Lớn Dần
Từ Khoa
phóng lớn
Dũng phập phồng hồi hộp, trống ngực đập thình thịch, cái can đảm như tên của nó mỗi khi hướng dẫn đội Thiếu nam thi hành công tác ngày Dũng, chẳng biết tan như mây khói hồi nào.
Thật ra Dũng cũng rất dũng cảm khi nhận lãnh công tác đoàn giao xuống cho đội, là Đội trưởng đội thiếu nam trong Gia đình Phật tử Chánh Đạo, nó thường hoàn thành xuất sắc công việc điều hành đội và luôn tự giác trong mọi công tác, nhưng cái dũng trong con người nó được các anh chị huynh trưởng thương mến là can đảm nhận khuyết điểm của mình và chịu trách nhiệm về mình khi trong đội có đội sinh vi phạm lỗi. Cũng do sự can đảm này mà Dũng được các bạn trong đội quý mến. Biệt danh "Dũng cáy" từ lâu cũng phai mờ, chẳng còn ai gọi, các anh chị trong gia đình luôn nêu cao gương can đảm của Dũng.
Vinh dự nhất là có lần Đoàn đi trại hè tại một chùa dưới Lái Thiêu, Bình Dương. Buổi trưa, cả bọn, đứa thiu thiu ngủ, đứa nằm xem truyện tranh Đôrêmôn. Dũng xin phép anh Đoàn trưởng vô xóm mua trái cây. Được đồng ý, nó cùng ba bạn cùng đoàn ra đi, khi đi ngang cầu Búng thì nghe tiếng trẻ em kêu : "Mấy anh ơi, cứu nó với !" Cả ba quay về hướng kêu, thấy một toán thiếu niên đang tắm sông có một em bị hụt cẳng đang trồi lên hụp xuống. Chạy vội xuống, chỉ kịp cởi giầy, Dũng nhẩy tùm xuống nước, một em khác lanh trí quăng thêm cho nó khúc thân chuối do bọn trẻ tắm sông mang theo làm phao. Nó bơi ra đến nơi chỉ kịp chụp tóc thằng nhỏ kéo lên, một tay bám vào thân chuối ; thằng nhỏ trồi lên mặt nước ho sặc sụa, đưa tay chụp cây chuối, rồi cả hai bơi vào bờ. Cũng may, khúc sông cầu Búng chỉ là một khúc kinh, chi nhánh của sông Vàm Cỏ Đông, nước không chảy xiết, nên một thiếu niên 14 tuổi như Dũng có thể cứu người không mấy khó khăn, thằng bé nạn nhân cũng chỉ là một đứa trẻ 12 tuổi. Thằng nhỏ thoát chết, nhưng cũng uống nước không ít, lên đến bờ một lúc thì nó đừ người rồi ói nước ra xối xả. Gia đình nó chạy ra mang nó về, họ không ngờ ân nhân cứu con họ lại là một đoàn sinh gia đình Phật tử mới 14 tuổi. Chiều hôm đó họ mang trái cây vào chùa tìm gặp Dũng cám ơn, và vinh dự thay cho đoàn sinh Thiện Hành, pháp danh của nó, được Thầy trụ trì khen ngợi trước Gia đình.
Nhưng bây giờ thì nó run vì phải đi ngang miễu cô Bé. Mới 8 giờ mà trời tối đen, không gian sũng nước, mưa nặng hạt, gió từng cơn rít qua hàng cây, tạt từng cơn thốc vào mặt, kéo tấm nylon màu xanh lá đậm che kín cổ, bước chậm lại và thỉnh thoảng quay đầu lại đàng sau xem có người lữ hành nào đi ngang đây vào lúc này để đồng hành chung với nó ; nhưng càng đến gần miễu thì vẫn không một bóng người, đường vào xóm vắng tanh, ảm đạm, lầy lội, cơn mưa ngoại ô từ chiều đến giờ vẫn dai dẳng không dứt. Tù mù ngọn đèn đường, miễu cô Bé ẩn hiện xa xa nằm dưới gốc cây bàng to xù cành lá, cái miễu lù lù một khối đen ngòm như một nấm mồ.
Dũng quét đèn pin về phía miễu mong nhờ ánh sáng sẽ làm tỏ ngôi nhà nhỏ như nhà búp bê, hòng xóa đi nét âm u để đỡ làm sợ, nhưng ánh sáng chiếu vào trong miễu thì càng nom rõ những con búp bê "cúng cô" dựng trong đó. Nó bỗng khựng lại, vì dường như có một con búp bê đưa tay ngoắc nó. Dũng rợn tóc gáy, chân nó quíu lại, nhớ lời Thầy dặn, nó niệm "Án ma ni bát di hồng". Vị trí nó đứng chỉ cách miễu có mười mét, con đường dẫn vào xóm sâu hun hút, một bên là bức tường xi-măng ngăn cách nhà máy sản xuất đường mía với con đường, một bên là những khu vườn cau, vườn trầu vùng Bà Điểm. Nó mở to mắt nhìn chăm chăm về phía gốc bàng, không phải tay con búp bê vẫy mà dường như có một bóng người đàng sau miễu, chập chờn ẩn hiện cạnh gốc cây. Miệng nó niệm to hơn, "Án ma ni bát di hồng", nó không còn dám nhìn bóng người ấy nữa mà cố chạy ù qua khỏi gốc cây, khi chạy ngang qua, linh tính cho nó biết có người đang nhìn mình. Một ánh chớp loè lên, nó quay đầu liếc ngang, một khuôn mặt đàn bà đầu tóc rũ rượi xanh mét đang đưa tay ngoắc nó vào. Nó hét lên, không còn niệm chú nữa mà cắm đầu cắm cổ chạy một mạch. Đường trơn trợt, đôi lúc suýt té, nó cố gượng đứng rồi tiếp tục lao thẳng vào xóm. Trong xóm, các nhà đều còn thức, ánh đèn nê-ông chiếu sáng ra đường khiến nó hoàn hồn, nhắm hướng nhà trực chỉ.
Chị Tư, mẹ Dũng, thấy nó về, mặt mày xanh mét, tưởng nó bị lạnh, hối hả đỡ tấm nylon cho nó, thấy nó thở hổn hển, hỏi :
- Con làm gì mà thở dữ vậy ?
- Má ơi ! Con thấy ...
- Thấy cái gì ?
- Con thấy cô Bé ngoài miễu má ơi ! Ghê quá má ơi !
Anh Tư đang ngồi đọc báo trên chiếc bàn cạnh đó, buông tờ báo xuống, ngước mặt lên :
- Thiệt không ? Hay thần hồn nhát thần tính ? Mà sao hôm nay sinh hoạt gì mà về trễ vậy con ?
Trong không gian ấm cúng, sáng sủa của gia đình, Dũng hoàn hồn kể :
- Dạ, tại hôm nay ngày Dũng, cả Đoàn con đi giúp một xóm cạnh chùa khiêng đá lấp mấy ổ gà để bà con trong xóm đó đi lại đỡ lầy lội, khi về đến chùa thì trời xập mưa, con định nán lại cho tạnh mưa mới về, nhưng mưa hoài không dứt, nên sau đó con mượn Thầy tấm mủ này để về thì trời đã tối. Anh đoàn trưởng định chở con về tận nhà, nhưng vì nhà mình gần chùa nên con xin đi bộ về một mình. Ai dè khi đi ngang miễu cô Bé, con thấy cổ ba ơi ! Ghê quá !!
Quay sang chị của Dũng từ nãy đến giờ vẫn đứng nhìn thằng em, anh Tư nói tiếp :
- Hoa, con lo dọn cơm cho em ăn đi con.
Tuy không tin chuyện ma quỷ, nhưng anh Tư không phải đã không nghe bà con trong xóm, nhất là chị Tư và con gái anh, thường kể về chuyện ma ở miễu cô Bé.
Cách đây hơn năm, cô Bé con gái út của ông bà Sáu Độ ở xóm trong làm thợ dệt tại mấy hãng dệt tư ở Hóc Môn đi làm về bằng xe đạp. Sắp đến nhà máy đường, chuẩn bị quẹo vào con đường dẫn vào xóm thì cô bị một bọn du đãng đua xe, phóng xe trên quốc lộ 1, đoạn Hốc Môn - Bà Quẹo đụng trúng. Chiếc xe đạp văng ra xa, cong queo, còn cô Bé té đập đầu xuống đất chết tức thì. Thiệt tội nghiệp cho cô Bé, nhờ có người bên đường ghi được số xe thủ phạm, ông bà Sáu tức quá khởi tố, công an truy tìm được hắn. Nhưng cái thằng khốn nạn đó lại là con của một thiếu tá công an tại sở công an thành phố, nên toà án nhân dân huyện Hốc Môn cũng chỉ xử phạt qua loa và bắt tên nọ bồi thường cho gia đình nạn nhân hai triệu đồng cho xong chuyện. Ông Sáu không chịu, ném hai triệu vào mặt mụ Chánh án ủy ban huyện, rồi cầm đơn ra về. Ông ta quyết định kiện lên đến thành phố, nhưng rồi sau ba tháng lê lết hết tòa to tòa nhỏ, sanh mạng con gái ông cũng chỉ được đánh giá bằng tiền, từ hai triệu thành năm triệu, còn cái thằng khốn nạn kia vẫn ung dung sống phây phây trên đường phố. Ông bà Sáu đau lòng đứt ruột, một thời gian sau ông bà bán nhà, dọn về ở chung với người con trai tại quận tư bên Khánh Hội.
Thảm cảnh xảy ra cho ông bà Sáu làm chòm xóm mủi lòng thương xót cho nạn nhân đến đâu thì mọi người cũng phải quên để chạy theo đà mưu sinh cuộc sống. Tưởng rằng như vậy đã êm ả, bỗng một hôm người ta đồn dưới gốc cây bàng có ma, mà khởi đầu là những người buôn sớm bán khuya. Một đồn hai, hai đồn tư, tư đồn tám, riết rồi cả xóm ai cũng biết. Người ta cho là cô Bé chết oan, không siêu thoát được, nên hùn nhau lập miễu thờ. Những chuyện về cô Bé làm kinh hoàng các bà các cô trong xóm và nhất là đám thiếu niên cỡ tuổi Dũng. Chuyện càng ngày càng có nhiều khúc chiết ly kỳ. Có người thường thấy cô ngồi ủ rũ dưới gốc cây khóc vào những đêm mưa. Có người thì thấy cô đang làm những động tác như dệt vải vào những đêm trăng sáng, nhưng ngoạn mục hơn hết là bước chân lội nước của cô. Số là có lần trời mưa rất to, nước các cống, mương thoát không kịp nên con đường vào xóm trở nên lụt lội, ai muốn về nhà cũng đều phải sắn quần lên đầu gối để lội.
Chị Hai Lung bán chè, nhà cạnh nhà chị Tư, kể lại : "Chị Tư biết hôn, em gánh chè về nhà lúc đó mới khoảng 10 giờ chứ mấy, mưa tạnh rồi, nhưng còn phải lội vô xóm. Bình thường em lội đi đâu có sao, nhưng hôm đó em bỗng có cảm giác có người lội theo em. Tiếng nước lội bì bõm đàng sau em, em thử quay lại nhìn thì hổng có ai hết trơn. Ban đầu em tưởng đó là tiếng nước do bước chân em khuấy. Nhưng đến khi em đứng lại rồi, mà vẫn nghe tiếng nước khuấy bì bõm phía sau đều đặn như bước chân người ta lội nước. Em hoảng quá, nói lớn : Bé ơi Bé, em sống khôn chết thiêng đừng về làm cho bà con lối xóm sợ nghe em ! - Rồi túm hai cái gióng đi cho lẹ về nhà. Từ đó trưa nào gánh chè đi bán em cũng cúng cho con Bé chén chè ! ờ, mà hay lắm nha chị Tư, con Bé phò hộ cho em hay sao mà từ đó tới giờ chưa ngày nào em bán ế hết trơn đó !!! - Ngừng một chút, chị Hai thở dài - Nghĩ lại thấy tội nghiệp con Bé với hai bác Sáu quá !!"
Từ đó, thỉnh thoảng người trong xóm vẫn thường ra miễu cúng cho cô Bé, xin cổ buôn may bán đắc và nhất là đừng hiện ra làm sợ chòm xóm nữa. Không biết cổ có nghe không nhưng từ đó ít ai thấy cổ hiện ra, cho tới hôm nay thì anh chị Tư lại nghe chính thằng con trai mình thấy cổ hiện ra để nó thấy.
Gần một năm nay anh Tư và hai đứa con anh ta vừa lo lắng vừa mệt mỏi về bệnh tình chị Tư, lương công nhân ba cọc ba đồng không làm sao đủ để chữa chạy bệnh cho chị Tư hết bệnh viện nọ đến bệnh viện kia. Cũng may là anh chị cũng có ký cóp được một chút của chìm của nổi từ trước 1975, rồi cứ hết chỉ vàng nọ đến chỉ vàng kia anh mang ra bán với hy vọng là giữ được mạng sống vợ mình. Mới đầu chị Tư bị phát hiện là ung thư vú, thế là phẫu thuật phải cắt hết một bên ngực, tưởng đã thoát nhờ phát hiện kịp thời, nhưng ba tháng sau thì lại phát hiện chiếc vú còn lại cũng có mầm ung thư, lại cắt nốt phần còn lại. Và 6 tháng sau thì chị thấy đau bụng, người ta phát hiện tiếp chị bị đau gan.
Những ngày chị Tư hết ra phòng mổ lại vào phòng mổ, kinh tế gia đình phải đặt trong tình trạng thắt lưng buộc bụng. Ngoài buổi đi học, hai chị em Dũng thay phiên nhau mang cơm vào bệnh viện thăm nuôi mẹ. Dũng học buổi sáng, nên có nhiệm vụ thăm nuôi mẹ buổi chiều. Sự mệt mỏi, lo âu khiến nó không còn bị ám ảnh bởi bóng ma cô Bé mà nó thấy nữa. Có những tối từ bệnh viện về trễ, đi ngang qua miễu hồi nào nó cũng chẳng hay. Chứ hồi trước, sau lần nhìn thấy bóng ma cô Bé, nó sợ suốt mấy tháng liền. Buổi sáng nó không dám đi ngang qua đó trước 6 giờ, buổi tối nó không dám về sau 9 giờ, gặp ngày trời mưa thì ở nhà luôn. Có những lần đi trại phải khởi hành sớm, nó mang ba lô tới chùa ngày hôm trước rồi ngủ luôn ở đó. Lần nào đi trại về trễ, nó cũng ngủ lại chùa rồi hôm sau mới về nhà, còn nếu không thì nhờ anh Đoàn trưởng đưa về. Vậy mà chẳng hiểu nó trở nên gan dạ từ lúc nào không biết ? Có lẽ thêm một tuổi, cao hơn một chút, nó gan dạ hơn !
Chuyện gì cũng phải đến hồi kết thúc, bác sĩ điều trị cho chị Tư vừa báo cho anh Tư một tin khiến anh chết sững :
- Chúng tôi thành thật chia buồn cùng anh, bệnh của chị nhà đã di căn rồi, dầu đã giải phẫu và bắn xạ quang, cũng chỉ làm chị giảm đau mà thôi. Tình trạng của chị nhà, y học hiện tại đành bó tay, chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức.
Hai tuần sau, thì chứng ung thư gan đã cướp của anh Tư một người vợ, cướp của Hoa và Dũng một người mẹ. Lúc tẩm liệm chị, tóc chị đã rụng hết, đầu trọc lóc, da đổ vàng như nghệ. Anh nhìn mặt vợ lần cuối, không than khóc nhưng nước mắt cứ tuôn dài trên má, Hoa thì gào lên gào xuống, còn Dũng ủ dột mếu máo gọi "Má ơi !". Thầy trụ trì đến làm lễ hộ liệm cho má nó, cả đoàn Thiếu nam và anh Liên Đoàn trưởng Chánh Đạo đến chia buồn cùng nó và gia quyến.
Nó là đứa con "mũ gậy" (*) duy nhất của anh chị Tư. Ngày đưa má nó ra nghĩa trang chùa Hoằng Pháp ở Hốc Môn, nó mới thật sự thấm thía nỗi đau mất mẹ, nó khóc đến nỗi tấm ảnh chị Tư cầm trên tay đầy nước mắt của nó rớt xuống. Một em ngành Thiếu nam cùng đội dẫn nó đi ngược, vì cảm xúc với nỗi đau của bạn đội nên cũng khóc theo. Cả xóm đi đưa chị Tư.
Văn nghệ lễ Vu Lan chấm dứt, thu dọn xong thì cả Gia đình Chánh Đạo đều ở lại chùa dùng cơm chiều, không khí vui ngộn buổi văn nghệ vẫn rộn ràng trong lòng mọi người, từ bác Gia trưởng đến em Oanh Vũ nhỏ nhất cũng rộn vang tiếng cười. Dũng vừa qua tuổi 16, ria mép lún phún lông măng, vóc dáng nó đã ẩn hiện nét thanh niên ít nhiều, nó cao hơn chị Hoa của nó, tính tình bỗng trầm lặng hơn. Hồi nãy nó cười nói hăng say sinh hoạt bao nhiêu thì bây giờ nó trầm ngâm bấy nhiêu. Trong khi cả Đoàn đang hối nhau ăn cơm thì nó ra sau chùa, ngồi bên hồ nước có hòn non bộ nhìn hờ hững mấy chú cá vàng lững lờ, tay rút hoa hồng trắng cài trên túi áo lam, se se cuống hồng, đoá hoa quay tròn ngược xuôi giữa hai ngón tay. Hoa hồng trắng làm nó nhớ mẹ nó. Mẹ nó ra đi đã bốn tháng rồi mà nỗi nhớ mẹ vẫn không nguôi trong lòng. Nó ước ao được gặp lại mẹ như nó đã gặp cô Bé. "Chắc chắn mình sẽ chạy đến ôm má, chứ không chạy như gặp cô Bé đâu !"- nó nghĩ vậy - "Má ơi, sao má không hiện ra cho con thấy hả má ? - Thầy nói : Bây giờ má đang ở cõi Tịnh Độ phải không ? - Thầy khuyên con cầu nguyện cho má được về đó ! - Sao đời này lại có những bịnh kỳ dị quá hả má ? Sao chưa ai tìm được thuốc chữa bệnh ung thư hả má ? - Nữa, con sẽ cố gắng học Y Dược, con muốn sau này thành bác sĩ và tìm cách chữa cái bịnh quái đản này ...!!!"
- Dũng, em suy tư gì vậy ? Sao không vô ăn cơm ?
Anh Đoàn trưởng Thiếu nam vỗ vai kéo nó về thực tại. Nhìn người anh áo lam của mình, nó đáp :
- Em không thấy đói anh à !
Như đoán được tâm sự đứa em, anh Đoàn trưởng kéo Dũng đứng dậy :
- Em nhớ má em phải không ? Thôi, hãy vui lên, má em đang ở cõi Cực Lạc mà thấy em buồn thì má em cũng buồn theo cho mà xem. Với lại em cầm bông trắng mà quên mất em còn một bông đỏ, em phải biết quý trọng bông đỏ còn lại trên áo chứ ! Hôm nay là ngày Hiếu, em đừng để ba em buồn, vô ăn cơm đi ! Ba em, các anh chị và các bạn đang đợi em, thiếu em người ta sẽ ăn không ngon miệng đâu !!!
Dũng theo anh Đoàn trưởng cùng nhau bước vào chùa. Nó lớn dần từ thể xác đến tinh thần, từng bước một vững tiến cùng gia đình áo lam. Dáng dấp nó cao gần bằng người anh áo lam của nó.
(*) : Theo tục lệ ma chay của người Việt thì tang phục của người con trai phải đội mũ vành quấn bằng rơm, chống gậy tre hay vông đi trước quan tài cha mẹ, nên thường được người đời gọi con trai bằng danh từ "đứa con mũ gậy", còn con gái là "con mũ muối".