Kính thưa quý anh chị,
Cùng các em thân mến.
Các em là đoàn sinh Gia Đình Phật Tử ngành Thanh-Thiếu, đã quy y, thọ ngũ giới được tên Pháp và đã phát nguyện; cũng có thể gọi các em là Phật Tử, là tín đồ Phật giáo đúng nghĩa rồi. Là Phật tử cần phải biết và hiểu rõ lược sử Đức Phật của mình. Trong chương trình Phật Pháp dành cho ngành Thiếu các em cần đến 3 năm, 3 bậc Hướng – Sơ – Trung Thiện để học hết bài Lược sử đức Phật Thích Ca. Điều này có thể nói là hơi chậm về tri thức cần thiết, vì khi muốn kể cho các bạn cùng lớp hay cùng trang lứa ngoài xã hội hiểu về đấng giáo chủ của mình thì các em lại chưa rành, chưa hiểu nếu chưa học đến bậc Sơ Thiện. Bậc Hướng Thiện thời của chúng tôi khi học được phần đầu Đản sinh- Xuất gia- Thành Đạo thấy hay quá mà chưa được biết hết, nên rất thắc mắc, muốn biết về đức Phật và phải tự đọc thêm.
Đức Phật là đấng toàn giác (giác ngộ hoàn toàn) điều này khỏi cần bàn cãi, nhưng ở mỗi gốc độ của câu chuyện cuộc đời đức Phật đều có sự hiển bày những ý nghĩa chuyên biệt và phù hợp với sự thật mà sau này các nhà khoa học đã tìm thấy được trong tự nhiên. Đêm nay, trong trại này tôi sẽ nói cho các em nghe những sự kiện liên quan đến Phương hướng trong cuộc đời đức Phật:
Trong chuyên môn chúng ta đều biết có 4 hướng chính và 4 hướng phụ, nhưng trong Đạo Phật có tới 10 hướng, như câu: “Thập phương thường trú tam bảo”. Vậy ngoài 8 hướng ra ta phải cộng thêm 2 hướng nữa là hướng Thượng (phía trên) và hướng Hạ (phía dưới) mới đủ 10 phương!
Trong tập Buddhacarita cũng có chép: "Sau khi Thái tử đản sanh, Ngài nhìn về các phương: Ðông, Tây và ngó lên, ngó xuống nhìn khắp bốn phương rồi hướng về phương Bắc đi bảy bước trên những đóa sen kỳ diệu. Mầu nhiệm thay cử chỉ siêu việt này. Ði đến bước thứ bảy, vừa nghiêm nghị, vừa oai hùng, Ngài nói: 'Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn'".
Thái Tử Tất Đạt Đa cùng người hầu Xa-Nặc dạo qua 4 cửa thành theo các hướng:
- Cửa Đông gặp người già
- Cửa Nam gặp người bệnh
- Cửa Tây gặp người chết
- Cửa Bắc gặp Sa môn.
Như vậy sự di hành của Thái Tử đi vòng theo 4 hướng Đông – Nam – Tây – Bắc thành 1 chu kỳ khép kín ngược theo chiều kim đồng hồ khác với động thái kinh hành hay Nhiễu quanh đi thuận chiều quay với trái đất và thuận chiều kim đồng hồ. Có khi nào quý anh chị dẫn đầu một phái đoàn, thỉnh sư, hay kinh hành trong-ngoài điện Phật, hoặc nhiễu quanh chánh điện hay linh quan chưa? Nhớ đừng đi sai phép nhé!
Đức Phật Thành Đạo dưới cội Bồ Đề lúc sao mai vừa mọc phía trước Ngài. Ngày nay đại tháp Bồ Đề bên Ấn Độ và tượng thân kim sắc của Ngài tôn trí nhìn ra hướng Đông. Lúc đức Phật nhập diệt đầu hướng Bắc, mặt hướng Tây. Khi chúng tôi theo phái đoàn GĐPT Thế giới hành hương Câu Thi Na nơi đức Phật Nhập Diệt có đặt la bàn để xác định những điều đã học thì đúng là tôn tượng và đài hỏa táng nhục thân vị trí đầu đức Phật nằm đều hướng về phía Bắc.
Trong chuyên môn chúng ta đều biết hiện tượng Bắc từ - khối nam châm khổng lồ ở Bắc cực hút các kim la bàn đầu hướng bắc, riêng đối với Trung Quốc bởi vì phía bắc là sa mạc cằn cỗi, lạnh giá nên họ nuôi khát vọng chinh phục phương Nam. Mặc dù kim la bàn luôn chỉ Bắc nhưng họ vẫn lấy đầu mũi đối diện làm kim chỉ Nam. Khi mua La bàn nếu là loại “made in China” thì phải cẩn thận, sẽ bị lầm lẫn vì đầu sơn đỏ đều chỉ về hướng Nam.
Hướng Bắc tạo ra một từ trường tự nhiên hút rất mạnh nên các nhà kiến trúc, phong thủy khi thiết kế giường nằm tùy theo vị thế thuận lợi thường chọn hướng Bắc là ưu thế xoay đầu giường, những người làm việc bằng trí óc hay các nhà lãnh đạo quốc gia nếu đỉnh đầu xoay đúng hướng Bắc thì ngoài việc ngủ sâu trong yên tĩnh ra họ còn được thu nạp năng lượng từ trường thiên nhiên của trái đất.
Nêu những sự kiên này để các trại sinh chúng ta thấy hơn 25 thế kỷ trước vấn đề phương hướng, vòng xoay của địa cầu cũng như các định luật Duyên sinh, Nhân quả, luân hồi… đối với đức Phật hầu như đã rất hiểu biết để sống thuận cùng thiên nhiên, với môi trường, với xã hội trong tinh thần “ Hằng thuận tu tập” giáo hóa chúng sinh.
Nguyên Hoàng (www.gdptthegioi.org)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét