậy.
Về phần anh chị em chúng ta thì sao? _ nghe ai nói cái gì, thấy ai làm cái gì v..v.. trước hết phải coi thử đó có phải là họ muốn chỉ mặt trăng cho mình coi không (nghĩa là họ có phải là bậc thầy của mình không? mình có gì thắc mắc nhờ họ giải đáp không? ...) Nếu phải thì hãy chú ý, theo dõi, tìm hiểu cái chân nghĩa chứ đừng bắt bẻ từng chữ để cuối cùng rơi vào hý luận. Còn nếu không phải thì đừng vịn vào đó mà bàn tán, suy diễn, trách cứ ... họ nói gì kệ họ, muốn nói sao tùy họ, đừng bao giờ đổ hô rằng ''tôi làm như vậy là vì anh / chị kia nói như thế này'' hay: ''tôi không làm như tôi đã hứa là vì mấy anh /chị kia bảo như thế kia'' v..v.. Nói tóm lại, mình phải chịu trách nhiệm về những lời nói và việc làm của mình chứ không thể ''bán cái'' cho ai khác! Và càng không thể tưởng rằng ngón tay nào cũng chỉ tới mặt trăng hết! Khi nói ''ngón tay chỉ mặt trăng'' là nói Kinh điển, giáo lý, Phật Pháp v.. v.. tất cả đều là ngón tay và mặt trăng là chân lý _ đó là ngôn ngữ biểu tượng, không phải nói về ''ngón tay'' trong 2 bàn tay của chúng ta!
Nhân nói về ngón tay, chúng tôi xin giới thiệu đến ACE bài 'Ngón tay Chỉ mặt Trăng' trích trong cuốn 'Im Lặng Sấm Sét' của Thầy Nhất Hạnh (Lá Bối Xuất bản - 1993) để chúng ta được soi sáng thêm về cứu cánh và phương tiện, về bản chất và hiện tượng cũng như được học thêm 2 từ mới: giáo lý bản chất và giáo lý ảnh tượng.
Trân trọng,
Nhóm Áo Lam
Ngón Tay Chỉ Mặt Trăng
Kinh Lăng Nghiêm nói: 'Nếu có người lấy ngón tay trỏ mặt Trăng cho một người khác thấy, người kia phải nương vào ngón tay để thấy được mặt trăng. Nếu người ấy chỉ nhìn ngón tay mà nhận lầm ngón tay là mặt trăng thì không những mất mặt trăng mà mất luôn cả ngón tay'
Kinh Lăng Già cũng nói: 'Tất cả những giáo lý dạy trong Kinh đều là ngón tay chỉ lên mặt trăng.' ('nhất thiết tu đa la giáo như tiêu nguyệt chỉ'). Ngón tay không phải là mặt trăng. Ta không nên lầm ngón tay là mặt trăng, cũng như chiếc bè không phải là bờ bên kia. Giáo lý không phải là bản chất của tuệ giác, như bản đồ của thành phố Paris không phải là thành phố Paris.
Thầy Thái Hư có dùng các danh từ giáo lý bản chất và giáo lý ảnh tượng. Giáo lý bản chất, theo Thầy, là tự thân của tuệ giác, là bản thân của chân lý, là cái mà Bụt đạt được dưới gốc bồ đề. Giáo lý này chưa được diễn tả thành khái niệm và ngôn từ. Chỉ từ khi Bụt bắt đầu giảng dạy ở vườn Lộc Uyển thì mới có giáo lý ảnh tượng, và giáo lý này bắt buộc phải được trình bày bằng khái niệm và ngôn từ. Giáo lý ảnh tượng chỉ là bóng dáng của chân lý mà không phải là chân lý, cũng như bóng mát cây đa không phải là cây đa. Nương vào giáo lý ảnh tượng, ta có cơ hội tiếp xúc với giáo lý bản chất; nhìn vào bóng mát cây đa ta có cơ hội tiếp xúc với cây đa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét