Ai là tác giả Huy Hiệu Hoa Sen và bài Dây Thân Ái?
Tôi đọc cuốn Gia Ðình Phật Tử Việt Nam – 50 Năm Xây Dựng do Ban Ðiều Hợp Trung Ương Gia Ðình Phật Tử Việt Nam Hải Ngoại xuất bản tại Hoa Kỳ, có đề cập đến huy hiệu ?? Hoa Sen Trắng?? tám cánh trên nền xanh lá mạ xuất hiện trong thời gian có Ðoàn Phật Học Ðức Dục (trang 40) và trang cuối cùng (533) có trích hai câu đầu của bài hát Dây Thân Ái. Tôi đọc từ đầu đến cuối, nhất là thời kỳ thành lập và đoàn ngũ hóa (1943-1953), từ lúc Gia Ðình Phật Hóa Phổ và Ðoàn Phật Học Ðức Dục ra đời. Sách trình bày rất rõ ràng và còn in hình nhiều huy hiệu, các bản nhạc thường dùng trong các gia đình Phật tử, hình bìa các tạp chí Phật giáo cũng như Biên bản các buổi họp. Nhưng sách hoàn toàn không nhắc đến tác giả của huy hiệu Hoa Sen và bài ca Dây Thân Ái. Tác phẩm trên đây được ra đời ở hải ngoại là một hạt ngọc đáng được trân quý. Những tài liệu dưới đây chỉ nhằm cung ứng cho lần tái bản sau, ngoài ra không có ý gì khác.Ðộng cơ hay hoàn cảnh nào khiến tôi đặt câu hỏi nầy?
Về huy hiệu Hoa Sen: Gia đình Phật Hóa Phổ do Cư sĩ Tâm Minh, tức Bác sĩ Lê Ðình Thám làm Phổ trưởng vào năm 1940. Huy hiệu Hoa Sen, trên năm cánh, dưới ba cánh, ra đời trong khoảng thời gian sau đó không xa. Mới đây, Ðảng Bharatiya Janata Party (BJP) ở Ấn Ðộ, trong ngày nhậm chức của Thủ Tướng, đảng viên phất cờ có in huy hiệu Hoa Sen trên năm cánh dưới ba cánh, kết cấu tương tự như huy hiệu Hoa Sen của Gia đình Phật tử Việt Nam. Vậy thì huy hiệu Hoa Sen nào ra đời trước và giữa hai huy hiệu đó liệu có tương quan gì không?
Về bài ca Dây Thân Ái:
Bài ca Trai Áo Lam của Mạnh Cương, Mồng Tám Tháng Tư (Mừng Khánh Ðản) của Lê Mộng Nguyên, Sen Trắng (Bài ca chính thức của GÐPTVN) của Ưng Hội, Phạm Hữu Bình, Nguyễn Hữu Quán, Phật Giáo Việt Nam của Lê Cao Phan, Xuất Gia của Hoàng Cang, Ðoàn Liên Hương (Bài ca chính thức của Ðoàn Thiếu Nữ Phật Tử) của Hoàng Cang, Trầm Hương Ðốt của Bửu Bác, là những bài ca xuất hiện trong thời kỳ phôi thai của Gia Ðình Phật Tử.
Hai bài ca thường được dùng trong sinh hoạt của Ðoàn, thứ nhất là bài Sen Trắng “Kìa xem đoá hoa trắng thơm, nhìn hào quang chiếu sáng trên bùn . . .” là bài ca mở đầu cho buổi sinh hoạt thường xuyên hay định kỳ, thứ hai là bài Dây Thân Ái “Dây Thân Ái lan rộng muôn nhà. Tay sắp xa nhưng tim không xa . . .”, hát lúc sắp chia tay, là những bài ca xuất hiện trong cùng thời kỳ nay vẫn còn làm vương vấn biết bao nhiêu kỷ niệm cho nhiều lớp tuổi. Bài Dây Thân Ái cho đến nay, rất nhiều người vẫn chưa biết ai là tác giả!
Tình cờ, tôi biết ai là tác giả. Tôi và tác giả vẫn thường dùng điện thư để thăm hỏi và tâm tình. Tác giả là một đồng nghiệp, ngành thủy lâm, cùng lớp tuổi với cha mẹ tôi. Nhân chuyện một người bạn tôi, qua điện thư, ngõ ý muốn xuất gia, tác giả đã đề cập vấn đề nầy một cách nhiệt tình, chúng tỏ rất uyên thâm về Phật giáo. Về lãnh vực chuyên môn thủy lâm, cuộc đời tác giả có thể viếât thành một thiên hồi ký. Chính đề nghị tha thiết của tôi về việc viết hồi ký, tác giả thực sự phân vân mãi. Tác giả nghĩ rằng mình là một Phật tử nên quên cái Ngã (Ta) của mình, nhưng trong anh em đồng nghiệp viết cho nhau biết về cuộc đời của mình thì không biết có nên hay không?
Thực tình, cuộc đời của tác giả ít ai biết nhiều, kể cả con cái trong nhà! Thấy tôi tỏ ra thú vị về cuộc đời lang bạt, có có không không, có nhiều đóng góp cho đoàn thể Phật tử lúc còn phôi thai, tác giả bắt đầu kể cho tôi nghe nhiều chuyện, trong đó có nhắc đến diễn tiến hình thành Gia đình Phật tử Việt Nam. Từ đó, tôi biết tác giả của huy hiệu Hoa Sen và bài ca Dây Thân Ái là Ông Lê Lừng, nay 80 tuổi, đang còn sống ở bên quê nhà.
Trích một bài viết của tôi về cuộc đời Ông Lê Lừng “Sau khi học hết Thành Chung (xưa gọi là Diplome) anh Lừng thi vào ngành thủy lâm vì bản tánh không thích ở một chỗ mà thích đi đây đó. Tôi nghĩ trong cung Mệnh của anh Lừng có lẽ có bộ sao Mã Khốc Khách hay Thiên Di, Thiên Ðồng hợp chiếu. Lúc bấy giờ, ngành thủy lâm hoàn toàn do người Pháp quản trị … Không có ai người Việt làm Trưởng Khu (Chef de Cantonnement). Có một lúc, khi thua trận Nhật bản, một số lính thủy (matelot) người Pháp giữ chức vụ Trưởng Hạt (Chef de Division), nhưng đa số không biết chữ. Ðó là tình trạng tại Sông Dinh, khi đi kiểm điểm ghi kích thước cây, thay vì Trưởng cơ quan cầm Sổ Kiểm điểm thì anh Lừng lại cầm Sổ Kiểm Ðiểm, còn người Pháp thì cầm thước kẹp, thước dây đi đo, cầm búa đi đóng. Năm 1942, anh Lừng vào làm ở Sông Dinh, Trưởng Hạt là Ông Nguyễn Thế Viên, rồi Ông Từ Câu. Sau đó anh Lừng về Phan Thiết, phụ tá cho một garde general, người lai Pháp, rồi đến đời Ông Ðặng Hiếu Khán. Năm 1960, anh Lừng đổi vào làm Bộ Cải Tiến Nông Thôn, đời Ông Trần Lê Quang.
Ðến năm 1962, anh Lừng xin về Nha Thủy Lâm. Chính giai đoạn từ 1942 đến 1950, anh Lừng cho biết đã học rất nhiều về lâm nghiệp. Sau 1975, anh ấy chỉ làm vài tháng, rồi cùng gia đình đi làm ruộng ở Phú Hội, Lâm Ðồng. Suốt thời gian làm một người kiểm lâm từ 1942 cho đến ngày nghỉ việc về với ruộng đồng, anh Lừng tha thiết với lâm phần, nhưng một mình không làm nên nỗi mùa xuân cho rừng thiêng, dù có thiết tha cũng đành chôn vùi vào kỷ niệm. Ở lớp tuổi nầy, anh Lừng chỉ còn sống với kỷ niệm, âm thầm nhìn lại những tấm hình do mình chụp vào những ngày xa xưa ấy. Là một Nhiếp ảnh viên, những phong cảnh núi rừng thơ mộng và trữ tình như cảnh Biển Lạc, Núi Ông, Lăng Cầu, đầu nguồn sông La Ngà, đỉnh núi Ðại Bình, cảnh rừng U Minh, ven theo rừng Ðước. . . đã cuốn hút “người săn ảnh” vào kiếp sống rày đây mai đó. Kỷ niệm vẫn còn dạt dào lúc sống trong những buôn Thượng chứa chan tình thân thiết hay buổi sáng tinh mơ nghe tiếng chim đa đa kêu tha thiết ở ven rừng.
Cuộc đời của anh Lừng với bản tánh thích tự do, phóng khoáng, thích làm những việc mà anh cho là bình thường mà thật ra không bình thường trong thiên hạ, làm rồi quên đi, sống ở nơi chân trời góc biển như một kẻ lãng tử giang hồ. Anh đã sống thật trọn vẹn với cuộc sống của một người kiểm lâm, leo rừng lội suối, thẩn thờ bên bờ suối một mình hát nghêu ngao hòa điệu với tiếng nước róc rách, chim hót trên cành hay dừng chân trong một buôn làng hẻo lánh để hòa mình trong tiếng chày giã gạo đêm trăng. Anh vẫn thường nói, anh không được đào tạo chuyên môn ở trường, nhưng tôi nghĩ chính anh Lừng đã trưởng thành trong thực tế của nghề nghiệp, đó mới là vốn quý. Ngày xưa sống như vậy nhưng ngày nay anh Lừng ăn chay trường đã trên hai chục năm rồi để giữ gìn sức khỏe, chứ không phải tu hành gì cả, là một quyết tâm lớn.
Anh nhớ lại vào hồi 1944, 45, khi Nhật sắp đầu hàng Ðồng Minh, ngành Thủy lâm bắt đầu giao cho chánh phủ Việt nam, vì người Pháp phần thì bị Nhật bắt, phần thì trốn đi. Hạt Sông Dinh cũng bị giải thể vì ở đó chỉ lơ thơ không đầy vài chục người dân, tuy trụ sở của Hạt rất khang trang, nhà cao cẳng toàn bằng gỗ, và đầy tiện nghi. Vì Hạt không còn hoạt động, anh Lừng phải xách va-li về Phan Thiết, nhập chung với Hạt Phan Thiết. Nói là xách va-li vì tất cả tài liệu của Hạt đều nằm trọn trong cái va-li đó. Nói là về đó làm việc, chớ kỳ thật, ngày nào máy bay Ðồng Minh cũng vào bỏ bom Thị xã Phan Thiết nên phần ai nấy lo đi tản cư, không còn bụng dạ làm việc nữa. Riêng anh Lừng thì tản cư lên Lại An, một làng cách Phan Thiết khỏang 7 cây số.
Hồi ấy, gần ngày 6-3-1945 là ngày Nhật đầu hàng, ngày nào lính Nhật cũng kéo nhau đi từng đoàn, không rõ đi đâu. Lúc ấy, tại Lại An, Xóm Lụa, Mủi Né, Phú Hài, có một trận dịch tả (cholera) mà người ta gọi là bệnh thiên thời làm chết rất nhiều người. Không ai dám đi đâu cả, ai nấy đều lo chạy giặc, nên không thể đi Bệnh viện Phan Thiết xin thuốc được. Xung quanh nhà anh Lừng đang ở trọ ngày nào cũng có người chết, trong xóm người lăn ra chết quá nhiều. Hồi ấy người ta chỉ mong đợi nơi quỷ thần phò hộ, tin tưởng nơi mấy ông thầy pháp nhưng khổ nỗi ông thầy vừa cúng cho bệnh nhân xong trở về nhà thì thầy cũng lăn đùng ra chết. Anh Lừng thấy vậy, bèn ra tay làm liều, thử xem, vì không giúp thì người ta cũng chết, chi bằng cứ làm ẩu theo suy nghĩ của mình, còn nước thì còn tát. Không phải lấy mạng sống con người mà thí nghiệm, nhưng bước đường cùng rồi, không ra tay thì họ cũng chết thôi. Anh đã nghĩ đến thuốc tím (permanganate de potasse) là một hóa chất khử trùng rất tốt, thường dùng để rửa rau, rửa mụt nhọt… Anh lấy thuốc tím pha với nước sôi để nguội rồi cho họ uống với phân lượng đàng hoàng thì người bệnh ói ra nước trắng. Thấy có nhiều hy vọng nên hôm sau tiếp tục cho các người bệnh khác uống. Anh cũng cẩn thận làm sổ ghi tên họ bệnh nhân, dung luợng, cho uống xong anh còn đạp xe đạp đi thăm thử ai sống ai chết.
Lần lần tiếng đồn xa, người ở các vùng khác cũng đến xin anh thuốc. Anh phải nấu sẵn nước, chứa trong lu và phải về dược phòng (pharmacy) ở Phan Thiết mua thêm thuốc tím thì mới đủ cung ứng. Mỗi lần anh cho bệnh nhân uống một chai xa xị thuốc, uống một ngày một chai. Có người đến báo là uống thuốc của Thầy Hai cho bị bí đái, không đi tiểu được. Anh liền tra cứu sách, cho họ uống lá mã đề. Thế mà cứu mạng sống cho khoảng 50 người. Sau nạn dịch, gia đình bệnh nhân đem cho nào là hột gà, nào nếp, nào gạo thơm, nào nước mắm để “tạ ơn” Thầy Hai, nhưng hồi đó “Thầy Hai” còn độảc thân, lúc nào cũng nhớ mình là một Hướng đạo sinh, là một Phật tử, nên quà cáp lăng nhăng đó đều giao cho chủ nhà trọ. Anh Lừng nói nhiều khi mình “ngu” mà cũng làm được việc! Một thầy lang bất đắc dĩ!
Anh Lừng nhắc đến bài ca Dây Thân Ái làm tôi nhớ lại, lúc tôi còn nhỏ, tôi thường hát mỗi khi sắp chia tay các bạn trong Khuôn Hội Phật Giáo Vĩnh Nhơn ở Thành Nội Huế. Anh cũng nhắc đến cái huy hiệu (logo) hoa sen năm cánh màu xanh lục mà các em trong Gia Ðình Phật Tử được gắn lên ngực sau khi làm lễ nhập Ðoàn. Thật không ngờ tác giả của bản nhạc và huy hiệu là do anh Lừng sáng tác. Mãi đến bây giờ ít ai biết được điều đó. Việc anh Lừng góp công sức sáng lập Gia đình Phật Hóa Phổ, khởi đầu từ miền Trung, theo anh, là do nhân duyên cả. Anh ấy vẽ huy hiệu hoa sen vào khoảng năm 1939 hay 40. Lúc bấy giờ, anh Lừng và Ông Lê Ðình Luân, con trai của Bác sĩ Lê Ðình Thám, là Hướng đạo sinh Ðoàn Ðinh Bộ Lĩnh ở Huế. Gia đình không cho anh gia nhập Hướng đạo, bảo rằng bọn xì-cút (scout) là bọn vác gậy mang bị gầy ốm như kẻ đi ăn xin.
Không thực hiện được ý thích của mình, lại thêm bản tánh chuộng tự do, anh ấy bèn mua một chiếc xuồng nang khá rộng rãi sống như kiểu thoát ly gia đình. Ban đêm thì ngủ ở xuồng, ban ngày đi ăn cơm tháng, đi dạy học và viết bài cho Bác sĩ Lê Ðình Thám. Nghề tay trái lúc đó là Tốc ký viên nghiệp dư, viết bài hay viết kinh do Ông Thám đọc, để hiệu đính lại và cho đăng trên báo Viên Âm. Tiền kiếm được do dạy học và viết bài cho báo.
Lúc đó, đời sống thật lãng mạn vô cùng. Ban đêm, còn gì sung sướng bằng, nghêu ngao giữa giòng Hương Giang lững lờ, cho thuyền trôi về Cồn Hến rủ vài đứa em cùng đoàn Hướng đạo đi ngược giòng nước rong chơi, hò hát trên sông, rồi ngủ thiếp trên xuồng khi nào không hay. Có khi, xuồng neo trên Huế, dây neo đứt từ hồi nào, xuồng nhẹ nhàng trôi qua Cồn Hến, đến một nơi nào xa lạ, sáng ngủ dậy mới hay, anh lại phải chèo ngược lên Huế. Cũng nhờ chiếc xuồng đó mà ngày ngày anh Lừng chèo lên Bến Ngự làm việc kiếm tiền, trưa chèo về dạy mấy em nhỏ. Các em nhỏ nầy là con nhà nghèo, con của giới cu ly xe kéo, của giới bán hàng rong, ngủ đường ngủ chợ, cù bơ cù bấc, nghèo đói. Anh đã dạy cho các cháu học, đặt bài hát tiếng Việt cho các cháu ca hát vào những đêm trăng.
Tôi có nhắc cho anh Lừng biết rằng khi tôi còn nhỏ có học với nhạc sĩ Ngô Ganh và nhạc sĩ Lê Cao Phan. Bài hát đến nay tôi vẫn còn thuộc nằm lòng: “Con chuột cắp trứng đi không biết làm sao kéo đi, liền gọi Chú khác vô, Chú kia bày mưu tức thì. Anh nằm ngữa bốn chân, anh lo ghì ôm trứng đi. Tôi thì kéo cái đuôi, kéo anh về hang tức thì” do Nhạc sĩ Lê Cao Phan sáng tác cho lũ con nít chúng tôi hát đã có từ lâu lắm, tại sao không dùng những bài hát như thế mà anh phải đặt ra?
Anh cho biết lúc anh còn ở Huế, hồi 1937, 38 không có ai viết nhạc cho thiếu nhi. Ông Lê Cao Phan hồi đó chưa viết nhạc. Liền đó, anh kể cho tôi một chuyện vui về nhạc sĩ Ngô Ganh, dạy nhạc lúc tôi còn ở bậc tiểu học, là bạn thân của anh Lừng sau những năm 38, 39. Ông Ganh lãnh dạy cho một trường tư ở Hội An của Ông Võ Sằn. Chánh quyền Hội An hồi đó cho là “anh” Ngô Ganh dạy trường “Vô Sản”. Trường nầy bị đóng cửa, Ông Ganh về lại Huế, sau làm Giám Ðốc Ðài Phát Thanh Huế. Chính vì nghe những đứa nhỏ trong xóm ở Ðập Ðá đêm nào cũng hát, mà nghêu ngao những tiếng Tây không ra Tây, tiếng Việt không ra Việt, nên anh Lừng mới lấy bài hát Tây đặt lời Việt đạy cho chúng hát. Anh Lừng còn làm một mái nhà nhỏ để dạy cho các em con nhà có tiền, lấy tiền đó rủ nhau đi cắm trại, lấy thế làm vui.
Khi tôi đang viết đến đây thì ngẫu nhiên vô cùng anh Lừng lại gửi cho tôi thêm một điện thư khác cũng nói thêm về các em nhỏ nhà nghèo. Anh viết thêm, lúc anh đang lập đoàn trẻ nhà nghèo, dù có tiền đi dạy, vẫn thấy thiếu thốn tiền bạc, nhất là không có đủ lều để anh em ngủ đêm khi đi trại. Anh bèn viết thư ra Hà Nội cho Nhà Sách Nhất Nam Thư Quán bán bản quyền một cuốn truyện nói về Khoa học Thần bí do anh dịch từ Pháp văn với giá 8 ngàn đồng. Sồ tiền 8 ngàn đồng lúc đó to lắm vì một lon sữa bò gạo gía chỉ 1 xu mà thôi. Thế là anh cong lưng dịch trong vòng 8 ngày, gởi ra cho họ in, với biệt hiệu là Linh Sơn. Nhận được tiền, một phần anh gửi ra Hội An cho mấy người em, một phần sắm nồi nêu soong chảo và nhất là làm cái lều bằng đệm buồm cho các em đi chơi có chỗ ngủ lại đêm. Anh nghĩ rằng anh là người đầu tiên lấy đệm buồm bằng lá buông may thành lều, tuy nặng nhưng có còn hơn không.
Lúc đó, anh còn viết cho báo Thế Giới ở ngoài Bắc. Anh cho biết nói là viết báo, nhưng thực ra là dịch từ những bài trong báo Pioneer của Pháp để gửi đăng. Anh nhận định rằng, phía tả phái, hay phía Cộng sản, họ không chịu lối giáo dục của Hướng đạo vì họ cho là sản phẫm của đế quốc do một ông tướng người Anh là Baden Powell lập ra để trừ dân Zoulou. Họ lập ra đoàn Pioneer có nghĩa là mở đường khai lối, như Ðoàn Thiếu niên, Thanh niên Tiền phong bây giờ ở Việt nam. Cùng lúc đó, trong Nam, có tờ báo Khoa học Thần bí do Ông Bùi Thiên Lương làm chủ bút, mời anh hợp tác. Tòa soạn nhận được ảnh của anh Lừng gửi vô Saigon để làm Thẻ Báo Chí (carte de presse) họ thật không ngờ người họ mời hợp tác chỉ là “một thằng con nít nhỏ xíu”. Thật ra, anh chỉ dịch những sách có sẵn trong tủ sách gia đình. Viết về Lễ Nam Giao, anh có đến tận nơi để nghiên cứu. Còn những bài viết về các lăng tẫm ở Huế thì anh dịch từ các tạp chí của Pháp như Bulletin des Amis du Vieux Hue (Tập san của những người bạn của Huế xưa), rồi còn dựa theo các bài viết còn vẽ thêm các hình vẽ, thế là trong Nam cho là lạ nên cho đăng ì xèo.
Trong đám trẻ con trong đoàn nhà nghèo, cũng có con em nhà có tiền theo học với anh Lừng. Trong đó có Ông Nguyễn văn Thiện sau nầy là Chuẩn tướng Tư lệnh Thiết Giáp thời Ông Diệm. Tuy là tướng, nhưng mỗi khi ra Phan Thiết đều có đến thăm anh Lừng. Về sau, tướng Thiện đi trên phi cơ hai chỗ ngồi, bị mất tích rất bí mật ở ngoài biển. Còn trong Gia đình Phật Hóa Phổ có Ông Nguyễn Ngọc Loan, sau nầy là tướng mà anh Lừng cho là “ngang bướng”, có dính líu tấm hình được giải Pullitzer chụp được trong Trận Mậu thân, đã qua đời.
Về sau, lụt trôi mất chiếc xuồng, anh Lừng phải đi bộ từ Ðập Ðá lên đến Bến Ngự để làm việc. Gia đình Bác sĩ Thám thấy anh Lừng sống lang bạt, bảo về sống chung trong gia đình. Trong gia đình Ông Thám, chiều nào cũng tụng kinh. Anh em trong nhà và các em nhỏ trong xóm cũng đến tụng kinh buổi chiều. Nhân dịp nầy anh Lừng bàn với con Ông Thám thành lập một đoàn hướng đạo rồi gọi là Hướng đạo Phật tử. Ý kiến nầy được Ông Thám chấp thuận nhưng thay vì lấy tên Ðoàn Hướng Ðạo Phật Tử thì lấy tên là Gia đình Phật Hóa Phổ. Nếu lập Ðoàn Hướng đạo thì phải xin phép chánh quyền thêm rắc rối, chi bằng cứ coi là đoàn của gia đình, phổ biến Phật học trong phạm vi gia đình thôi. Từ đó, Gia đình Phật Hóa Phổ Tâm Minh (Tâm Minh là pháp danh của Ông Thám) hoạt động, và Gia đình Phật Hóa Phổ là một tổ chức Gia đình Phật tử đầu tiên vậy.
Gia đình Phật Hóa Phổ có mục đích phổ biến đạo Phật, dạy cho các em nhỏ biết lòng tin chân chánh, theo đạo đúng đắn, không bị mê tín dị đoan làm mê lầm. Lần lượt các nơi khác ở Huế cũng thành lập theo mô thức đó, chẳng hạn như gia đình Ông Tôn thất Tùng ở Bến Ngự do Ông Ðinh văn Nam mà anh Lừng lúc đó gọi là anh Nam (nay là Hòa Thượng Thích Minh Châu) phụ trách, ở Vỹ Dạ có gia đình Ông Nguyễn khoa Toàn, ở Bến Ngự còn có gia đình Ông Nghè Khác…Chủ trương lúc đó là ngăn cấm không cho các em nói tiếng Việt pha tiếng Pháp, hễ nói tiếng Pháp thì phải nói nguyên câu. Những lần đi cắm trại gần Nam Giao như Tứ Tây, Trúc Lâm, Tây Thiên, hay trong các rừng Thông tại Huế, anh Lừng làm Trại trưởng. Khi về nhà anh ta viết một bài tả lại cuộc cắm trại đó và đăng trên báo.
Khi Ðoàn Phật Hóa Phổ đã đông, anh Lừng tự hỏi tại sao mình không có một huy hiệu đeo trước ngực như anh em bên Hướng đạo khi làm lễ tuyên thệ có đeo huy hiệu Hoa Huệ (fleur de Lis). Anh Lừng bèn tự ý vẽ ra, không bắt chước của ai, cũng không phải “do nằm mộng” thấy hoa sen, miễn sao đơn sơ và đẹp. Sau nầy có Ðoàn Phật Học Ðức Dục, gồm những vị có học thức mà muốn tìm hiểu thêm Phật giáo, cũng dùng huy hiệu hoa sen nầy nhưng thêm mấy chữ viết tắt PHÐD ở phía trên. Ðoàn Phật Học Ðức Dục gồm các em lớn tuổi hơn các em trong Gia đình Phật Hóa Phổ, do Bác sĩ Thám dắt dìu nhằm đào tạo thanh niên trí thức làm rường cột cho việc hoằng dương chánh pháp. Nhưng anh Lừng không ngờ sau khi rời khỏi Huế vào Nam làm Kiểm lâm, huy hiệu hoa sen lại được phổ biến khắp toàn quốc, nhất là miền Trung. Từ chùa chiền, đình miếu, hay trụ sở các Hội Phật học, cho đến các quan tài cũng trang trí hình hoa sen đó. Cũng trong thời gian trên, bài hát Dây Thân Ái ra đời cùng với nhiều bài hát khác.
Sau nầy, anh Lừng cho rằng việc anh vẽ huy hiệu hoa sen, trên năm cánh, dưới ba cánh có liên hệ đến vấn đề nhân quả và nhân duyên. Tôi ngạc nhiên tại sao liên hệ hai vấn đề nầy thì được anh giải thích coi bộ rất là lý thú. Anh nghĩ rằng kiếp trước anh là một ngườithợ đục đá (sculpture) trong một ngôi đền thờ nào đó bên Ấn Ðộ. Lý do là cách đây không lâu, khi xem truyền hình, anh Lừng thấy trong một cuộc bầu cử ở Ấn Ðộ, các đảng viên Ðảng BJP (Bharatiya Janata Party) có nâng cao và phất cờ có huy hiệu hoa sen của Ðảng BJP, cũng trên năm cánh, dưới ba cánh tương tự như hoa sen mà anh Lừng đã vẽ khoảng năm 1939, 40. Theo anh Lừng, đây là một sự trùng hợp lạ lùng. Nhớ lại lúc anh đang làm kiểm lâm, có một người Ấn Ðộ tự nhiên vào nhà tình nguyện coi bói toán cho anh. Anh vốn không tin và không thích bói toán nhưng Ông ấy đã nói thì cũng nghe xem sao. Ông thầy bói bảo rằng kiếp trước của anh Lừng là một Hoàng tử Ấn Ðộ, có ngôi chùa, sau phạm lỗi, mới sanh anh Lừng ra tại Việt nam. Ðối với anh Lừng, đó là chuyện tào lao, nhưng anh tự nghĩ, trong số 7 người con của anh, có 3 người (2 người hiện ở San Jose, 1 người ở Vũng Tàu) sao giống Ấn Ðộ vô cùng, cũng mắt to, có quầng đen bao quanh mắt, mũi dọc dừa, nét mặt Ấn Ðộ hoàn toàn.
Nhân tôi đề cập đến tình hình anh em cựu tù nhân chính trị qua Mỹ theo diện H.O. thì mới biết anh Lừng cũng là một chiến hữu, đồng màu cờ sắc áo. Anh bị động viên vào quân trường Thủ Ðức vào một trong những khoá đầu tiên. Vì là khóa phụ, toàn là bộ binh, không như các chính khóa có việc chọn lựa các binh chủng như Pháo binh, Truyền tin, Quân nhu, Thiết giáp… Trọn khóa phụ nầy, gồm 3 Ðại đội, đều phải đi tác chiến. Một số người có năng khiếu huấn luyện, như anh Lừng, thì được cho đi học Huấn luyện viên tác chiến (combat) trong ba tháng ở Vũng Tàu. Ở đây cũng có người Pháp dạy và tân binh thì do các nơi đưa đến cho đồng khóa của anh Lừng thực tập huấn luyện. Anh Lừng sáng tạo ra lối dạy lính cho dễ nhớ là dạy theo cách anh làm thơ hay đúng hơn là làm vè, do đó anh được xếp hạng Sĩ quan ưu tú (officer de valeur) rồi cùng khóa trở ra Suối Dầu Nha Trang, ở trong các “chuồng bò”, chờ ngày Trường Biệt Ðộng Quân Ðồng Ðế xây dựng xong rồi ra đó dạy.
Suối Dầu là nơi ở tạm của Sĩ quan bổ nhiệm đến Trường Ðồng Ðế. Các anh em khác thì chờ, nhưng riêng anh Lừng thì được cử phụ trách Phòng Họa, vẽ các tranh ảnh lớn làm trợ huấn cụ như các cách tập cho tân binh, cơ bản thao diễn, động tác thể dục, các bộ phận khí cụ như súng, lựu đạn… Họ lựa anh Lừng chỉ huy Phòng nầy vì anh có khiếu vẽ. Vả lại, trong đời dân sự trước đó, anh Lừng có học hàm thụ Trường École ABC de Dessin ở Paris, nên có chút kiến thức về hội họa. Lúc đó, ở Suối Dầu không có tuyển mộ tân binh nào cả. Trong khoảng thời gian 1951, 52, tuy là Huấn luyện viên tác chiến, anh lại được cử làm Chánh Sở Hành Chánh gồm các phòng quân vụ, tài chánh, vật liệu, quân xa cho Trường Biệt Ðộng Ðội và Thể Dục là Trường dạy cho cấp Trung sĩ. Mỗi Phòng có một Thiếu úy đồng khóa phụ trách. Trường nầy, khi đồng khóa của anh mới đến, chỉ có hai dãy là nhà xây dùng làm nơi làm việc và văn phòng. Còn chỗ ở của Sĩ quan và anh em binh lính đều là nhà tranh, dần dần mới xây nhà ngói. Chính anh đã vẽ cho Trường Biệt Ðộng Quân huy hiệu lưỡi kiếm nằm trên đầu con báo đen.
Thời gian nầy, tánh anh anh Lừng trọng nguyên tắc quân đội (règlo) nên anh em ít ưa nhưng ngược lại đối với anh em lính tráng cấp dưới thì rất thương. Hồụi đó, mỗi Sĩ quan đều có một người lính phục vụ. Ai cũng bắt lính xách nước vô phòng cho họ tắm, còn anh Lừng thì ra tắm chung với anh em lính ở giếng công cộng. Khi giải ngũ về làm kiểm lâm ở Phan Thiết, một lần nọ, có một số anh em ở Ðồng Ðế đi công tác ở Bình Thuận, gồm một Tiểu đội. Họ tìm dến nhà anh Lừng, sắp hàng dài, có một Trung Úy người Huế chỉ huy anh em, nào nghiêm, nào chào đúng lễ nghi quân cách. Họ mời anh Lừng ra và trình diện y hệt như lúc còn quân trường, đến thăm Trung úy. Thế rồi, anh Lừng cãm động quá, cũng đi bắt tay từng người như lúc còn trong quân trường, lại là dịp cho cuốn phim dĩ vãng đời quân ngũ trở về trong trí nhớ. Ðây là câu chuyện do anh Lừng kể nhằm khéo léo trả lời trực tiếp một điện thư của tôi hỏi về cấp bậc cuối cùng trong quân ngũ của anh trước khi giải ngũ.
Lúc tốt nghiệp ở Thủ Ðức, người bạn thân của anh là “anh” Phạm Kim Ðỉnh trước 75 là Trung tá phục vụ ở Bộ Quốc Phòng, nay ở Pháp, gắn huy hiệu Thiếu úy cho nhau khi ra Trường. Ông Ðỉnh tặng cho anh Lừng một bài thơ như sau:
LÊ gót sắt trên đồi dưới ruộng,
LỪNG tiếng tăm trong mến ngoài thương.
Thân tặng anh nhớ những buổi chiều
Mến người bạn quý nhìn đời xa xa.
Chính người bạn thân nầy đã góp bàn tay giúp cho anh Lừng trong việc xin giải ngũ, thỏa mãn được mong ước của mình “là một người cha tốt, người chồng tốt”, là không bao giờ muốn sống xa vợ con, đồâng thời tìm cơ hội để thoát khỏi bộ áo ka-ki, “sợ chết vì chiến tranh”. Anh Lừng ở trong quân đội trên hai năm thì giải ngũ.
Anh Lừng hiện nay cùng gia đình ở Gia Ðịnh nhưng dưới nhãn quan của anh, anh đã xuất gia. Bởi vì xuất gia là gì, theo anh, là ra khỏi ngôi nhà phiền não, chớ không có gì khác. Bỏ qua những gì canh cánh bên lòng, nhất là những việc trước mắt, không thể hay chưa thể thực hiện được. Việc gì có thể bỏ qua được cho nhẹ nhàng thì bỏ qua đi: không trách ai, giận ai, phiền ai cả. Giữ tấm lòng thanh thản nhẹ nhàng, quên đi những ân oán cũ, hay những phiền não cũ mà hiện nay thấy là vô ích. Nói chung, tránh phiền não. Chính nhờ có computer, anh Lừng có công việc làm hằng ngày khá bận rộn: soạn kinh, trả lời và viết
thư gởi bạn bè. Việc soạn kinh của anh là gom những ý chính (phần nhiều rất khó hiểu), tóm lại cho dễ hiểu nhưng vẫn giữ ý chính và viết lại cho những người mới học. Anh in ra từng đợt độ 9, 10 cuốn gởi cho những Chùa nghèo thiếu kinh ở miền Trung, và biếu những ai có đạo tâm muốn học hỏi. Anh có tâm nguyện làm 9 cuốn kinh thường dùng nhất tại Việt nam, nay đã làm xong 6 cuốn và đang nguyện Tam Bảo giúp anh hoàn thành Phật sự nầy. Anh chỉ làm việc buổi sáng vì mắt anh bị cườm (cataract), phải dùng thuốc làm cho con ngươi nở to ra mới đọc được. Anh em chúng tôi khuyên anh đi mổ mắt nhưng anh nghĩ đã lớn tuổi rồi, vả lại tại Việt nam số người đi mổ mắt như vậy nhiều người bị lại nên anh để liều.
Anh Lừng kể những câu chuyện nầy cho tôi biết và tôi lại muốn kể lại cho các bạn đồng nghiệp cùng biết.”
Ðoạn trích trên đây do tôi viết trước khi tôi đọc cuốn sách dày về Gia Ðình Phật Tử Việt Nam – 50 năm Xây Dựng. Tôi có liên lạc ngay với Ông Lê Quang Linh ở San Jose, là một thành viên trong Ban Ðiều Hợp Trung Ương GÐPT Hải Ngoại, có tên ghi sau sách để đề cập về tác giả của huy hiệu Hoa Sen và bài ca Dây Thân Ái. Tối hôm đó, Ông Linh điện thoại báo cho tôi biết đã tìm được tài liệu cho biết tác giả là Ông Lê Lừng, người mà tôi vừa mới kể chuyện. Chị Trương thị Châu, xưa kia hoạt động ở Khuôn Hội Vỉnh Nhơn Thành Nội Huế, là nơi tôi được gắn huy hiệu Hoa Sen và đã từng cầm tay thành vòng tròn hát bài Dây Thân Ái khi còn nhỏ, cũng mong muốn được biết vài nét về tác giả mà xưa nay không nghe ai nhắc đến. Hy vọng lần tái bản sau sẽ có in hình Ông Lê Lừng bên cạnh bài ca và huy hiệu.
Tâm Hảo HỒ PHÙNG, 11/9/98 Olympia, WA
====================
Huynh trưởng Lê Lừng đã mệnh chung vào lúc 1h sáng, ngày 20/08/1999 tại Gia Định, Việt Nam
Từ nhiều nguồn trên Internet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét